Chuyện "lạ" những xe ôm ở bến xe Miền Đông

Chứng kiến hành khách phải chịu đựng cảnh tranh giành gây mất an ninh trật tự, những người lái xe ôm tại bến xe Miền Đông đã tự lập ra một quy định riêng, một nét văn hóa độc đáo.

Chuyện "lạ" những xe ôm ở bến xe Miền Đông

Họ đứng thành một hàng dài rất nghiêm trang và trật tự để đón khách, tạo hình ảnh đẹp trong lòng nhiều người dân ra vào bến xe.

Xếp hàng đón khách

Một buổi sáng của những ngày cuối tháng 8/2014, PV Đời sốngPháp luật ghé qua bến xe Miền Đông. Vừa bước vào bên trong cổng (hướng từ đường Đinh Bộ Lĩnh) hình ảnh đầu tiên khiến PV hết sức cảm động. 

Lúc này đã gần trưa, trước cái nắng oi ả của bầu trời miền Nam, gần 100 tài xế xe ôm tự xếp thành một hàng dài để đón khách khiến nhiều người ngạc nhiên.

Khi PV đi vào trong bến xe, lúc này các xe ôm ngay ngắn đứng thẳng hàng chờ đến lượt chào mời khách mà không hề tranh giành, xô đẩy nhau. Điều này đã gây thiện cảm với rất nhiều hành khách khi xuống bến xe Miền Đông. 

Khi PV đi tới, một bác xe ôm tầm 50 tuổi (nói giọng Quảng Ngãi - PV) nhẹ nhàng bước ra hỏi: "Em về đâu vậy, có cần anh giúp không?". Nhưng khi PV nói là có bạn ra đón thì bác xe ôm này không nói gì thêm, rồi quay lại đi xuống dưới cuối dãy xếp hàng và chờ hết vòng, tiếp tục tới lượt mình.

Chuyện

Bác xe ôm Phạm Văn Trực trao đổi với PV.

Ông Phạm Văn Trực (65 tuổi, ngụ đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh, TPHCM), Đội trưởng đội xe ôm tại bến xe Miền Đông cho biết: 

"Vì nhiều lần thấy cảnh xô xát, chèo kéo nhau gây mất trật tự ngay tại bến xe, tôi và nhiều anh em khác đã bàn kế hoạch làm sao vẫn có việc làm mà lại không gây tranh cãi, cũng như mất trật tự tại bến xe. 

Sau nhiều lần như vậy, anh Đinh Quốc Cường (quê Nam Định) mới nảy ra ý định này, rồi nói với anh em trong đội xe ôm là đã tìm ra một nét văn hóa riêng cho mình, là văn hóa xếp hàng tại bến xe. Chúng tôi làm như vậy cũng vì nhu cầu và văn hóa của người dân thôi".

"Đội lái xe ôm tại bến xe Miền Đông thành lập cũng lâu lắm rồi, nhưng mãi đến tháng 3/2014 thì mới đi vào trật tự. Từ ngày đội xe ôm đứng xếp hàng đón khách, rất nhiều người quan tâm và quý mến. 

Khách hàng đến cũng nhiều hơn, mà bến xe cũng không còn cảnh mất trật tự như trước nữa. Hiện nay, đội lái xe ôm ở đây gồm có năm tổ, mỗi tổ trên dưới 40 người. Thu nhập mỗi ngày của từng người trung bình từ 200 ngàn đồng trở lên" - Ông Trực cho biết thêm.

Được biết, khi tham gia vào mô hình này các lái xe ôm phải mặc đồng phục, đeo thẻ và xếp hàng, chào mời khách lịch sự. Bến xe sẽ có danh sách của từng xe ôm để quản lý, trên áo đồng phục của mỗi người đều ghi số điện thoại đường dây nóng. 

Nếu người dân cảm thấy không lòng có thể điện thoại đến phản ánh. Lái xe ôm nào vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở. Những lần tiếp theo, đội sẽ có những biện pháp khác mạnh hơn để họ tuân thủ theo quy định.

