Sức mua giảm, tồn kho tăng
Không chỉ “đứng hình” thời gian dài từ trước Tết đến nay vì pháp lý các dự án, thị trường bất động sản TPHCM còn phải đối mặt với tác động nặng của dịch. Vì thế, sức mua sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài phân khúc căn hộ, đất thổ liền kề gần như không có hàng để bán. Thị trường căn hộ du lịch, thương mại, mặt bằng cho thuê cũng “chết đứng” vì không có khách mua.
Không chỉ tê liệt trong hoạt động phân phối, chuyển nhượng và khai thác thương mại, thị trường bất động sản TPHCM còn phải đối diện nguy cơ lớn khi tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng quá nhanh. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị núi hàng tồn kho đã vọt lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp địa ốc niêm yết cho thấy, có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. 4 tập đoàn tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Riêng 2 tập đoàn hàng đầu chiếm 63% tổng tồn kho toàn thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, đây là vấn đề mà Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét, tháo gỡ nếu không muốn chứng kiến “quả bong bóng” bất động sản vỡ tung. Hệ lụy kéo theo mà nền kinh tế phải hứng chịu là vô cùng to lớn.
“Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó đơn, khó kép”. Các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn này. Nhưng chắc chắn sẽ không thể cầm cự mãi đến quý II/2020 nếu không có sự trợ lực, tháo gỡ từ Chính phủ” – ông Châu nói.
Giải pháp tháo gỡ hiệu quả đến đâu?
Để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp bất động sản, HoREA đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của tháng 3 - 6/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Song song đó, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của tháng 3 - 6/2020 đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.
Đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản…
Đặc biệt, đề nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp…). Xử lý phần đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại… để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.
Đánh giá về các giải pháp mà HoREA đưa ra nhằm tránh những đổ vỡ, ông Hoàng Thịnh Long - Giám đốc Công ty bất động sản Hưng Long Land cho rằng: Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, những giải pháp mà HoREA kiến nghị cũng chính là tiếng lòng và suy nghĩ của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
“Tình hình dịch Covid-19 vẫn không thể biết trước thế nào, diễn tiến trong thời gian bao lâu nữa nên việc các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ vào lúc này là rất quan trọng. Sự hỗ trợ, tháo gỡ ấy không chỉ giúp doanh nghiệp cầm cự, ổn định đời sống hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, mà quan trọng hơn nó giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin vượt qua khó khăn” – ông Long nói.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Ngay sau khi có cuộc gặp với với 36 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn của TPHCM, TP đã có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 - 2021; hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021.
Về chính sách tài chính, tín dụng, TPHCM cũng đã xin Chính phủ cho phép TPHCM tham gia gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng (đã được Chính phủ phê duyệt và đang giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai) nhằm xin giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu. Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện vay lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Thực tế, đến nay sau 3 tuần gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, TPHCM đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 3 - 4 dự án. Mới đây nhất là gỡ khó cho các dự án như Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua và Quy hoạch phân khu số 14 khu nhà ở Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè. Tuy nhiên, hiện nay TPHCM đang tập trung để phòng chống dịch Covid-19 cho nên quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản có thể kéo dài hơn dự kiến.