Bên lề kỳ họp Quốc hội: Về đề xuất thay đổi giờ làm và đề xuất sáp nhập các tỉnh, bộ

GD&TĐ - Trả lời báo chí bên lề hành lang Quốc hội ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc đổi giờ làm cần phải nghiên cứu bài bản, khoa học đánh giá cụ thể mức tác động đến kinh tế, xã hội

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Tiền Phong.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Tiền Phong.

Cụ thể, giờ làm việc và giờ nghỉ trưa phải được xem xét cụ thể, việc đổi giờ làm cần phải nghiên cứu chứ không tự nhiên chúng ta nghĩ ra nên thay đổi thế này, nên thay đổi thế kia

Trước đó, phát biểu tại hội trường ngày 31/10, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết trên thế giới hầu hết các nước bắt đầu giờ làm việc ở cơ quan hành chính khối văn phòng, cơ sở giáo dục từ 8h30 hoặc 9h; thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng.

Hiện nay Việt Nam bắt đầu làm việc thường là từ 7h hoặc 7h30 đến 5h chiều. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng.

Ông Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. Đó là giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 5h chiều, thời gian nghỉ trưa kéo dài 1 giờ.

Riêng đối với khối sản xuất, khối doanh nghiệp nhà nước thì họ sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.

Bởi nếu bắt đầu từ 8h30 thì chúng ta không phải bố trí làm việc lệch giờ để giải quyết vấn đề giao thông. Mọi người trong gia đình có đủ thời gian để đi học, đi làm cùng lúc mà không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Hiệu quả của phương tiện giao thông công cộng cũng tăng lên đáng kể do số lượng xe buýt sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi.

Cũng trong khuôn khổ bên hành lang Quốc hội, sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi với báo chí về đề xuất sáp nhập các tỉnh có dân số ít và các bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ bám vào nội dung Nghị quyết để xây dựng lộ trình các bước thực hiện. Việc sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, cần phải tổng kết, đánh giá lại vì quy mô mỗi tỉnh phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau.

Ông Tân cho rằng, có những nội dung áp dụng làm ngay là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương; rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan bị chồng lấn, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao mỗi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công. Nhưng cũng có những lĩnh vực nghiên cứu định hướng làm thí điểm.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tới đây sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Việc sáp nhập các bộ, hay địa phương, theo ông Tân cũng phải đi từ Nghị quyết Trung ương 6.

Trước đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất, với những tỉnh có dân số dưới 800.000 người thì có thể tính toán sáp nhập lại với nhau. Sau khi sáp nhập thì có thể giảm được khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số thấp, và giảm 3-4 bộ có cùng nhiệm vụ chức năng tương đồng.

Nếu thực hiện đề xuất này thì sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức từ đó tiết kiệm chi thường xuyên hàng ngàn tỉ đồng, đồng thời tiết kiệm trong sử dụng tài sản công cũng là rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.