Cùng với việc đưa ra những đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đề cập tới một số giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh hơn.
Theo vị chuyên gia này, nhìn tổng quát, so với 20 năm trước đây, có thể đánh giá thị trường bất động sản đã có bước phát triển tích cực về quy mô, số lượng, chất lượng, tiện ích, dịch vụ, cảnh quan môi trường và tổng nguồn vốn đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa thật sự minh bạch, chưa ổn định, chưa lành mạnh, chưa bền vững, chưa chuyên nghiệp, chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.
Theo thống kê, nguồn cung dự án nhà ở giảm mạnh trong 3 năm gần đây. Số lượng dự án năm 2018 giảm 6,2%; năm 2019 giảm 85,1% so với năm 2017. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, giảm 30,7% so với 06 tháng đầu năm 2017.
Về cơ cấu, căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) chỉ có 28.295 căn, chiếm tỷ lệ 21,81% rất thấp trong tổng số nhà ở dự án.
Căn hộ trung cấp (giá từ 25-40 triệu đồng/m2) chỉ có 57.545 căn, chiếm tỷ lệ 44,37% trong tổng số nhà ở dự án.
Căn hộ cao cấp (giá trên 40 triệu đồng/m2) có 43.886 căn, chiếm tỷ lệ 33,82% cao nhất trong tổng số nhà ở dự án.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, trên thị trường, giá nhà khoảng 35-40 triệu đồng/m2 đã được xếp vào loại nhà cao cấp. Giả định phân nửa số lượng căn hộ trung cấp (nêu trên) được tính vào thống kê căn hộ cao cấp, thì số lượng căn hộ cao cấp sẽ khoảng 72.658 căn, chiếm đến tỷ lệ 56%, áp đảo trên thị trường.
Với cơ cấu sản phẩm nhà ở như vậy, ông Châu cho rằng đó là biểu hiện rõ rệt của tình trạng “lệch pha cung-cầu”, phát triển thiếu cân đối, thiếu bền vững, do rất thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và có dấu hiệu thừa cung nhà ở cao cấp như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.
Ông Châu cho biết, trong 5 năm qua, điểm cần đáng lưu ý là tình trạng rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2020, cả nước đã thực hiện 248 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 100.000 căn hộ, chỉ đạt 41,4% kế hoạch.
Đồng thời, đã xuất hiện dấu hiệu “lệch pha cung-cầu” trên thị trường bất động sản, đi đôi với dấu hiệu thừa nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm lưu trú du lịch (condotel) như Bộ Xây dựng và Hiệp hội đã cảnh báo.
Bên cạnh đó trong giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.
“Trong 3 năm qua, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất, vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà”, ông Châu nhận định. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp bất động sản “vừa và nhỏ”, đã “yếu thế” lại càng thêm “yếu thế” hơn, so với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết Hiệp hội đã nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, là phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản, dù tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng có tính thanh khoản cao, ít rủi ro, do đáp ứng nhu cầu thực mua để ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ, người nhập cư.
Trong báo cáo được gửi tới Quốc hội, Bộ Xây dựng cũng cho biết xảy ra tình trạng nguồn cung nhà ở trung cao cấp dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Để giải quyết nhu cầu nhà ở giá thấp cho người dân, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - từng cho biết: Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).