Bé trai phải cắt bỏ tinh hoàn sau 3 ngày xuất hiện dấu hiệu lạ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bé trai 2 tuổi được gia đình đưa đi khám thì tinh hoàn trái đã hoại tử do bị xoắn quá lâu.

Tinh hoàn của bệnh nhi đã hoại tử, tím đen
Tinh hoàn của bệnh nhi đã hoại tử, tím đen

Mới đây ngày 16/10, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết Khoa Ngoại nhi tổng hợp vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 2 tuổi (ở Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng sưng đau, nề đỏ vùng bìu.

Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện ở bìu trái của bệnh nhi có khối cứng treo cao, nắn đau, bìu phải không rõ khối, các cơ quan còn lại không phát hiện bất thường.

Cũng theo kết quả siêu âm vùng bẹn bìu, bệnh nhi được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn trái ngày thứ 3. Ngay lập tức, bệnh nhi được phẫu thuật cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Đức Lân, Trưởng Khoa Ngoại nhi tổng hợp, cho biết trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận tinh hoàn trái xoắn 2 vòng đã hoại tử, tím đen.

Sau khi tháo xoắn, đánh giá tinh hoàn đã hoại tử hoàn toàn, các bác sĩ giải thích với người nhà bệnh nhi và tiến hành cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn trái. Đồng thời cố định tinh hoàn bên phải để hạn chế nguy cơ xoắn.

Tinh hoàn của bệnh nhi đã hoại tử, tím đen
Tinh hoàn của bệnh nhi đã hoại tử, tím đen

Hiện tại, sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi ổn định, vết mổ khô, vùng bìu đỡ sưng nề, trẻ ăn uống tốt, không sốt và đang tiếp tục được theo dõi tại Khoa, dự kiến ra viện trong 1,2 ngày tới.

Được biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính, trong đó 90 % thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21.

Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu. Hậu quả dẫn đến tắc mạch máu cấp tính, nếu không giải phóng kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Lân, xoắn tinh hoàn được biểu hiện bằng cơn đau chói ở bìu, vùng bìu sưng to. Khi khám lâm sàng, tinh hoàn bên xoắn treo cao hơn bên đối diện.

Việc phát hiện và điều trị cấp cứu sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong trường hợp này.

Nếu người bệnh được đưa đến viện sớm, trong 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo thì khả năng bảo tồn được tinh hoàn là rất cao.

Với trường hợp của bệnh nhi trên, bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần rất thận trọng trong quan sát các dấu hiệu bất thường ở con. Nếu nhận thấy trẻ xuất hiện triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu hoặc bìu sưng to, nề đỏ thì cần cho trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Còn nhớ vào hồi cuối tháng 8, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phẫu thuật bảo tồn thành công tinh hoàn bị xoắn, tím đen sắp hoại tử cho một nam sinh.

Sáng ngày 18/8/2023, Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận và phẫu thuật bảo tồn được tinh hoàn đã tím đen cho một nam sinh bị xoắn 1,5 vòng ở gốc.

Bệnh nhân là em Nguyễn Minh H., 15 tuổi, đang chuẩn bị quay lại trường học sau kỳ nghỉ hè. 6h sáng khi ngủ dậy, đột ngột xuất hiện đau vùng bìu trái, đau nhói liên tục, khiến em rất khó chịu và không ăn uống được gì.

Ban đầu, bố mẹ em H. chỉ nghĩ rằng đây là cơn đau bình thường, quyết định cho con uống 1 viên paracetamol, nhưng uống xong thì cơn đau không hề thuyên giảm.

Đến 8h30, cơn đau bìu càng ngày tăng lên nên bố mẹ đã đưa đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khi thăm khám, các bác sĩ Nam khoa dễ dàng nhận ra đây trường hợp xoắn tinh hoàn. Sau đó bệnh nhân đã được đưa lên phòng mổ và tiến hành tháo xoắn, ủ bằng huyết thanh ấm, phong bế thừng tinh, sau 20 phút chờ đợi thì tinh hoàn hồng trở lại và được cố định trở lại vào khoang bìu.

Theo Tiền Phong, VTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