Tuy nhiên, thay vì đi theo con đường chính thống, đăng ký với các đơn vị được cấp phép, thì một số lao động lại tự tìm đường đi thông qua một mối quan hệ quen biết, các đối tượng “cò mồi”, mạng xã hội... để rồi lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Ám ảnh
Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, được người quen giới thiệu, tư vấn “đi làm việc ở Campuchia với mức lương từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi tháng, bao ăn ở, công việc nhẹ nhàng”, anh T.V.A. (huyện Thới Bình) quyết định nhập cảnh nước bạn qua đường tiểu ngạch.
Để gieo niềm tin, đối tượng “cò mồi” còn cho anh A. ứng trước một khoản tiền lương. Phải đến khi qua đó anh mới biết đây là đường dây đưa người vượt biên trái phép. Anh T.V.A. bị bán lại cho một công ty Trung Quốc.
“Qua đó đâu có việc làm nhẹ nhàng lương cao như lời hứa đâu, họ bắt mình làm việc cực nhọc cả ngày nhưng không trả lương, nếu không làm thì bị đánh đập. Một thời gian sau họ bắt mình điện về cho người thân cầu cứu, đưa tiền chuộc. Nếu không bỏ tiền ra chuộc thì sẽ lấy thận bán”, anh A. vẫn còn sợ khi nhớ lại cảnh bị tra tấn thể xác lẫn tinh thần.
Cũng tin lời người quen sang nước bạn Campuchia bằng đường tiểu ngạch với hy vọng có việc với mức lương cao, anh T.C.N (huyện Đầm Dơi) bị nhốt vào khu biệt lập, bị đánh đập, buộc phải gọi điện về nhà cầu cứu. Sau khi gia đình đã chuyển đúng số tiền nhóm lừa đảo đề nghị (hơn 100 triệu đồng), anh N mới được thả về.
“Lúc đi con tôi khỏe mạnh, nhưng về nhìn nó như người mất hồn, không chịu tiếp xúc với ai, hay hoảng loạn, sợ hãi khi tiếp xúc với người lạ. Cơ thể thì đầy vết thương, nhìn mà đau lòng”, mẹ nạn nhân N khóc nghẹn nói.
So với các nạn nhân trên, anh Q.Đ.L (huyện Phú Tân) may mắn hơn khi kịp trốn thoát về từ Malaysia, thoát cảnh bị hành hạ thể xác. Anh L kể, qua Malaysia anh và nhiều lao động được giao nhiệm vụ thực hiện các chiêu thức dụ dỗ người chơi nạp tiền vào các tài khoản game, hay thông qua môi trường mạng lừa đảo người khác bằng nhiều phương thức.
Nếu không làm theo yêu cầu, người lao động sẽ bị bỏ đói, bị đánh đập hoặc bị bán sang một công ty khác và bị tra tấn nhiều hơn. “Về nhà được mình rất mừng. Từ nay ai nói cho tiền tỷ mình cũng không dám đi sang nước ngoài làm việc chui thông qua môi giới”, anh L nói.
Không chỉ bị các đối tượng “cò mồi” quen biết dụ dỗ, lôi kéo, nhiều người dân vùng nông thôn còn bị sập bẫy xuất khẩu lao động thông qua hình thức quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok...
Một số đối tượng đăng tải thông tin xuất khẩu lao động sang Úc, Nhật, Hàn... với việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nail, nhà hàng, khách sạn, lương cao, bao đậu visa... Một số người dân vì thiếu kiến thức, mong muốn kiếm tiền nhiều, đổi đời, đã tin tưởng, để rồi bị các đối tượng lừa đảo mất tiền, khó khăn càng thêm khó khăn.
