Bên văn chỉ làng Nguyệt

GD&TĐ - Làng Nguyệt, ấy là tên nôm mà xửa xưa các bậc túc nho đã đặt cho một nơi hội tụ lắm người hay chữ.

Làng Nguyệt luôn trọng học thức và giữ gìn truyền thống, giá trị tiền nhân.
Làng Nguyệt luôn trọng học thức và giữ gìn truyền thống, giá trị tiền nhân.

Lật giở lại từng trang sử liệu, người thời nay mới vỡ vạc ra bao công tích mà người làng Nguyệt đã làm cho đất nước.

Thật là đất nào có Trạng, thì y như rằng sẽ kéo sự học trở thành cái nghiệp cho làng. Ở làng Nguyệt, mà từ xưa tới nay vẫn quen gọi là Nguyệt Áng có trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (Trạng Nguyệt) với câu nói nổi tiếng “thiên hạ là tôi đây” đã làm cho vua Lê chúa Trịnh như bừng giấc mộng. Và rồi, chân tài thực học từ làng Nguyệt cũng lấy đó làm gương soi cống hiến cho xã tắc 11 vị đại khoa.

Sau cổng làng Nguyệt

Cổng làng Nguyệt Áng.
Cổng làng Nguyệt Áng.

Từ thị trấn Văn Điển xuống làng Nguyệt xã Đại Áng (Thanh Trì) không phải là xa. Nhưng, khách chạm chân làng Nguyệt đã thấy có sự đổi khác rõ rệt. Giữa một bên là ầm ào xe cộ, còn bên kia là sự thinh lặng giấu trong gió đồng thoai thoải. Cảnh làng quê, làng cổ với những mái đình cong vút là nơi ẩn chứa lưu giữ những thăng trầm của lịch sử nghìn năm.

Hôm nay Nguyệt Áng có hội, nên giữa tiếng trống tiếng chiêng, tiếng phát phần của các bậc bô lão từ trong ngôi đình nhắc nhớ người ta đến thời mà tiền nhân đặt chữ “quê” làm gốc, chữ “học” làm trọng. Cho nên, ở phía bên văn chỉ tọa lạc giữa một vườn cây thâm u, nơi lưu giữ văn bia, ngai thờ tiến sĩ cũng mở rộng đón chào niềm vui.

Cổng làng Nguyệt Áng, nghe nói đã được dựng từ lâu lắm rồi, không ai nhớ đích xác nữa. Từ cánh cổng làng vào phía bên trong là bao nhiêu di tích lẫn di chỉ khảo cổ. Các nhà khoa học đã công nhận rằng, Nguyệt Áng có từ thời Hùng Vương dựng nước.

Thời phong kiến, Nguyệt Áng nổi danh là làng khoa bảng với 11 người đỗ đại khoa, gồm 1 trạng nguyên, 1 thám hoa, 9 tiến sĩ. Làng còn có 29 người đỗ trung khoa như hương cống, cử nhân.

Phía bên trái đình Nguyệt là văn chỉ của làng. Có thể nói, ở nước ta, khó có làng nào mà hệ thống văn chỉ còn nguyên lành đầy đủ bằng làng Nguyệt. Theo giải thích của ông Nguyễn Ngọc Hùng, Thủ từ đình Nguyệt thì do người làng từ xưa tới nay luôn coi trọng lịch sử và những giá trị tiền nhân để lại. Thậm chí không chỉ coi trọng, mà những giá trị ấy luôn là trọng tâm coi sóc của người làng.

Hơn nữa, văn chỉ làng là do trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh lập năm 1667, trước khi ông đi sứ Trung Quốc. Tại đây còn 2 tấm bia đá quý ghi tên những người đỗ đạt trong làng, là niềm tự hào của Nguyệt Áng. 

Văn chỉ ghi danh

Hệ thống bia đá cổ làng Nguyệt ghi khá tỉ mỉ thân thế, sự nghiệp của các tiến sĩ trong làng.
Hệ thống bia đá cổ làng Nguyệt ghi khá tỉ mỉ thân thế, sự nghiệp của các tiến sĩ trong làng.

Ở văn chỉ, chúng tôi thấy “Từ vũ bia ký” gồm hai mặt, chữ khắc chân phương, rõ đẹp. Bia dựng năm Cảnh Trị thứ 5, ghi: “Bồi tụng hữu thị lang bộ hình Nguyễn Quốc Khôi cùng em trai là Tiến sĩ Đình Trụ và Hội tư văn hàng giáp dựng Văn chỉ để làm nơi tế lễ các vị tiên hiền ở bản xã và biểu thị lòng tôn trọng đạo Nho cũng như sự chấn hưng văn phong vậy”.

Tấm bia thứ hai là “Đăng khoa thực lục” tóm tắt lai lịch của hai vị Tiến sĩ là Nguyễn Danh Thọ đỗ khoa Tân Mùi 1631, và Nguyễn Đình Trụ đỗ khoa Bính Thân 1656. Bia này cho biết Nguyễn Danh Thọ là người đỗ đạt cao đầu tiên của dòng họ Nguyễn ở Nguyệt Áng và Nguyễn Đình Trụ là người tiếp theo.

Bia “Khôi nguyên huân nghiệp” hai mặt, ghi việc học hành và đỗ đạt của ba vị: Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Xuân Đài. Về Nguyễn Đình Bách và Nguyễn Xuân Đài văn bia không có gì khác với các tài liệu đăng khoa lục, nhưng về Nguyễn Quốc Trinh thì có nhiều chi tiết đáng chú ý khi tìm hiểu vị trạng nguyên này.

