Bắt nhịp việc học sau Tết: Tích cực mở cửa trường học

GD&TĐ - Nhiều trường học tại TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam lên kế hoạch đón học sinh đến trường sau Tết.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) yên tâm trở lại học trực tiếp.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) yên tâm trở lại học trực tiếp.

Sau một thời gian dài dạy - học trực tuyến với nhiều khó khăn, hầu hết nhà trường chuẩn bị đón trò với tâm thế sẵn sàng, thận trọng và phấn khởi.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Có giải pháp để ổn định tâm lý, chống sốc cho trò

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng
(Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

Năm học này, nhiều học sinh rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mất cha mẹ, một số em tiếp tục học trực tuyến khi bạn được đến trường nên tâm lý bị ảnh hưởng. Khi trở lại trường, bên cạnh công tác phòng dịch, ngành Giáo dục, nhà trường cần có giải pháp để ổn định tâm lý, chống sốc cho trẻ khi làm quen hình thức học mới.

Đặc biệt, trẻ rất cần hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe để vực dậy sau cú sốc do Covid gây ra. Các em không chỉ cần sự hỗ trợ, san sẻ từ địa phương, nhà trường, thầy cô giáo mà còn cần có vai trò tư vấn từ y tế trường học.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ em bị mất cha, mẹ bởi Covid-19 sẽ chịu nhiều thiệt thòi về mọi mặt, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện sau này. Đặc biệt là những tác động lớn về mặt tâm lý, kéo theo là những ảnh hưởng về học tập, thể chất… Hơn lúc nào hết, trẻ cần sự chăm lo, quan tâm, động viên kịp thời.

Đối với công tác phòng dịch khi học sinh trở lại trường, sở chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch; cập nhật đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố. Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện phương án kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, người lao động tại cơ sở giáo dục; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của thành phố, thực hiện hiệu quả quy tắc  5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.

Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch cho giáo viên, học sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời…

Cô Lê Trầm Phương Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp): Sẵn sàng phương án xử lý tình huống

Cô Lê Trầm Phương Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp).
Cô Lê Trầm Phương Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Sa Đéc, Đồng Tháp).

Để mở cửa trường học an toàn, Trường THCS Võ Thị Sáu đã rà soát lại cơ sở vật chất đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch trong trường học. Nhà trường xây dựng các phương án xử lý tình huống khi có vấn đề phát sinh liên quan đến dịch trong quá trình tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường. Đến nay, nhà trường cơ bản chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, nhân sự, diễn tập xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đón học sinh trở lại trường…

Trường xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị, Tổ an toàn Covid-19, phân công nhiệm vụ cụ thể từng bộ phận, từng thành viên thực hiện. Sau 3 lần lấy ý kiến từ phụ huynh, tỷ lệ đồng ý cho con em trở lại trường tăng từ 30% lên hơn 80% ở thời điểm hiện tại (có lớp đạt 100% học sinh học trực tiếp). Trường bố trí mỗi lớp 1 phòng, mỗi phòng cách nhau ít nhất là 1 phòng. Đối với lớp học 100% sĩ số, trường bố trí học tại phòng máy chiếu (diện tích gấp rưỡi phòng học bình thường).

Để tạo điều kiện cho các em học tập tốt, nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trường lắp đặt thêm hệ thống đường mạng. Tại mỗi phòng học bố trí 1 bộ máy vi tính, camera, loa để giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa kết nối dạy trực tuyến (cùng khung giờ) cho học sinh chưa thể đến trường.

Để giúp học sinh ổn định tâm lý khi quay lại trường, thầy cô nhất là giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh về nền nếp học tập cũng như biện pháp đảm bảo an toàn. Phân công Đoàn viên, giáo viên thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn cho giáo viên, học sinh tại cổng trường vào đầu các buổi học. Với sự chuẩn bị này, phụ huynh đã yên tâm trong việc cho phép con em học tập trực tiếp.

Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM): Dự trù mọi tình huống có thể xảy ra

Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) trong một dịp tuyên dương học sinh.
Thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) trong một dịp tuyên dương học sinh.

Việc đón học sinh trở lại trường sau Tết là niềm vui của cả phụ huynh lẫn giáo viên chủ nhiệm. Bởi sau những ngày tháng dạy học trực tuyến với nhiều khó khăn nhất định, mọi người đều thích được gặp gỡ trực tiếp, đồng thời cũng là mong muốn mọi hoạt động trở lại như trước đây.

Để có một tâm lý tốt nhất cho học sinh, giáo viên trở lại trường sau Tết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng bộ phận để chuẩn bị tốt nhất về cơ sở vật chất cũng như tinh thần. Nhà trường tổ chức cho giáo viên tập huấn những tình huống có thể xảy ra trong ngày đầu học sinh tới lớp; tình huống có tính bất ngờ như việc phát hiện F0 trước khi vào lớp hay F0 được phát hiện khi đang ngồi trong lớp… Tất cả tình huống trên nhà trường đặt ra những phương án dự trù, đặc biệt là công tác phối hợp với chính quyền địa phương, liên kết với trung tâm y tế dự phòng của xã để khử khuẩn và test nhanh khi có các ca nghi nhiễm F0.

