Một chiều đông ta trở lại bến sông
Sóng xôn xao vỗ đôi bờ kỷ niệm
Quán cũ chênh vênh trong chiều gió lạnh
Dòng sông dài, thuyền em về đâu…
Ta muốn hỏi sông sâu
Cô lái đò trao cho ta ánh mắt chiều ấy…
Đường hành quân rất vội.
Bây giờ con mắt biếc, về đâu?
Ta muốn hỏi sông sâu
Sông một dòng sao nửa trong nửa đục?
Sông một dòng, sao hai trời khác biệt?
Bên bồi bên lở để lòng đau!
Trời cuối năm xám ngắt một màu
Heo hút bên sông ngày ấy.
Trên bến cũ có một người ngóng đợi
Bây giờ em đi đâu, về đâu…
Sau những tháng năm trận mạc gian nguy, khi cuộc sống trở lại thanh bình, không thiều gì những anh lính đi tìm lại người đã gặp, ở nơi bến cũ, đò xưa. Người lính này cũng vậy, con đường nỗi nhớ và nỗi cô đơn, đã dẫn anh trở về với với bến đò kỷ niệm:
Một chiều đông ta trở lại bến sông
Sóng xôn xao vỗ đôi bờ kỷ niệm
Quán cũ chênh vênh trong chiều gió lạnh.
Sóng trên sông, muôn đời vẫn chỉ là những con sóng vô cảm, vỗ vô hồi, nhưng qua cái nhìn của tâm trạng đang vỗ sóng một nỗi niềm bồi hồi thương nhớ, thì bỗng như thấy có cái gì nao nao, từ trong những con sóng kia.
Những con sóng, đã từng vỗ mạn thuyền mà cũng là vỗ vào lòng người lính qua sông đi chiến trận, một nỗi bồn chồn, đã xuôi theo tháng năm dài, đi vào quá vãng, nay đâu có còn.
Duy chỉ còn lại chiếc quán cũ đứng chênh vênh, như đối mặt với thời gian, mưa gió, để chờ gặp lại người xưa, trong một nỗi cô đơn sâu thẳm. Quán nghèo, bến cũ vẫn còn đó, nhưng cô lái đò năm xưa giờ đây vắng bóng:
Dòng sông dài, thuyền em về đâu?
“Thuyền em về đâu?”, như có một cái gì day dứt, cứ xoáy vào lòng người đang chới với trước cảnh sông nước chiều hôm buồn vắng. Biết hỏi ai bây giờ trên bến vắng, khi một mình đối mặt với dòng sông sâu:
Ta muốn hỏi sông sâu,
Cô lái đò trao cho ta ánh mắt buổi ấy…
Đường hành quân rất vôi.
Bây giờ con mắt biếc về đâu?
Muốn hỏi sông ư? Muốn biết sông thì hỏi người lái đò, đó là lẽ thường tình. Còn muốn biết người lái đò mà hỏi dòng sông thì đó là chuyện muôn đời không thể được! Cũng như người ta có thể tìm cây bằng cách hỏi chim trời, chứ không thể tìm bóng chim trời bằng cách hỏi hàng cây! Có lẽ hiểu sâu sắc điều đó, nên câu hỏi kia chỉ là sự giả định, thoáng qua trong ý muốn mà thôi.
Giữa đoàn quân ra trận, có biết bao chàng trai trẻ? Nhưng tình yêu, bao giờ cũng có con đường riêng của nó. Đâu phải bất kỳ chàng trai nào, cô lái đò cũng có thể trao cho cái ánh mắt lạ lùng, làm run rẩy con tim. Hơn thế nữa, trao tình yêu cho người đi vào trong mưa bom, bão đạn mà như người xưa đã từng nói là:“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, thì đâu chỉ đơn thuần là chuyện của cảm xúc.
Cho nên, đây là ánh mắt của con tim mách bảo, của niềm tin yêu, mong đợi. Tia lửa hy vọng mà cô gái nhen nhóm qua ánh mắt, đã đốt lên trong lòng chàng trai một ngọn lửa ước mơ, cháy mãi cho đến bây giờ vẫn không thể nào tắt.