Qua tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội, anh H (huyện Trần Văn Thời) được một tài khoản Facebook có tên Thông Nguyễn, tự xưng là nhà tuyển dụng lao động sang Hàn Quốc làm quen. Đối tượng đã lập toàn bộ hồ sơ có chữ ký giả mạo của Trung tâm Lao động ngoài nước và yêu cầu anh H chuyển tiền 3 lần, tổng là gần 10 triệu đồng. Khi kẻ lừa đảo tiếp tục yêu cầu chuyển thêm tiền, anh H mới liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau nhờ tư vấn, xác minh và nhận ra bị lừa.
Cũng thông qua tài khoản Facebook, anh M (huyện Phú Tân) bị lừa chuyển tiền để được xuất khẩu lao động sang Úc, làm nông trại, lương cao. “Họ mạo danh một công ty xuất khẩu lao động có tiếng, hứa hẹn đủ điều, đưa nhiều giấy tờ để tạo niềm tin. Sau khi mình chấp nhận, họ liên tục hối thúc nạp tiền.
Số tiền nạp thì ngày càng tăng. Mình nạp 2 lần cũng gần 2 triệu đồng. Lần sau họ kêu nạp thêm 6 triệu đồng nữa nên mình nghi ngờ. Mình tìm hiểu, xác minh thì được biết đó là công ty lừa đảo, không có chức năng đưa lao động đi Úc”, anh M chia sẻ.
Một nhân vật trò chuyện với phóng viên chuyện bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động. |
Lời khuyên hữu ích
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, bà Mai Kiều Oanh - Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế ICO, chi nhánh Cà Mau khẳng định: Không có chương trình làm việc thời vụ ở nước ngoài nào doanh nghiệp tư nhân có thể tự làm hết, mà phải có sự ký kết của 2 đất nước, hoặc của một tỉnh nước này với tỉnh nước khác. Tất cả đều phải thông qua ngành lao động, chính quyền địa phương, tuân theo quy định về trình tự thủ tục và phải được đào tạo học tiếng trước khi đi.
“Các đối tượng thường yêu cầu người có nhu cầu xuất khẩu lao động chuyển số tiền ít để dễ dàng lừa đảo. Nhiều người ở nông thôn vì thấy số tiền yêu cầu chuyển có một vài triệu đồng mà được đi lao động nước ngoài nên sẵn sàng chuyển. Họ thậm chí còn rủ bà con, hàng xóm cùng tham gia. Điều này dẫn đến nhiều người cùng mắc bẫy và số tiền những kẻ lừa đảo thu lợi rất lớn”, bà Oanh nói.
Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần vì bị lừa đảo xuất khẩu lao động. |
Để hạn chế việc người dân rơi vào bẫy xuất khẩu lao động, bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau (trung tâm) khuyến cáo người dân nên tìm hiểu thật kỹ các thông tin trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài.
Không đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua con đường người thân, quen giới thiệu, hoặc thông qua các trang mạng xã hội. Nếu có nhu cầu, phải lên trực tiếp trung tâm có chức năng, xác định rõ về điều kiện, khả năng của bản thân và khả năng tài chính của gia đình.
“Người lao động ở Cà Mau có nhu cầu đi làm việc ở bất kỳ nước nào cần thực hiện theo quy trình, các bước, trực tiếp đăng ký thông tin tại UBND xã/ phường/ thị trấn, Phòng LĐ,TB&XH huyện/ thành phố nơi cư trú.
Đồng thời có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Lý do, trung tâm được tỉnh giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, bà Thoảng khuyến cáo.
“Hiện nay, Cà Mau chỉ có 2 huyện Thới Bình và huyện Ngọc Hiển đã ký kết thỏa thuận triển khai chương trình tuyển chọn đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Đến nay chưa có đơn vị, doanh nghiệp nào trên cả nước được chọn thực hiện đưa lao động đi làm việc theo chương trình PALM (lao động nông nghiệp) tại Úc. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần nắm rõ thông tin và khuyến cáo người dân không tham gia, tránh bị lừa đảo”, bà Quách Thanh Thoảng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau thông tin.