Tôi thống nhất cao với chủ trương dạy học trực tiếp của Sở GD&ĐT. Những việc cần làm ngay tuần đầu khi học sinh tới lớp: Giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường, xây dựng lại nền nếp học tập, nắm bắt, phân loại học sinh theo từng nhóm dựa vào thời lượng tham gia học trực tuyến, khả năng tiếp thu và ôn tập kiến thức. Nhà trường đồng thời xây dựng kế hoạch chuẩn bị kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I đối với học sinh khối lớp 1, 2.

TS.BS Trần Đức Sĩ - giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM: Duy trì dạy học trực tiếp và trực tuyến

Việc đi học trực tiếp hay dạy và học online đều có những ưu, khuyết điểm khác nhau dù nhìn từ khía cạnh nào. Từ góc nhìn y khoa, việc bị cô lập thời gian dài sẽ có những tác động tâm lý nhất định đối với các trẻ nhỏ. Bị giới hạn trong không gian sinh hoạt của gia đình sẽ tạo cảm giác tù túng, bí bách không phù hợp với tâm sinh lý trẻ em muốn chạy nhảy, chơi đùa, khám phá. Phụ huynh có thể mất bình tĩnh với trẻ, đánh mắng làm tổn thương tâm lý, tình cảm trẻ. Trẻ cũng thiếu điều kiện để phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm. Nếu không được quản lý chặt, một số học sinh, ở khối lớp lớn hay nhỏ, có thể nảy sinh tâm lý lười biếng, chủ quan, ảnh hưởng không chỉ kiến thức mà cả tính cách, tác phong.

Để bù đắp, phụ huynh sẽ phải dành ra nhiều thời gian, công sức, phải tìm hiểu thêm về tâm lý, giáo dục trẻ em. Cần xác định những điểm mạnh, yếu trong năng lực, trong tính cách của con em để bồi dưỡng, điều chỉnh. Có thể sắp xếp để trẻ chơi với bạn cùng trang lứa trong một môi trường an toàn; chơi với con em của số ít bà con, đồng nghiệp hoặc những gia đình hàng xóm có kiến thức và thực hành phòng chống lây nhiễm đúng đắn nhất.

Nếu trẻ được quay lại học tập trung, gặp gỡ bạn bè, những hạn chế nêu trên sẽ nhanh chóng được khỏa lấp, ngoại trừ những trẻ có những mất mát trong đại dịch. Giáo viên chủ nhiệm sẽ cần dành thêm thời gian cho các em này, tìm hiểu về hoàn cảnh sống hiện tại để giúp đỡ hoặc báo cáo nhà trường, thông báo các đoàn thể địa phương. Tùy theo niềm tin tôn giáo và cách lý giải của từng gia đình, giáo viên giúp trẻ chấp nhận sự mất mát và khuyến khích trẻ phấn đấu vì những người đã mất, người thân còn lại và vì chính bản thân trẻ.

Việc đi học tập trung trở lại khiến trẻ và có thể là cả xã hội cảm thấy an tâm hơn, cảm tưởng như dịch bệnh đã qua. Điều này có thể đưa đến tâm lý chủ quan làm tái bùng phát sự lan truyền Covid-19. Cần tuyên truyền nhắc nhở học sinh tuân thủ việc mang khẩu trang đều và hạn chế tập trung ăn uống chung. Tuy nhiên đối với các bé nhỏ tuổi, những điều này khó đảm bảo được. Không chỉ bỏ khẩu trang, trẻ thường chơi theo nhóm bạn, chia sẻ đồ chơi, đồ ăn, thậm chí cắn chung cái bánh, uống chung chai nước. Nhận thức an toàn của trẻ không cao nhưng nếu răn đe, hù dọa quá mức có thể sẽ đưa đến những rối loạn ám ảnh sợ về sau. Vì vậy, việc đưa trẻ nhỏ đến trường cần có kế hoạch phòng chống nhiễm khuẩn chi tiết.

Là một giảng viên tôi biết rõ những khó khăn của việc giảng dạy trực tuyến đối với giáo viên và nhà trường. Ngoài hạ tầng kỹ thuật, còn cần công sức soạn bài cũng như nhân lực để kiểm soát và duy trì sự tham gia của học sinh, sinh viên. Đây là một thách thức nhưng cũng là động lực để chúng ta đổi mới giáo dục. Nên bỏ cách giáo dục bị động chỉ nhồi nhét thông tin mà chuyển sang khuyến khích trẻ suy luận, sáng tạo, rèn luyện khả năng biện luận, tự nhận thức. Cách thức kiểm tra, lượng giá cũng phải đánh giá mức độ hiểu biết của người học chứ không đơn thuần là xác định có thuộc bài hay không.

Để hiện đại hóa, phát triển nền giáo dục Việt Nam, về lâu dài cần duy trì song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến. Trước mắt điều này sẽ gây những khó khăn nhất định về mặt nhân lực cho ngành sư phạm nhưng về lâu dài thì các giáo viên sẽ tập trung vào vai trò chính yếu của mình là hỗ trợ học sinh lựa chọn và tiếp thu kiến thức. Các nhà quản lý cũng sẽ trở về với vai trò định chuẩn kiến thức còn việc phát triển nội dung sẽ có sự đóng góp của cộng đồng chung các giáo viên, giảng viên.

Việc duy trì song song hai hình thức giảng dạy cũng giúp tránh tình trạng 40 học sinh ngồi chung một lớp, một tồn tại mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Điều này  phù hợp với hoàn cảnh của dịch bệnh, đảm bảo sĩ số nhỏ để dễ truy vết, cảnh báo theo dõi, cũng như giữ khoảng cách an toàn giữa các học sinh ngồi học trong lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