Mặc dù biết “con đường tình không lối, dòng sông tình không bờ”, nhưng người lính này không sợ “chồn chân mỏi gối”, mà vẫn cứ đi tìm với một niềm hy vong. Nên giờ đây, đứng trước tình cảnh bến sông lạnh vắng, đìu hiu, người lính không tránh khỏi sự hụt hẫng:
Ta muốn hỏi sông sâu
Sông một dòng sao nửa trong nửa đục?
Sông một dòng sao hai trời khác biệt ?
Bên lở bên bồi để lòng đau!
Sao đang từ chuyện hỏi sông để tìm người, bỗng đột ngột quay sang hỏi sông về sông: Bên trong, bên đục, bên lở, bên bồi? Những câu hỏi này tưởng chừng như lạc điệu và phi logic, nhưng không phải thế, mà thực ra là đoạn thơ đang phát triển theo mạch của tình cảm, nỗi lòng đau ngày càng dâng cao. Những câu hỏi cứ xoáy vào cái nghịch lý của dòng sông, với giọng điệu dằn vặt, như trách móc, như muốn bắt đền bắt vạ sông nước, một điều gì vậy.
Phải chăng, nhờ có con sông này, bến đò này mà anh ta mới có được mối tình của cô lái đò, mong manh như ánh mắt thầm lặng? Nhưng cũng chính vì con sông dài, với nhiều bến đỗ mà con thuyền đời kia, đã lẩn khuất nơi đâu, hoặc lang thang trên một bến tình nào khác nữa? Để lúc này đây, cho người như đang chết đuối trong niềm vô vọng.
Cứ tưởng cái chuyện sông bên trong, bên đục, bên lở, bên bồi kia là lẽ tự nhiên, có dính líu gì đến câu chuyện tình giữa đôi lứa yêu thương, thế mà lại để cho lòng đau? Hóa ra, đây chỉ là một hình thức ẩn dụ, là cách nói xa xôi bóng gió, thể hiện sự hoài nghi về tình cảm bất nhất của con người, khi trong, khi đục, như con nước chảy đôi dòng.
Song, cái điều đáng chú ý ở đây là tình cảm của người lính như thế nào, từ sau những câu hỏi tưởng chừng như vô nghĩa kia. Đây, tất phải là cả một cõi lòng bời bời thương nhớ; là cả một nỗi khát khao cháy bỏng muốn gặp lại bạn tình, nhưng đành bất lực.
Nào ai có biết đâu được, cô lái đò năm xưa, chắc đã mỏi mòn con mắt đợi trông cái anh chàng mang ánh mắt mình đi vào chiến trận buổi ấy, mãi không thấy trở về. Nhưng “hoa đến kỳ thì hoa phải nở, đò đã đầy thì đò phải sang sông…”, khi đến duyên thì em phải đi lấy chồng, chứ mãi đợi chờ anh sao được!
Lúc này đây, trên bến đò hun hút gió heo may, chỉ còn chú lính, một hình một bóng, đứng đối mặt với mùa đông giá lạnh, muốn sang sông rộng mà không có đò:
Trời cuối năm xám ngắt một màu
Heo hút bên sông ngày ấy
Trên bến cũ có một người ngóng đợi…
Vô vọng nhưng không tuyệt vọng, người lính vẫn gửi vào trời mây non nước, một lời nhắn gửi thiết tha, với niềm hy vọng đợi trông. Câu hỏi cuối bài thơ như buông vào lòng người một nỗi niềm khắc khoải, đau đáu:
Bây giờ em đi đâu, về đâu…?
Biết đâu đấy, ở một góc khuất nào đó của không gian, trong thế giới tình yêu, cô lái đò năm xưa, đã nghe được những lời nhắn gửi vu vơ từ trong gió, nên không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi cảm thương cho người tình xưa vẫn đang đứng đợi mình trên bến cũ.
Và cũng biết đâu được, cô lái đò năm xưa vẫn ôm chiếc thuyền mộng, trên “bến không chồng”, chỉ chờ tiếng gọi của người lính là sẽ trở lại nơi bến cũ, để nối lại tình xưa; để yêu cho trọn vẹn một tình yêu còn dang dở…
Và có lẽ đôi lứa này đã gặp nhau, để thành vợ thành chồng, con cháu sum vầy, hạnh phúc như hôm nay!
Hôm nay, Bến Đợi, không còn là Bến Đợi nữa, có chăng chỉ còn là cái bến mơ hồ trong ký ức, nhưng mãi mãi đọng lại trên dòng sông thơ xanh trong êm mát, ngọt ngào.