“Bật mí” giải pháp nâng cao kỹ năng giao tiếng Anh cho học sinh

GD&TĐ - Cô Cao Thanh Hân - Phó phòng GD&ĐT Thành phố Lào Cai - "bật mí": Một trong những giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh là thành lập câu lạc bộ và tạo môi trường để các em được thể hiện khả năng của mình.

Một câu lạc bộ tiếng Anh của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai)
Một câu lạc bộ tiếng Anh của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai)

Thành lập câu lạc tiếng Anh gắn với các nhiệm vụ cụ thể

Cô Hân chia sẻ: Việc tổ chức câu lạc bộ Tiếng Anh nhằm tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ, phát huy năng khiếu của mình. Chẳng hạn như: tổ chức các câu lạc bộ Tiếng Anh vào thứ Bảy hằng tuần và cho học sinh tham gia các trò chơi, đóng kịch, nghe, nói, hát, thuyết trình theo chủ đề bằng Tiếng Anh; làm MC dẫn chương trình bằng Tiếng Anh...

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của cô Hân, việc thành lập câu lạc bộ Tiếng Anh cần gắn với 6 nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Một là: Xây dựng kế hoạch hoạt động của câu lạc bộ, cụ thể hóa nhiệm vụ đến từng ban và tạo mọi điều kiện cho mọi thành viên cùng tham gia xây dựng.

Hai là: Tư vấn trực tiếp và gián tiếp đến từng đơn vị trường trong câu lạc bộ các nội dung về việc xây dựng mô hình gắn với giáo dục toàn diện.

Ba là: Tiếp nhận và giải quyết tất cả các nội dung có liên quan đến nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh, đề xuất với các cấp những nội dung cần thiết để các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Bốn là: Tổ chức các hoạt động quy mô “sự kiện liên trường học” cho từng nhóm trường.

Năm là: Tư vấn, giúp đỡ, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên về: Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Nhìn nhận đánh giá năng lực đội ngũ một cách chính xác, khách quan, từ đó thúc đẩy quá trình tự học, tự bồi dưỡng, tạo cơ hội cho đội ngũ thể hiện khả năng, năng lực của mình.

Giáo viên là người chủ động thiết kế các hoạt động trong tiết học để phát triển năng lực cá thể, tôn trọng sự khác biệt của học sinh. Giáo viên thực sự là các nhà quản lý quyết định chất lượng của lớp mình, tác động và làm thay đổi nhận thức của cha mẹ học sinh, đặc biệt là tạo cho các em sự say mê, tâm thế học tiếng Anh thật tốt.

Sáu là: Nguyên tắc hoạt động là tự nguyện cam kết tham gia đầy đủ, chủ động và tích cực các hoạt động; giúp đỡ các trường tham gia câu lạc bộ đồng thời đề xuất giới thiệu kết nạp thành viên mới.

Tạo môi trường giao tiếp Tiếng Anh cho học sinh

Cũng theo cô Hân, để học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh thì cần tạo điều kiện để các em có môi trường thực hành, môi trường rèn luyện và môi trường thể hiện khả năng của mình.

"Theo đó, giáo viên có thể tạo cơ hội cho học sinh giao tiếp Tiếng Anh trong rất nhiều các hoạt động như: nói Tiếng Anh trong giờ học, giờ truy bài, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt lớp....

Tạo môi trường giao tiếp cho cả giáo viên và học sinh trong trường, 100% giáo viên trong nhà trường học những câu giao tiếp đơn giản, chào hỏi và các khẩu lệnh trong lớp học, học sinh trong nhà trường chào các thầy cô bằng tiếng Anh.

Mỗi ngày dành 3 đến 5 phút ở tất cả các lớp luyện chào hỏi, giao tiếp đơn giản bằng Tiếng Anh. Hàng tuần vào thứ 4 có một bản tin ngắn bằng Tiếng Anh.

Thiết nghĩ, với cách làm này ít nhiều sẽ giúp các em có được phản xạ và những kỹ năng nhất định trong giao tiếp bằng tiếng Anh" - Cô Hân trao đổi.

Ngoài ra, theo cô Hân, các trường có thể tổ chức cho học sinh giao lưu với các học sinh giỏi tiếng Anh ở trường bạn, giao lưu với người nước ngoài, đóng vai người bán hàng, giao tiếp trong nhà hàng với người nước ngoài.

"Nên chăng mỗi trường đều có một góc học tập môn Tiếng Anh dùng chung cho cả câu lạc bộ; trang trí trong và ngoài lớp học, các bản tin hàng ngày, hàng tuần đã được sử dụng bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh;

Trong lớp học và trên sân trường nên có các khẩu hiệu, sơ đồ tư duy một số bài học và môn học bằng Tiếng Anh; các hoạt động ngoại khóa của nhà trường nên tổ chức với hình thức phong phú, nội dung sâu sắc, thu hút học sinh tham gia" - Cô Hân trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