Bất thường đấu giá tài sản: Để công an vào cuộc

Ngày 17-7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm và triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2020. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu (điểm cầu chính tại Hà Nội).

Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn trình bày báo cáo sơ kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm thể hiện ngành tư pháp có nhiều thành tựu nổi bật. Cạnh đó, báo cáo cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp công tác sáu tháng cuối năm 2020.

Cấp phiếu lý lịch tư pháp gặp khó

Phần thảo luận, hơn 10 đại diện của Sở Tư pháp các tỉnh, thành đã nêu ra nhiều vấn đề và hội nghị đã thảo luận sôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang, cho rằng việc cấp phiếu lý lịch tư pháp gặp nhiều khó khăn khi phải xác minh ở nhiều nơi, thời gian kéo dài. Thực tế thì phần mềm hộ tịch có lượng truy cập lớn nên thường bị đơ, dẫn đến việc người dân phải chờ đợi.

Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho rằng phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tố tụng để phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và các yêu cầu cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay đa số cá nhân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 là để bổ túc hồ sơ bảo lãnh xuất cảnh. Nếu theo quy định là không phù hợp nhưng Sở Tư pháp cũng không có cơ sở để từ chối.

Về công tác phối hợp, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên gặp khó khi gửi văn bản đến các cơ quan tố tụng ở các tỉnh, thành khác, có trường hợp đến năm, sáu lần vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. Điều này dẫn đến việc trễ hẹn trong việc trả kết quả.

Trao đổi lại, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, đã giải đáp một số nội dung. Theo ông Hùng, trước đây hầu hết địa phương có tình trạng chậm trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp (có nơi 60%-70%). Sau khi có cơ chế phối hợp, có phần mềm kết nối với Bộ Công an thì hiện nay tỉ lệ chậm chỉ khoảng đến 2%.

Theo ông Hùng, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp để xác minh có án tích hay không và có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích hay không là phức tạp vì liên quan đến nhiều cơ quan lưu trữ hồ sơ hoặc hồ sơ bị mất. Vì vậy, có những hồ sơ chậm hoặc không thể giải quyết được.

Cũng theo ông Hùng, hiện có nhiều kiến nghị cần sửa luật để có thủ tục riêng về xóa án tích đương nhiên. Trong khi hồ sơ loại này rất phức tạp vì người làm tờ khai bao giờ cũng nói mình trong sạch nhưng tra cứu ra lại có đến 3-4 tội.

Có những người sau khi chấp hành hình phạt tù về là đi khỏi địa phương, không biết tung tích. Sau một thời gian họ quay lại vì cần phiếu lý lịch tư pháp, yêu cầu xóa án tích đương nhiên nên rất nhiều khó khăn…

Vì thế, giải pháp cho các Sở Tư pháp là tập trung nghiên cứu công văn hướng dẫn, kết hợp trao đổi cả bằng công văn và cả điện thoại. Nếu gặp những trường hợp khó khăn, cần gửi toàn bộ hồ sơ để Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia hỗ trợ. Trung tâm hiện có rất nhiều số điện thoại đường dây nóng nên các địa phương cứ gọi để xử lý ngay khi gặp vướng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh:TTXVN

Đề nghị công an làm rõ thông đồng, dìm giá

Đại diện Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết trong chín tháng qua, có 434 trường hợp bán đấu giá thành nhưng chỉ giao tài sản được 248 trường hợp, tỉ lệ chưa giao tài sản được tương đối lớn.

Đại diện một số Sở Tư pháp khác nêu ra một số hạn chế của việc bán đấu giá tài sản như giá khởi điểm của tài sản đấu giá chưa sát với giá thị trường, nhất là giá đất. Hệ quả là dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi.

Trong khi đó, một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá. Có nơi vẫn còn chuyện bao che, thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản.

Ngoài ra, hoạt động này còn xuất hiện hiện tượng bảo kê của băng nhóm xã hội đen có hành vi đe dọa, cưỡng ép những người tham gia đấu giá. Mục đích là nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Thực tế khác là việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người mua được tài sản đấu giá ngay tình chịu nhiều rủi ro, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng do không nhận được tài sản trúng đấu giá dẫn đến tâm lý e ngại...

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, cho rằng tình trạng thông đồng, dìm giá rất khó phát hiện và các quy định còn chung chung. Hiện tượng này không phải bây giờ mới xảy ra nhưng ngày càng tinh vi, phức tạp và thường không xảy ra tại cuộc đấu giá mà trước hoặc sau.

Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước hay Bộ Tư pháp, kể cả trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoặc nghe thông tin về hiện tượng này nếu không có các công cụ kỹ thuật chuyên ngành hoặc các nghiệp vụ điều tra của các cơ quan điều tra thì rất khó phát hiện.

Bà Mai đề nghị các Sở Tư pháp trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động đấu giá nếu phát hiện việc thông đồng, dìm giá thì phải đề nghị các cơ quan chức năng và cơ quan công an vào cuộc. Bởi các cơ quan này có điều kiện thực hiện các kỹ thuật, cũng như có những kỹ năng điều tra để giám sát hiện tượng này.

Theoplo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