Nét văn hóa đẹp cần nhân rộng

Xưa nay, hiện tượng náo loạn, đeo bám khách đi xe ôm, là hình ảnh thường thấy tại nhiều bến xe trong địa bàn TP.HCM như An Sương, Hóc Môn, Ngã tư ga, bến xe Miền Tây. 

Chính vì vậy, hình ảnh những người xe ôm xếp hàng bắt khách tại bến xe Miền Đông khiến không ít hành khách có thiện cảm và yên tâm hơn khi thấy bóng dáng của họ. Hình ảnh này góp phần cải thiện những quan niệm cố hữu của nhiều người, về các bác tài xe ôm tại các bến xe, nhà ga.

Chuyện

Nhiều xe ôm đứng thành một hàng dài tại bến xe Miền Đông chờ đến lượt đón khách.

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên cả nước rất hiếm nơi nào có được mô hình xếp hàng tạo thành một nét văn hóa xe ôm đẹp như vậy. 

Thiết nghĩ, đây là một nét văn hóa cũng như văn minh của người Việt Nam chúng ta cần phải được quảng bá rộng rãi để du khách trong và ngoài nước có cái nhìn thiện cảm về đội ngũ chuyên chở khách này.

Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thu Trang (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết: "Thực sự tôi thấy rất bất ngờ. Vừa đi xe đường dài từ quê vào đây để xin việc làm, lúc xuống xe, tôi không thấy có ông xe ôm nào chạy tới xô đẩy, chèo kéo khách hết. 

Tôi chỉ thấy họ đứng xếp thành một hàng dài. Lúc đầu tôi cũng thấy lạ vì trước giờ ở quê tôi làm gì có chuyện này. Nhưng sau mới biết là các bác xe ôm. 

Họ cứ đứng xếp hàng vậy đó, tới lượt ai thì người đó đi, không thì khách tự tìm tới. Đây là nét văn hóa đẹp, cần được phát huy. Nếu ở những nơi khác cũng thực hiện được điều này, đồng nghĩa với việc sẽ không xảy ra những vụ cãi vã, đâm chém nhau để giành khách, rất lộn xộn và đau lòng".

Là một người lái xe khách đường dài tuyến TP.HCM - Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Văn Sáng kể: "Tôi chạy xe năm nay, đi hết bến xe này, bến xe khác từ Bắc vào Nam nhưng chưa thấy đâu có được một nét văn minh như ở đây. 

Họ đứng chờ tới lượt thì đi mời khách, chứ ở những bến xe khác, khi xe tôi vừa tới bến, mấy ông xe ôm chạy tới xô vào, nhận khách theo màu áo, hình dáng từ trên xe, rồi chèo kéo chặt chém khách, ép họ đi xe ôm. 

Thật ra mấy năm trước tại bến xe Miền Đông cũng phức tạp lắm, đủ thứ tệ nạn. Hình ảnh xe ôm xếp hàng, đón khách như thế này cũng mới xuất hiện ở đây được gần một năm thôi, nhưng ai thấy cũng rất ngưỡng mộ với sự thay đổi ngoạn mục này".

Được biết, hiện bến xe Miền Đông đang quản lý rất chặt các hoạt động đối với tổ lái xe ôm. Ai vi phạm nhiều lần sẽ không được hành nghề tại bến xe. 

Do vậy, từ khi mô hình xe ôm này đi vào hoạt động đến nay đã được nhiều người đón nhận và hoan nghênh. Hoạt động xe ôm được chấn chỉnh cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế các hành vi trộm cắp, móc túi thường xảy ra tại bến xe.

Sẽ tiếp tục phát huy

Phát biểu về hình ảnh văn hóa này, ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc bến xe Miền Đông cho biết: "Thời gian tới, ban quản lý sẽ tiếp tục phát huy mô hình xe ôm trên nhằm tạo thành một nét văn hóa đẹp. 

Từ khi mô hình này đi vào hoạt động, ban lãnh đạo bến xe nhận được rất nhiều lời cảm ơn cũng như lời khen của đông đảo hành khách. Chúng tôi sẽ cố gắng phát huy mô hình này. Thiết nghĩ, chúng ta cần thêm nhiều mô hình này hơn nữa trên khắp cả nước, chứ không riêng gì bến xe Miền Đông".

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.