Các vụ lạm dụng trẻ em thỉnh thoảng được nghe thấy, và nhiều vụ trong số đó chỉ được phơi bày sau khi những đứa trẻ bị thương được đưa đến bệnh viện.
Một đội y tế ở Đài Loan chia sẻ, một cậu bé 3 tuổi được nhân viên xã hội đưa đến bệnh viện, trong tình trạng hôn mê nặng, trên người đầy vết bầm tím. Điều đáng nói là những sự việc được tiết lộ sau đó khiến các bác sĩ và bất cứ ai đọc được cũng rất đau lòng và phẫn nộ.
"Làm thế nào mà bộ não của đứa trẻ 3 tuổi này có thể co lại như một ông già 80 tuổi?" - Đó là tiêu đề của câu chuyện được chia sẻ trang Facebook "Vulcan"s Broken Thoughts" do Nhóm chăm sóc chấn thương và trọng thương của Bệnh viện Zhonghe Memorial trực thuộc Đại học Y Cao Hùng (Đài Loan).
Một trong những bác sĩ của nhóm, bác sĩ Tang Tang cho biết gần đây anh đã tiếp nhận một cậu bé 3 tuổi do một nhân viên xã hội từ Cục Xã hội địa phương đưa đến. Cậu bé đã hôn mê khi được đưa đến bệnh viện và nghi ngờ bị lạm dụng.
Bác sĩ Tang Tang miêu tả cân nặng của thằng bé nhẹ hơn cả mèo, trên cơ thể chi chít những vết sẹo khác nhau.
"Khi đỡ đứa trẻ từ tay nhân viên phòng xã hội, tôi cảm nhận rõ đứa trẻ gầy yếu như một con mèo, không khóc, không cười, hơi thở rất yếu ớt. Những vết bầm tím trên cơ thể, cánh tay, bắp chân và khi vén áo lên còn thấy những vết thương chằng chịt âm thầm tố cáo những gì mà đứa trẻ phải chịu đựng."
Bác sĩ nhi khoa ngay lập tức tới tiến hành đặt nội khí quản cho cậu bé, nhưng liên tục thất bại vì đứa trẻ quá gầy. Thậm chí, nhiều bác sĩ và chuyên gia gây mê kinh nghiệm hơn đã sử dụng phương tiện hỗ trợ hình ảnh để đặt nội khí quản nhưng vẫn rất khó khăn.
Vị bác sĩ dày dặn kinh nghiệm họ Wu cũng phải nói thẳng: “Thể hình đứa trẻ không giống với tuổi, phải sử dụng cách khác, thằng bé quá gầy". Cuối cùng, các bác sĩ phải sử dụng một dụng cụ khác để giúp cậu bé đặt nội khí quản.
Cậu bé hôn mê nghiêm trọng, bác sĩ tiết lộ sự thật về bạo lực gia đình
Bác sĩ Tang Tang kể tiếp rằng khi cậu bé đi chụp cắt lớp vi tính sọ não, bác sĩ Tang Tang tranh thủ hỏi thăm nhân viên xã hội về hoàn cảnh của cậu bé và giải thích rằng tình hình không mấy khả quan.
Bác sĩ Tang Tang thẳng thừng nói rằng cậu bé bị thiếu cân trầm trọng và chỉ số hôn mê thấp nhất 3 điểm.
Nam nhân viên xã hội, có vẻ như dưới 30 tuổi, rất lo lắng, nói rằng gia đình của cậu bé là “gia đình khó khăn, có nhiều vấn đề” nên các nhân viên xã hội sẽ đến thăm thường xuyên.
Gần đây, cha mẹ của cậu bé nói rằng cậu bé liên tục khóc và tuyên bố không thể nuôi dưỡng cậu bé được nữa nên yêu cầu nhân viên xã hội đưa đứa trẻ đi. Tuy nhiên, sau khi đến nơi, họ thấy cậu bé có vẻ khó chịu, không nói được và rất buồn ngủ, trên đường đi thì lên cơn co giật đột ngột nên đưa đi bệnh viện ngay.
Nhân viên xã hội cũng chỉ ra rằng trong một lần thăm khám gần đây, cậu bé được phát hiện gầy hơn, nhưng cha mẹ cậu chỉ nói rằng đó là bệnh viêm dạ dày ruột, và họ cũng nói rằng những vết sẹo trên cơ thể cậu bé là vô tình bị thương do ngã.
