Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát chính thức, GS.TSKH Đặng Ứng Vận – Trưởng Đoàn đánh giá ngoài nhấn mạnh, nguyên tắc đánh giá: Chất lượng - Khách quan - Công bằng; đánh giá để cải tiến chất lượng; tiếp cận tổng thể và hệ thống; tính chu kỳ (PDCA) và tính xác thực, có minh chứng.
Sau khi khảo sát, đánh giá 25 tiêu chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT ban hành, đoàn chuyên gia ghi nhận, ứng với mỗi tiêu chuẩn đều có những điểm mạnh; từ đó đề xuất cải tiến chất lượng.
Chẳng hạn, với tiêu chuẩn về tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa, GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho hay, sứ mạng của Học viện Quản lý giáo dục đã được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và định hướng phát triển, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành Giáo dục và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Giá trị cốt lõi đã được xác định trên cơ sở phát huy những truyền thống tốt đẹp của Học viện. Sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của Học viện được công bố rộng rãi qua nhiều kênh thông tin; được phổ biến, quán triệt, giải thích để cán bộ, giảng viên và nhân viên thực hiện.
Trong giai đoạn đánh giá, Học viện đã có một lần điều chỉnh sứ mạng tầm nhìn và giá trị cốt lõi đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan và có bước cải tiến quy trình xây dựng, rà soát và phát triển vấn đề này.
Đoàn đánh giá ngoài khuyến nghị, Học viện Quản lý giáo dục cần bám sát Kết luận 242/2009 của Ban Bí thư; Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Học viện cần thể hiện tính chuyên nghiệp, dẫn dắt đổi mới sáng tạo trong toàn ngành về khoa học giáo dục và khoa học quản lý.
Ngoài ra, Học viện cần quán triệt Kết luận 91 của Bộ Chính trị; Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, xây dựng các đề án lớn để tập trung phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, cần chú trọng, năng lực số của cán bộ quản lý cần phải đi đầu, tập trung vào vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo và định hướng giáo dục toàn hệ thống bằng các luận cứ khoa học giáo dục, khoa học quản lý cho ngành (xây dựng chính sách) và các cơ sở giáo dục (ứng dụng mạnh về công nghệ mới) để dẫn dắt sự phát triển hệ thống giáo dục công – tư...
Khẳng định, tập thể lãnh đạo Học viện sẽ nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng và định hướng phát triển trong thời gian tới; PGS.TS Phạm Văn Thuần ghi nhận, đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đã đưa ra các chỉ số “sức khỏe” của học viện, đồng thời có những tư vấn xác đáng, thiết thực.
Trên cơ sở đó, Học viện nhận diện, định vị lại vị trí của mình trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, nhất trong bối cảnh đất nước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Với sự đồng lòng, đoàn kết, những khuyến cáo của đoàn chuyên gia sẽ là kim chỉ nam để Học viện phát triển trong tương lai” - PGS.TS Phạm Văn Thuần bày tỏ; đồng thời đề nghị, các bộ phận tiếp tục rà soát minh chứng để cung cấp cho đoàn đánh giá ngoài hoàn thiện báo cáo chính thức.
Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát chính thức mới chỉ là bước đầu, khoảng 8/2/2025 sẽ có bản chính thức; TS Nguyễn Văn Đường – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long thông tin. Vì thế, các cán bộ, giảng là đầu mối cần tiếp tục cung cấp minh chứng, thông tin mà đoàn chuyên gia cần. Trên cơ sở đó, đoàn đánh giá sẽ có bản báo cáo chính thức. “Mong các chuyên gia sớm hoàn thiện báo cáo, trong đó có các phụ lục số 5 và số 6” - TS Nguyễn Văn Đường nhấn mạnh.