Trong đó, có gia đình bà Nguyễn Thị Thiệp (SN 1956) và chồng là ông Nguyễn Văn Nam (SN 1958).
Gia đình bà Thiệp có 3 con (2 trai, 1 gái) đều đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia, 2 con dâu của bà sau đó cũng theo chồng sang xứ người tìm cách đổi đời
‘Con trai cả của tôi (SN 1983), đi cách đây 7 năm trước. Sau đó, cháu đưa em trai (SN 1985) cùng em dâu sang. Cuối cùng, vợ cháu cũng sang Đài Loan với chồng. Các cháu đều làm chung ở một công ty. Hiện chỉ còn vợ chồng tôi, bố chồng và 2 cháu nội ở nhà’, bà Thiệp nói.
‘Gia đình tôi nằm trong diện có nhiều người XKLĐ nhất làng’, người phụ nữ này nói thêm.
Bà lý giải về quyết định của các con mình: ‘Trước đây, chúng tôi là một trong những hộ nghèo nhất vùng. Cả gia đình có 9 khẩu sống chung trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, mùa mưa nước dột long tong, che không khỏi ướt.
Kinh tế gia đình trông vào mấy sào ruộng, nay được mùa, mai mất, rất bấp bênh. Con trai cả nhà tôi mở quán cắt tóc, con trai thứ làm nghề phụ hồ. Tuy nhiên kinh tế không khá lên, tai họa còn xảy ra…’, bà Thiệp nhớ lại.
Đó là thời điểm năm 2002, con trai thứ của bà đi làm thợ xây, bị một thanh gỗ rơi trúng đầu phải nhập viện.
Sau đó, anh lên Hòa Bình làm ăn nhưng do vết thương cũ tái phát, một lần nữa phải vào viện cấp cứu… Gia đình bà vay mượn, xoay xở khắp nơi để có tiền lo cho con.
‘Cuối cùng, con trai lớn của tôi nói với bố: ‘Con phải đi làm ăn, nhìn cảnh nhà túng thiếu, khổ sở… con không chịu được. Thế là nó đi…’, ông Nam nhớ lại.
Gia đình ông Nam vay mượn hơn 100 triệu đồng để lo cho con sang Đài Loan. Thấy con cả làm ăn được, gia đình ông tiếp tục chạy tiền cho những người con khác đi. ‘Cứ xoay đủ tiền (120 -160 triệu đồng/người) cho đứa nào là tôi cho đứa đó đi’, người đàn ông sinh năm 1958 kể lại.
Việc bán sức lao động nơi xứ người đã khiến cho cuộc sống của họ khá hơn. Người con trai gửi tiền về cho bố mẹ trả nợ, xây nhà, mua sắm các vật dụng như ti vi, tủ lạnh, xe…
‘Ngày trước, các con tranh nhau vét cơm trong nồi, bữa ăn chẳng có gì, chủ nợ liên tục hỏi, nay chúng tôi chi tiêu, sinh hoạt không còn phải lo nghĩ’, bà Thiệp nói.
‘Căn nhà này xây 2014 với khoảng hơn 800 triệu đồng. Chúng tôi cũng đang xây dở căn nhà 2 tầng khác cho con trai thứ hai trên mảnh đất thôn này. Tiền làm nhà không dưới 1 tỷ đồng’, ông Nam tự hào nói thêm.
Hiện, các con đều đặn gửi tiền về nên ông bà cũng nghỉ luôn việc đồng áng, hàng ngày nuôi gà, trồng rau và đưa đón các cháu đi học.
Ông kể tiếp: ‘Lương con tôi chỉ khoảng mười mấy triệu/tháng nhưng chúng chăm chỉ làm thêm bất kể việc gì vào các ngày cuối tuần, lễ Tết nên thu nhập cũng được khoảng 20 triệu/tháng’.
Tuy nhiên giọng người đàn ông này chùng xuống: ‘Tôi thương con vì chúng nó vất vả. Có những ngày, tôi nhìn ảnh con gửi về mà rơi nước mắt. Trời nắng, con phải bịt khăn kín đầu rồi lao vào làm không kể việc gì, không kể ngày nào… Những ngày lễ, Tết nhìn nhà người ta đông đủ, bậc làm cha làm mẹ không khỏi chạnh lòng’.
Cũng theo 2 vợ chồng, cuối năm nay, các con của ông bà đang có kế hoạch về quê sinh thêm con.
"Trước kinh tế khó khăn, bố mẹ cũng không có điều kiện chăm con học hành nên các con tôi chỉ học hết cấp 2. Nhưng giờ chúng tôi hài lòng vì các con chăm chỉ, chí thú làm ăn. Sau này, các cháu dự tính đi học lái xe, sau đó lái xe máy ủi, máy xúc… để có nghề ổn định khi về nước’, ông Nam chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Nam, nhiều hộ gia đình khác trong thôn này cũng "thay da đổi thịt" nhờ việc đi xuất khẩu lao động.
Nhiều năm về trước, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1971, thôn Yên Hồng) cũng có cuộc sống không dư giả. Con nhỏ, chồng thường xuyên đau ốm nên gánh nặng gia đình phụ thuộc vào chị.
Năm 2003, chị Hà đi XKLĐ tại Đài Loan. 3 năm ở Đài Loan, chị có tiền gửi về nuôi con, chữa bệnh cho chồng. 5 năm tiếp theo, chị làm giúp việc gia đình tại Cộng hòa Síp. Với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng, chị Hà có tiền gửi về nhà mua đất xây nhà hơn 1 tỷ đồng. Hiện, con trai và con dâu của chị cũng đang XKLĐ tại Đài Loan.
Gia đình này đang tiến hành xây căn nhà lớn thứ 2 cho người con thứ. ‘Nếu không đi XKLĐ, chúng tôi không thể thoát nổi cảnh nghèo đói nói gì đến việc xây nhà tiền tỷ, kinh tế ổn định’, người phụ nữ này chia sẻ.
Ông Nguyễn Nguyễn Ngọc Thước, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lư, cho biết, xã Yên Lư có hơn 15 nghìn dân với 20 thôn.
Mỗi năm, xã có trung bình 50 -70 người đi XKLĐ tại Đài Loan, Hàn Quốc, cộng hòa Síp…
Yên Lư là xã thuần nông với 685 ha đất sản xuất nông nghiệp, kinh tế còn khó khăn nên xã xác định phương hướng phát triển kinh tế địa phương là khuyến khích người dân đi XKLĐ.
Công việc chính của họ là giúp việc gia đình, chăm sóc người già trong viện dưỡng lão, trong các công ty… Độ tuổi XKLĐ thường là 25- 35, trong đó phần nhiều là phụ nữ.
Việc XKLĐ có hiệu quả, người dân có gửi tiền về cho gia đình khiến kinh tế toàn xã được cải thiện. Bình quân mỗi lao động gửi về nước từ 100 -200 triệu/năm.
"Thôn nào có nhiều con, em đi XKLĐ bộ mặt thay đổi đáng kể, thể hiện qua việc xây dựng nhà cao tầng, mua xe, có tiền gửi ngân hàng… ", ông Thước cho biết.