Bác sĩ Tang Tang nghe xong nói rằng: "Những vết thương trên người đứa trẻ đều ở bên trong cánh tay, bắp chân sau, dưới quần áo, đây không phải là vị trí dễ bị thương nếu té ngã bình thường". Điều này ám chỉ đứa trẻ đã bị bạo hành gia đình.
Nhân viên công tác xã hội nghe xong liền cảm thấy như sét đánh bên tai, hai mắt rưng rưng, anh cảm thấy hối hận và tự trách bản thân.
Bác sĩ Tang Tang sau đó đi kiểm tra kết quả quét não của cậu bé. Ban đầu bác sĩ nghĩ rằng cậu bé bị xuất huyết não, nhưng không ngờ rằng não của đứa trẻ đã bị teo nghiêm trọng. Bác sĩ Tang Tang thốt lên: “Làm sao có chuyện này được? Não của đứa trẻ ba tuổi này sao lại teo lại như một ông già 80 tuổi?
Bác sĩ Wu đi ngang qua nói một cách bình tĩnh và buồn bã: "Đây là bộ não của đứa trẻ bị lạm dụng hoặc bỏ rơi trong thời gian dài. Bộ não của những đứa trẻ này sẽ nhỏ hơn những đứa trẻ bình thường, và thậm chí chúng có thể bị teo lại.
Sau này lớn lên, cũng có thể sẽ dẫn tới lạm dụng chất kích thích hoặc tâm thần, nhưng quan trọng nhất là phải cho đứa trẻ này vào phòng chăm sóc đặc biệt trước đã!".
Sau đó, bác sĩ Tang Tang ra ngoài để giải thích kết quả chụp cắt lớp vi tính cho nhân viên xã hội. "Chàng trai trẻ ôm lấy đầu, người run lên. Khoảnh khắc đó tôi hiểu trái tim anh ta đang vừa hối hận vừa tự trách bản thân nhưng đó không phải là lỗi của anh ấy".
Trẻ nhỏ bị bạo hành ảnh hưởng đến não bộ như thế nào?
Tiến sĩ Martin Teicher và các đồng nghiệp của ông tại Bệnh viện McLean, Trường Y Harvard và Đại học Northeastern, đã sử dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định những thay đổi đo được trong cấu trúc não ở những thanh niên từng bị lạm dụng, bạo hành hoặc bỏ rơi thời thơ ấu.
Có sự khác biệt rõ ràng trong chín vùng não giữa những người từng bị chấn thương thời thơ ấu và những người không bị chấn thương. Những thay đổi rõ ràng nhất là ở các vùng não giúp cân bằng cảm xúc và xung động, cũng như tư duy tập trung vào bản thân.
Kết quả chỉ ra rằng những người từng bị lạm dụng, bạo hành hoặc bị bỏ rơi thời thơ ấu có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện cao hơn nếu họ đi theo con đường đó vì họ khó kiểm soát sự thôi thúc của mình và đưa ra quyết định hợp lý do những thay đổi thực tế về thể chất trong quá trình phát triển não của họ.
Khi mọi người trải qua ba loại lạm dụng trở lên (tình dục, thể xác, lời nói, bỏ bê), 53% bị trầm cảm nặng vào một thời điểm nào đó trong đời. 40% bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD).
Những thay đổi cấu trúc não của đứa trẻ bị bạo hành hoặc bỏ rơi:
- Giảm kích thước của thể vàng. Chức năng chính của thể vàng là tích hợp chức năng vỏ não — các hoạt động vận động, cảm giác và nhận thức — giữa các bán cầu
- Giảm kích thước của hồi hải mã, điều quan trọng trong học tập và trí nhớ
- Rối loạn chức năng ở các mức độ khác nhau của trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA)
- Khối lượng vỏ não trước ít hơn, ảnh hưởng đến hành vi, cân bằng cảm xúc và nhận thức
- Hoạt động quá mức trong hạch hạnh nhân, chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc và xác định phản ứng đối với các tình huống căng thẳng hoặc nguy hiểm tiềm ẩn
- Giảm kích thước của tiểu não, có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động và phối hợp.