Bến xe Miền Đông mới đìu hiu do đâu?

GD&TĐ -Bến xe Miền Đông mới (TPHCM) được đầu tư với tổng kinh phí hơn 4000 tỉ đồng, là bến xe lớn nhất nước.

Một xe khách đón khách dưới chân cầu bộ hành trước Khu du lịch Suối Tiên.
Một xe khách đón khách dưới chân cầu bộ hành trước Khu du lịch Suối Tiên.

Tuy nhiên, suốt hai năm qua, dù các ngành chức năng TP đã làm nhiều cách, kể cả di dời khoảng 100 tuyến xe về đây nhưng hoạt động tại bến vẫn khá vắng vẻ.

Xe bỏ bến vì khách không chịu ra

Tính tới ngày 15/10, TPHCM đã quyết định di dời khoảng 100 tuyến với khoảng 1.700 xe đi miền Trung, miền Bắc tới hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới (BXMĐ). Tuy vậy, đến nay số lượng đầu xe di chuyển ra bến xe này vẫn chỉ đạt khoảng 50%.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, có khoảng hơn 300 đầu xe không quay về hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới mà đăng ký hoạt động tại các nơi khác như Bến xe An Sương, Bến xe Ngã Tư Ga, Bến xe Miền Tây hoặc hoạt động theo kiểu xe dù bến cóc.

Chia sẻ lý do vì sao không chịu vào BXMĐ mới hoạt động đón khách mà lại ra Bến xe Ngã tư Ga hoạt động, anh Nguyễn Phương Bình, chủ nhà xe Đức Thịnh chạy tuyến Bắc Nam cho biết chuyển ra BXMĐ mới hoạt động không có hiệu quả vì không có khách.

“Nằm bến hoài mà khách không ra thì đến giờ xuất bến vẫn phải chạy, chi phí đâu để bù lỗ cho việc xe không đầy khách. Từ xưa nay khách đã quen với việc ra BXMĐ cũ, giờ phải di chuyển thêm một quãng đường quá xa, tốn kém thêm chi phí nên khách chưa mặn mà. Chúng tôi làm dịch vụ nên phải ưu tiên chọn tuyến và bến nào khách chịu ghé, chứ mình không chiều khách, khách chọn nhà xe khác thì cũng chết”, anh Bình nói.

Trước thực trạng quá nhiều xe, nhiều tuyến bỏ bến, chấp nhận hoạt động kiểu lén lút trong nội thành qua các bến cóc, Sở GTVT TPHCM vừa đề nghị UBND Quận 1, UBND quận Bình Thạnh và UBND TP Thủ Đức tăng cường rà soát, xử lý tình trạng lập bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định trên địa bàn quản lý.

Công an TPHCM chỉ đạo các lực lượng trực thuộc phối hợp công an địa phương thành lập các tổ công tác, xây dựng kế hoạch chuyên đề xử lý các địa bàn nóng về tình trạng lập bến bãi, điểm đón trả khách không đúng quy định.

Thanh tra Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng dừng đón trả khách, dừng đỗ xe không đúng quy định trên các tuyến đường xung quanh khu vực BXMĐ hiện hữu, BXMĐ mới và các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1.

Sở GTVT cũng giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông các tuyến đường xung quanh khu vực BXMĐ hiện hữu, BXMĐ mới và các tuyến đường Nguyễn Thái Bình, đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

“Để thực hiện triệt để và quyết liệt việc xóa các bến cóc, xe dù, trong tháng 12 tới, TPHCM sẽ cấm xe giường nằm vào trung tâm TPHCM đón khách. Kế hoạch cấm xe trên 30 chỗ vào trung tâm TPHCM gồm hai giai đoạn (đã trình UBND TPHCM). Trong giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025), TPHCM cấm xe khách giường nằm vào nội đô từ 6 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

Đến giai đoạn 2 (từ năm 2025), TPHCM sẽ hạn chế thêm ô tô trên 30 chỗ (hoặc trên 16 chỗ). Đây là một trong những giải pháp tiến tới giải tỏa ùn tắc giao thông nội đô và giải quyết vấn nạn xe dù, bến cóc hoạt động sai quy định”, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM nói.

