Tại Israel, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng lò nung. Điều đó có nghĩa là công nghệ được sử dụng ở đây “tinh vi hơn” bất kỳ thứ công nghệ nào khác trong toàn bộ thế giới cổ đại. Phát hiện được thực hiện tại thành phố Beer Sheva trên sa mạc Negev ở phía Nam Israel.
Tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện xưởng luyện quặng đồng – có lẽ đây là xưởng luyện quặng đồng đầu tiên trên thế giới.
“Khu khai quật hé lộ các chứng cớ về sản xuất trên quy mô rộng từ khoảng 6.500 năm về trước. Điều gây ngạc nhiên nhất là các nhà khảo cổ học đã phát hiện một xưởng luyện quặng đồng nhỏ” – bà Talia Abulafia, nữ Giám đốc phụ trách khai quật ở Cơ quan Đồ cổ Israel, cho biết.
Thời đại đồ đồng ở Cận Đông và một phần Đông Nam châu Âu là giai đoạn từ thế kỷ IV đến thế kỷ III trước Công nguyên. Mặc dù thời kỳ này có dấu hiệu của sản xuất công cụ bằng đồng, nhưng trong thực tế nó vẫn được coi là một phần của thời đại đồ đá.
Phân tích các đồng vị của quặng được phát hiện ở Neveh Noy cho thấy vật liệu được vận chuyển đến đó từ Wadi Faynan (thuộc Jordan ngày nay), cách xa khoảng 100 km. Điều đáng ngạc nhiên là trong thời kỳ này, quặng đồng được chế biến ở xa nơi khai thác.
“Điều quan trọng là chúng ta hiểu được rằng vào thời điểm đó, khai thác đồng là một công nghệ tiên tiến. Không có công nghệ nào tiên tiến hơn trong thế giới cổ đại” - GS Ben-Yosef ở ĐH Tel-Aviv(Israel) cho biết.
Cũng có khả năng là rất ít thành viên của “nhóm ưu tú” biết được bí mật của việc luyện kim loại. Mỗi xưởng đều có một “công thức” riêng, không bao giờ được chia sẻ ở bất kỳ nơi nào khác.