Bởi để được bán hàng trên truyền hình, doanh nghiệp (DN) phải trả một khoản chi phí không nhỏ, nhưng chỉ cần điều kiện rất đơn giản. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá bán sản phẩm thường rất cao nhưng chất lượng lại rất kém và những “chiêu” quảng cáo một đằng, bán một nẻo theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” khiến không ít NTD “mắc bẫy”.
Tiền không liền với... chất lượng
Phản ánh tình trạng bát nháo trong bán hàng qua truyền hình với Hội Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) và Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), đại diện cơ quan này xác nhận thường xuyên nhận được phản ánh của NTD về việc hàng đặt mua không giống với trên quảng cáo, từ hình thức đến tính năng đều không đầy đủ, hoạt động không hiệu quả hoặc chất liệu khác hoàn toàn so với những gì được quảng cáo trên truyền hình.
Bên cạnh đó là tình trạng sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều trường hợp, DN giới thiệu sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng trên sản phẩm lại ghi “sản xuất tại Trung Quốc”...
Trong vai đại diện của một DN vừa ra sản phẩm mới muốn quảng bá, bán hàng qua TVShopping - VTVCab11 (kênh bán hàng phổ biến nhất hiện nay), liên hệ với bộ phận quảng cáo của đơn vị này, chúng tôi được một nam nhân viên tên H chào mời rất nhiệt tình và đưa ra những thời lượng, mức giá khác nhau...
Ai cũng hiểu, để có được “đất” bán hàng trên truyền hình thì cần phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ so với chi phí thuê mặt bằng theo kênh bán hàng truyền thống.
Anh Đặng Văn Tuấn - Chủ một thương hiệu thời trang cho biết, chi phí thuê cửa hàng có diện tích khoảng 70 m2 của anh tại phố Thái Hà (Hà Nội) chỉ là 30 triệu đồng/tháng.
Các trung tâm thương mại xa trung tâm TP giá thuê cũng chỉ ở mức 30 - 50 triệu đồng/diện tích từ 80 - 120m2... Trong khi đó, theo báo giá của TVShopping - VTVCab11, mức giá thấp nhất cho thời lượng 3 phút, phát 2 lần/ngày lên tới 42 triệu đồng/tháng.
Chưa kể chi phí sản suất clip lên tới gần 15 triệu đồng. Mức cao nhất là thời lượng 7 phút, phát 4 lần/ngày, chi phí tới 92,6 triệu đồng/tháng, riêng sản xuất clip hết 17,6 triệu đồng (các chi phí này đã bao gồm thuế VAT và trừ chiết khấu 35 - 50%).
Với chi phí cực kỳ đắt đỏ này, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết giá sản phẩm bán qua kênh truyền hình đều bị đẩy lên cao gấp nhiều lần.
Điển hình như Công ty TNHH TM-DV Vạn Gia Hảo, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM phát hiện, ngoài các vi phạm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dán nhãn phụ thì giá bán cũng bị “thổi phồng” chóng mặt.
Ví dụ, sản phẩm máy mát-xa Body Pro, nguồn gốc Trung Quốc của công ty này bán qua truyền hình, giá nhập khẩu chỉ 170.000 đồng, song giá bán trên truyền hình gần 2 triệu đồng (đã bao gồm mức giảm giá 50%).
Hay một loại quần định hình dáng, giá gốc chỉ khoảng 10.000 đồng, nhưng giá bán lẻ trên truyền hình lên tới gần 400.000 đồng/chiếc…
Lỗ hổng trong... quản lý
Khi chúng tôi đặt vấn đề thẩm định chất lượng sản phẩm trước khi phát sóng, nhân viên tên H của TVShopping - VTVCab11 cho biết, quan trọng nhất là giấy phép quảng cáo sản phẩm của DN, đây là thủ tục có tính pháp lý cao nhất, còn các tính năng ưu việt của sản phẩm thì phải làm sao cho nổi bật nhất trong clip.
Trao đổi về quy trình này, bà Trịnh Thị Thu Hằng - Phó trưởng phòng Phát thanh - Truyền hình (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho biết:
Theo quy định, nội dung quảng cáo phải tuân theo quy định của các ngành. Ví dụ, quảng cáo thực phẩm chức năng phải theo quy định Bộ Y tế, quảng cáo máy móc thì theo quy định Bộ KH&CN.
“Bộ TT&TT không quản lý và cũng không cấp phép cho bất cứ nội dung quảng cáo nào mà các nhà đài phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những dịch vụ quảng cáo của mình trước các cơ quan chức năng” - Bà Hằng nói.
Với hình thức bán hàng đặc thù là khách hàng không có điều kiện kiểm tra, trải nghiệm sản phẩm trực tiếp như khi mua hàng theo cách truyền thống, cũng như phía cung cấp dịch vụ truyền hình không đặt ra điều kiện gì với đối tác về chất lượng của sản phẩm là một lỗ hổng không nhỏ.
Nghĩa là, đơn vị bán hàng có thể “treo đầu dê bán thịt chó”. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp NTD đã bị hớ, thậm chí “mắc bẫy” với hàng bán qua truyền hình.
Thậm chí, ở góc độ nào đó, phía cung cấp dịch vụ truyền hình còn “tiếp tay” cho DN thổi phồng sản phẩm trong quá trình sản xuất clip quảng cáo...
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo, NTD khi mua sắm qua truyền hình cần lưu ý những vấn đề: Xác minh lại các thông tin quảng cáo trước khi mua sắm; Thận trọng với những sản phẩm sử dụng hàng ngày nhưng giá quá cao; Luôn đặt câu hỏi với những sản phẩm được quảng cáo “rất tốt”, “ưu việt”, “số 1 thị trường”...; Không nên ngay lập tức tin vào những thông báo trúng thưởng kèm theo điều kiện từ phía DN, như điều kiện trả thêm một số tiền để được nhận phần thưởng hoặc cung cấp các thông tin về bí mật cá nhân, tài khoản ngân hàng...