"Dinh thự Xuân Trường" của ông Trịnh Đình Xuân - một doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng - vừa được hoàn thành cuối năm 2018. Công trình ở Yên Định, Thanh Hóa này được đánh giá cao trong giới kiến trúc bởi sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển và hiện đại. Ảnh: Nhà to.
Lấy ý tưởng từ thời kỳ Phục hưng vào thế kỷ 14 đến 17 ở châu Âu, nhưng gia chủ vẫn lồng ghép bức tượng Nữ thần Tự do của Mỹ để tạo điểm nhấn.
Tổng diện tích đất 1.100 m2, phần nhà ở 560 m2. Còn lại là lối đi chứa được 10 ôtô và khoảnh vườn nằm ngay trước mặt tòa nhà.
Bố cục cân đối, tối giản là phong cách dễ dàng nhận ra ở tòa dinh thự của ông Xuân. Hệ thống thang bộ thông hai tầng tuy bề thế nhưng không chiếm nhiều diện tích.
Trong ngôi nhà, điều gia chủ quan tâm nhất là hệ thống ánh sáng. Với thiết bị nhà thông minh, hệ thống gần 1.000 đèn led chỉ tự động bật khi có người trong nhà nên rất tiết kiệm điện.
Không chỉ lấy ánh sáng từ đèn điện, ông Xuân còn chủ động lấy ánh nắng tự nhiên làm nhà sáng bừng lên mỗi buổi bình minh. Rải rác khắp căn nhà là hàng trăm ô kính 3 lớp, ô cửa sổ... Mái vòm được các nghệ nhân vẽ tay với những gam màu ấm nóng, khiến ngôi nhà luôn ấm áp. Ảnh: Dương Anh Lai.
Ở trung tâm lan can là lớp kính xuyên sáng - một chi tiết xuất hiện nhiều ở các công trình nhà tân cổ điển. Chim công được vẽ ở đây thể hiện sự chung thủy, tình cảm vợ chồng bền chặt, không bao giờ chia lìa.
Khi mở cửa nhà, đây là vị trí nổi bật nhất, khiến gia chủ cảm thấy giảm stress sau những lần đi làm về mệt mỏi.
Hầu như tất cả chi tiết trong nhà đều được gia chủ mạ vàng công nghiệp và chế tác từ gỗ lim, trắc đúc nguyên khối, như bàn ăn, bàn khách, tủ tivi, cầu thang, lọ đựng tăm, lọ đựng hoa…
Khu vực trung tâm tòa nhà là nơi ông Xuân thường hay ngồi để nghe nhạc từ máy phát đĩa cổ, ngắm nhìn khoảnh vườn rộng 200 m2 trước nhà.
Phòng bếp là nơi có nhiều cửa sổ nhất, hầu như gia chủ không cần phải bật điện khi vào bếp nấu ăn. Cũng như các phòng khác trong nhà, phòng bếp cũng được lắp điều hòa âm trần và có thêm hệ thống hút khói, khử mùi thông minh.
"Vì vợ tôi rất đam mê nấu ăn, nên tôi muốn mỗi khi bà ấy vào bếp luôn cảm thấy thoải mái nhất", ông Xuân chia sẻ.
Theo ông Xuân, vì nhà ít người nên chỉ có 2 tầng, 2 phòng ngủ, mỗi phòng khoảng 50 m2. Trần nhà không dùng thạch cao, chỉ dùng nhựa picomat để chống lại khí hậu nồm, nóng ẩm và hiện tượng ẩm mốc. Thay vì dùng nền đá như bên ngoài, phòng ngủ được lát sàn gỗ để mùa đông căn phòng không bị mất nhiệt.
Tổng công trình được ông Trịnh Đình Xuân đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Sắp tới, gia chủ còn có ý định mở rộng thêm diện tích này.