“Bé cái nhầm” phân hạng di sản văn hóa phi vật thể?

Các nghệ nhân của Đoàn Nghệ thuật hát Then, Đồng Đăng, Lạng Sơn trình diễn Thực hành Then tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Hà Thái
Các nghệ nhân của Đoàn Nghệ thuật hát Then, Đồng Đăng, Lạng Sơn trình diễn Thực hành Then tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Hà Thái

Nhầm lẫn... “thơ ngây”?

Vị cựu cán bộ cao cấp của UNESCO “dũng cảm” đưa ra thông tin có thể nói gây “sốc” với người Việt Nam đó là TS Frank Proschan. Với bằng cứ chắc nịch – Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - TS Frank Proschan cho rằng, hiện nay ở Việt Nam vẫn hiểu lầm đối với thuật ngữ “Di sản văn hóa phi vật thể”.

Cụ thể, tại khoản 1, điều 2 của Công ước, thuật ngữ “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng – cũng như công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên qua – mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ.

Từ định nghĩa đó, TS Frank Proschan bình luận: “Không có di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hay của nhân loại mà chỉ có di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng một nhóm người tại một quốc gia nào đó”. Cùng với đó, ông còn thông tin thêm, không có điều khoản nào của Công ước 2003 quy định về việc xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì thế, cái cách xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp thế giới (nhân loại) chỉ là sự hiểu lầm từ các thông tin chưa chính xác về Công ước.

Mở lại Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (được đăng tải trên trang: www.unesco.org) thì chỉ có chương III, chương IV lần lượt nêu rõ “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia” và “Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc tế”. Với những chương này, Công ước đặc biệt nhấn mạnh đến mục đích bảo vệ và tôn trọng di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người... cũng như nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể chứ không hướng đến việc phân hạng, phân cấp như bấy lâu nay người Việt vẫn... nghĩ và làm như vậy!

Nhất định phải của... thế giới!

Câu chuyện mà TS Frank Proschan đưa ra đã khiến dư luận “té ngửa” vì không thể tin nổi sự thật: Những di sản văn hóa phi vật thể bấy lâu nay được UNESCO vinh danh không phải là di sản của nhân loại mà là di sản của các cộng đồng, các nhóm người ở Việt Nam. Đấy là: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình triều Nguyễn, Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, hát xoan Phú Thọ, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, ca trù (di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp). Cùng với đó, hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể khác ở trong cả nước đã được phân hạng theo cấp quốc gia cũng bị Công ước 2003 của UNESCO bác bỏ.

Cũng vì không thể tin nổi ấy mà mới đây dư luận vẫn tiếp tục tưng bừng truyền thông về Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cộng thêm đó, Quảng Ninh cũng vừa tưng bừng đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (TP Móng Cái) và Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn (H. Vân Đồn). Hải Phòng vui mừng không kém khi Lễ hội đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo lý giải của các chuyên gia, sự hiểu nhầm này không dễ sửa vì đã xảy ra có hệ thống trong suốt 15 năm qua. Bà Phạm Thị Thanh Hường - Phụ trách chương trình Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết, từ việc chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt chưa được sát thực với văn bản gốc của Công ước 2003 mà dẫn đến sự hiểu nhầm đó.

Chỉ có điều, đã từ lâu, UNESCO nhận biết được việc này và cảnh báo nhưng vẫn bị giới hạn trong phạm vi hẹp vì hoạt động truyền thông của UNESCO còn hạn chế. Trong khi đó, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng đã nhận thức về cách hiểu sai đó nên “xắn tay” điều chỉnh thông tin ở các văn bản cũng như website của đơn vị. Thế nhưng, sự nhầm lẫn này đã xảy ra trong suốt thời gian dài và phủ rộng khắp nên điều chỉnh chưa đâu vào đâu.

Tuy nhiên, theo TS Đinh Công Vĩ, chuyên gia Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có lẽ cách lý giải thuyết phục hơn cả vẫn là tâm lý sính “cấp cao” của người Việt, không riêng gì trong lĩnh vực di sản. Một cộng đồng có được những nghi lễ thực hành văn hóa dân gian rất đặc sắc nhưng lo bảo tồn, phát triển thì ít mà lo chạy vạy để nghi lễ thực hành đó được huyện rồi tỉnh rồi quốc gia công nhận để bằng chị, bằng em là nhiều.

Và ở tầm quốc gia thì lại vươn đến di sản phải là... của thế giới cho “oách”, cho quan trọng. “Cũng không thể trách các cộng đồng được. Cái đáng trách ở đây là ngay chính cơ chế của Nhà nước đã luôn phân cấp xếp hạng di sản để nhà nhà, người người phải chạy theo sự phân cấp đó. Đây là một cách ứng xử thiếu công bằng với di sản văn hóa phi vật thể” – TS Đinh Công Vĩ nhấn mạnh.

“Nếu hiểu UNESCO vinh danh, công nhận di sản văn hóa phi vật thể nào đó là của thế giới, của nhân loại thì rõ ràng quốc gia, nhân loại có quyền can thiệp, thậm chí can thiệp quá sâu, làm ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng sở hữu di sản, thậm chí làm di sản trở nên méo mó”.                                                           TS Frank Proschan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