Trong những người đỗ đạt của làng Nguyệt, nhiều người tài năng xuất chúng nhất được xác định là trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh. Người thứ hai là Nguyễn Đình Trụ, sau khi về hưu, ông mở trường dạy học, học trò đông tới hàng nghìn.

Hơn 70 người sau đó đỗ tiến sĩ và hương cống. Thời bấy giờ người đời coi Nguyễn Đình Trụ là “công phái thầy học”. Người thứ ba được nhắc tới là Lưu Quỹ nổi tiếng thẳng thắn, dám tâu việc hệ trọng mà triều đình tránh, dám can ngăn vua nên bị giáng chức. 

Trạng nguyên thì không xin chữ

Bia 4 mặt trong văn chỉ làng Nguyệt.
Bia 4 mặt trong văn chỉ làng Nguyệt.

Theo giai thoại mà các bô lão Nguyệt hay kể, thì xét theo sự nghiệp học tập của các trạng nguyên trong nước thời đó, Nguyễn Quốc Trinh là người đi học muộn nhất. Là người chăm học nhưng cũng ham chơi, một hôm chị Nguyễn Quốc Trinh đến nhà thầy đồ thăm em, khi đi qua đê thì thấy ông không học mà đang chơi diều ở ngoài đồng. Bà chị liền lôi cậu em vào trình với thầy.

Thầy giáo nghiêm nghị nói: “Tội anh đáng phạt đòn. Nhân tiện có chị anh sang đây, ta cũng muốn để gia đình biết được sức học của anh. Nay thầy ra một vế đối, nếu anh đối được thì tha, đối không được ta sẽ đuổi về”.

Nói rồi thầy đọc: “Bất học, hiếu du, vi tỉ giáo (Mê chơi, chẳng học, quên lời chị). Nguyễn Quốc Trinh không cần nghĩ ngợi, đối ngay: “Đăng khoa, cập đệ, trọng sư danh (Thi đỗ, cao khoa, nức tiếng thầy)”. Câu đối đó làm cả thầy và chị gái Nguyễn Quốc Trinh hài lòng, vui vẻ. Sau vụ này, thầy còn nuôi cho hai anh em Nguyễn Quốc Trinh ăn học.

Khoa thi năm Bính Thân (1656) đời Lê Thần Tông, Nguyễn Quốc Trinh cùng em trai là Nguyễn Đình Trụ về kinh ứng thí, tranh khôi đoạt giáp. Khi đang làm bài, trong đề mục có một đoạn Nguyễn Quốc Trinh quên mất, không làm được. Em trai ông ở lều thi cạnh định đọc cho ông chép nhưng Quốc Trinh thẳng thừng từ chối: “Từ xưa đến nay chưa có người nào đi xin chữ mà có thể tranh trạng nguyên”.

“Thiên hạ là tôi đây”

Văn chỉ làng Nguyệt ghi danh 11 vị đỗ đại khoa.
Văn chỉ làng Nguyệt ghi danh 11 vị đỗ đại khoa.

Tây vương Trịnh Tạc, muốn thử xem lòng người có phục mình không và sai quân lính đắp một cái đài ở Thăng Long đặt tên là đài Thu Thiên. Trịnh Tạc cùng một số đại thần đến tận nơi xem xét và quay sang hỏi: “Thế nào, ý ông ra sao?”. Quốc Trinh trả lời: “Khải chúa thượng, việc xây đài dựng cột, làm thế nào chẳng được, nhưng như thế này khiến lòng thiên hạ không vui”.

Chúa giận tái mặt: “Thiên hạ trăm nghìn người, mỗi người một ý, một mình ông làm sao biết được trăm nghìn bụng?”. Quốc Trinh bình thản: “Thiên hạ là tôi đây, lòng tôi không vui thì biết lòng thiên hạ”. Chúa nín lặng, không nói gì lên kiệu về cung. Tối hôm ấy, một cơn bão nổi lên, sét đánh gãy mấy cây cột dài. Trịnh Tạc đành bỏ, không cho dựng nữa.

Năm Đinh Mùi (1667) Quốc Trinh được triều đình phong làm Chánh sứ dẫn đoàn sứ bộ sang nhà Thanh. Vua Khang Hy có lệnh triệu Quốc Trinh vào điện thử tài.

Khi ông đến thì thấy có cả sứ thần Cao Ly, vua Thanh sai người mang ra hai chiếc thẻ tre nói: “Hai sứ thần hãy viết tên 100 danh thần của Trung Quốc vào chiếc thẻ, ai viết xong trước sẽ được phong là Lưỡng quốc danh thần, bằng không chỉ là Độn thần.

Sứ thần Cao Ly chăm chú mài mực viết còn Quốc Trinh vẫn ngồi im lặng tỏ vẻ suy nghĩ nhưng mãi không viết được chữ nào. Khi thời hạn nộp thẻ sắp hết, sứ thần Cao Ly cũng sắp hoàn thành phần thi của mình, lúc đó Quốc Trinh mới viết hai dòng chữ lên thẻ tre rồi buông bút.

Vua Khang Hy cầm đọc, thấy viết rằng: “Khổng môn thất thập nhị hiền/ Vân Đài nhị thập bát tướng”. Khang Hy tấm tắc khen ngợi tài năng rồi phán: “Sứ thần nước Nam rất xứng đáng là Lưỡng quốc danh thần”.

“Với 11 vị đỗ đại khoa đã ghi danh Nguyệt Áng trở thành 1 trong 22 làng khoa bảng của cả nước. Hệ thống văn chỉ, bia đá và những hương ước làng mà chúng tôi giữ được phần nào chứng minh được cách học tập, và những cống hiến mà tiền nhân đã làm cho đất nước”. Ông Nguyễn Đình Kiểm, Trưởng ban quản lý di tích làng Nguyệt Áng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...