Một bé gái 8 tuổi được giấu tên ở New Dehli, Ấn Độ sinh sống cùng bố mẹ trước đó vẫn luôn khỏe mạnh, hoạt bát. Bỗng một ngày cô bé được cô giáo đưa về nhà do đột nhiên lên cơn đau đầu dữ dội. Mọi chuyện càng trở nên trầm trọng hơn khi em bắt đầu xuất hiện những cơn co giật bất thường ngay tại lớp học, gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Gia đình đưa em đến bệnh viện kiểm tra, nhưng sau sáu tháng điều trị, các triệu chứng trên không hề thuyên giảm mà càng trở nên nặng hơn.
Ban đầu, cô bé được chỉ điều trị bằng steroid liều cao vì các bác sĩ đã nghĩ rằng đó là các triệu chứng của u nang não. Nhưng thay vì các triệu chứng sẽ thuyên giảm, tình trạng của em càng trở nên nghiêm trọng khi cơ thể em bắt đầu bị phù nề, trọng lượng cơ thể tăng từ 40 kg lên 60 kg khiến cô bé bị khó thở và không thể đi lại bình thường. Phải sáu tháng sau, cha mẹ của em sau khi đã quá tuyệt vọng vì căn bệnh kỳ lạ của con gái đã đưa cô bé đến bệnh viện Fortis ở Gurgaon kiểm tra.
Ở đó, sau những lần chụp cắt lớp não bộ, cô bé được chẩn đoán là mắc chứng loạn thần kinh. Nguyên nhân chính là cô bé bị nhiễm sán dây nặng, trứng của chúng đi vào mạch máu từ dạ dày lên đến não và làm tổ ở đó. Lý giải cho nguyên nhân nhiễm sán dây, các bác sĩ cho biết, cô bé đã ăn trái cây chưa được rửa sạch và thịt chưa được nấu kỹ.
Trứng sán dây ở trong những loại thực phẩm này đã không được loại bỏ triệt để, chúng đã xâm nhập vào cơ thể. Sau một thời gian điều trị đúng bệnh, cô bé đã dần hồi phục và đã có thể đi lại được.
Chụp cắt lớp cho thấy những chấm tròn trong não của bé gái 8 tuổi chính là trứng của sán dây
“Chúng tôi không hề biết con gái mình gặp phải vấn đề khủng khiếp như thế"
Việc điều trị của em bắt đầu khi các bác sĩ phải sử dụng các loại thuốc để giảm sưng tấy, sau đó là những loại thuốc đặc trị để đẩy hết số trứng sán ra ngoài cơ thể. Sự tăng cân đột ngột do phù nề, hậu quả của việc sử dụng steroid liều cao đã được chữa khỏi, cô bé đã trở về số cân nặng ban đầu và có thể tiếp tục đi học.
Cha của cô bé cho biết: “Vợ chồng chúng tôi không thể nghĩ rằng, con gái chúng tôi đang rất khỏe mạnh và vui vẻ lại mắc phải một chứng bệnh nghiêm trọng đến thế. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã cực kỳ may mắn khi đã điều trị kịp thời cho con gái trước khi số trứng sán kia nở và gây tổn thương lên não của con bé”.
Ở góc chụp khác, trứng sán dây ban đầu bị chuẩn đoán nhầm là u nang
Praveen Gupta, giám đốc thần kinh tại Bệnh viện Fortis, cho biết: “Việc chụp cắt lớp phần não của cô bé đã cho thấy hơn 100 chấm trắng hình thành do trứng của sán dây. Việc cơ thể bị xuất hiện các triệu chứng sưng tấy và nhiễm trùng chính là do ăn phải thực phẩm có chứa trứng sán.
Khi trứng xâm nhập não bộ qua hệ thần kinh, chúng gây ra chứng loạn thần kinh, biểu hiện thông qua những cơn đau đầu dữ dội, những cơn co giật và tâm lý bất ổn. Có thể nhiều người không biết, nhưng hiện tượng trứng sán dây phá hoại chức năng não bộ là rất phổ biến”.
Một con sán dây trưởng thành
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công nhận sự tấn công phá hoại hệ thần kinh trung ương có tác nhân chính của sán dây, loại sán này hình thành từ trứng sán có trong những loại thực phẩm như thịt lợn hoặc rau củ khi chưa được chế biến và rửa sạch trước khi sử dụng.
Cũng theo WHO, việc bị nhiễm ấu trùng sán dây có thể được ngăn ngừa bằng những phương pháp rất đơn giản. Chỉ cần chế biến thực phẩm kỹ hơn trước khi sử dụng và chỉ chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc, người tiêu dùng có thể tránh khỏi việc bị nhiễm phải chứng bệnh này – một tác nhân hàng đầu của chứng động kinh trên toàn thế giới.