Các xe khách đang nằm chờ khách tại Bến xe Miền Đông mới.

Các xe khách đang nằm chờ khách tại Bến xe Miền Đông mới.

Thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch

Hàng loạt các biện pháp mạnh tay đang được các sở, ban ngành có trách nhiệm của TPHCM quyết liệt thực hiện, nhằm “nắn” cho bằng được hơn 100 tuyến xe đã di dời phải nghiêm chỉnh chấp hành và vào BXMĐ mới để hoạt động.

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cái mà lãnh đạo thành phố cần nhanh chóng xử lý, khắc phục chính là việc kết nối, vận hành một cách tổng thể và đồng bộ hệ sinh thái cho BXMĐ mới.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc chuyển từ bến xe cũ sang bến xe mới xét về mặt giao thông là hoàn toàn đúng về mặt chiến lược. Bởi vị trí cũ là khu vực khá kẹt xe, còn vị trí mới giao thông thuận tiện hơn. Ngoài ra, vị trí mới sắp tới có tuyến metro số 1 kết nối và hiện giờ cũng đã có các tuyến xe buýt đưa đón, cho nên về mặt giao thông hoàn toàn thuận lợi hơn.

“Vấn đề ở chỗ là chúng ta đang thiếu một quy hoạch đa ngành. Các nhà quản lý đô thị chỉ mới nhìn được việc chuyển bến xe ở vị trí cũ sang vị trí mới, là vấn đề giao thông thuần tuý, nhưng mà họ quên rằng trong quản lý đô thị nó không đơn giản như vậy. Chúng ta thấy ở bến xe hiện hữu có cả một hệ sinh thái làm việc với nhau. Tức là bến xe này đi với việc đổ xăng ở cây xăng nào, gửi xe ở chỗ nào, nhà trọ nào để khách ở tạm, rồi ăn uống, mua sắm, dịch vụ thương mại…”, kiến trúc sư Nam Sơn nói.

Vì BXMĐ mới đang bị “đứt gãy” trong đồng bộ vận hành, cũng như việc phải di chuyển từ nhà ra bến xe mới quá xa, tốn thêm chi phí khá lớn, nên chị Phan Thị Liên, quê Thanh Hóa vẫn chọn tìm nhà xe chịu đón mình quanh BXMĐ cũ.

“Tôi là dân kinh doanh, di chuyển hàng tuần nhưng từ nhà ra BXMĐ mới quá xa. Nhà tôi ở Quận 8, trước muốn đi hàng tại Thanh Hóa chỉ việc bắt taxi ra BXMĐ cũ là đi, nay phải di chuyển thêm gần 10km ra ngoài rìa TP. Càng vất vả hơn khi phải ôm thêm một mớ hàng kinh doanh, rất bất tiện. Muốn dân ra BXMĐ mới thì TP cần phải có tuyến xe buýt phủ đều các quận huyện trong việc kết nối với bến xe”, chị Liên nói.

Nhìn nhận BXMĐ mới đang thiếu sự đồng bộ về hạ tầng và quy hoạch, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng nguyên nhân một phần đến từ việc tuyến Metro số 1 chưa đi vào hoạt động.

“Sở GTVT TPHCM và các sở, ban ngành cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hạ tầng liên quan nhằm hoàn thiện các tuyến đường xung quanh BXMĐ mới, tổ chức giao thông phù hợp hơn, hạn chế xe khách lớn vào nội đô, trong đó có thể hạn chế xe giường nằm vào nội đô trong năm nay theo đúng quy hoạch giao thông. Cùng với đó TP sẽ tăng cường kết nối các tuyến xe buýt với BXMĐ mới trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.