Bất cập từ chính sách tuyển dụng, sử dụng giáo viên

GD&TĐ - Rất nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ giáo viên đang có những bất cập và cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với vai trò, vị trí của người thầy trong xã hội.  

Chính sách tuyển dụng giáo viên phải phục vụ lợi ích chung trong phát triển giáo dục và đổi mới giáo dục
Chính sách tuyển dụng giáo viên phải phục vụ lợi ích chung trong phát triển giáo dục và đổi mới giáo dục

Băn khoăn chế độ sử dụng giáo viên

Theo ông Triệu Thế Hùng - đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng, chính sách sử dụng và tuyển dụng giáo viên là vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành và địa phương. Bên thềm của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ thông qua ở các kỳ họp của Quốc hội tới đây, thì một trong những vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó cần giải quyết câu chuyện hiện nay, đó là phải thêm trường, thêm lớp và thêm giáo viên, nhất là ở những thành phố lớn, vì hiện nay có đến 50 - 60 học sinh/lớp, đơn cử như ở Hà Nội.

Đại biểu Triệu Thế Hùng băn khoăn, Nghị quyết 19 về tinh giản biên chế, khiến nhiều địa phương cắt giảm giáo viên một cách cơ học và con số lên đến hàng nghìn giáo viên trong cả nước. Vì thế, đây là câu chuyện phải giải quyết bằng chính sách.

Giáo viên là nghề đặc thù nên việc tuyển dụng, sử dụng không thể giống như viên chức khác. Ảnh minh họa: Sỹ Điền
Giáo viên là nghề đặc thù nên việc tuyển dụng, sử dụng không thể giống như viên chức khác. Ảnh minh họa: Sỹ Điền

Gửi câu hỏi tới Bộ Nội vụ, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu ý kiến: Thứ nhất ai cũng biết vị trí, vai trò đặc thù của nghề nhà giáo, trong đó có giáo viên mầm non. Vậy hợp đồng đối với đội ngũ giáo viên này đã thể hiện đúng vị trí vai trò của nhà giáo hay chưa? Thứ hai, việc kiểm tra giám sát công tác tuyển dụng được thực hiện như thế nào? Khi phổ cập giáo dục thì chúng ta phải đảm bảo đủ giáo viên, vậy tới đây khi tuyển dụng giáo viên sẽ thực hiện như thế nào?

Còn theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu nói về phương diện tuyển dụng thì có một nguyên tắc đó là: Ai sử dụng thì người ấy đứng ra tuyển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được làm rõ.

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan đề nghị hai bộ: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ nên ngồi lại với nhau và cần có sự bàn bạc thấu đáo về tiêu chuẩn của công chức, viên chức. Cần căn cứ vào đó để vận dụng vào ngành Giáo dục, để quy định những tiêu chuẩn cụ thể và đúng hơn. “Tôi nghĩ rằng, nên đặt vấn đề phân công cho ai tuyển người. Ví dụ: Đối với giáo dục, khi tuyển dụng giáo viên còn phải xem xét kĩ hơn về các tiêu chuẩn. Thời gian qua, nếu phân công tuyển người hoàn toàn do Bộ Nội vụ thì không hợp lý mà hai bộ: Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ phải phối hợp với nhau, chứ không đơn giản được” - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan nêu quan điểm.

Cần đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Ảnh: Sỹ Điền
 Cần đảm bảo đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh. Ảnh: Sỹ Điền

Trách nhiệm của địa phương

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trao đổi: Bộ Nội vụ chỉ có trách nhiệm được giao quản lý biên chế khối sự nghiệp của Chính phủ. Vừa rồi trong báo cáo của 62 tỉnh, thành phố mà Bộ Nội vụ đã thẩm định thì tổng số biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực Bộ Nội vụ được giao quản lý là 1.756.645 người. Số giáo viên theo số thống kê của 58 tỉnh là 929.948 người. Về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục không phải chỉ có giảm giáo viên mà tính cả những người làm gián tiếp. Bộ Nội Vụ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về vấn đề này.

 

Bộ Nội vụ không phê duyệt giáo dục bao nhiêu chỉ tiêu, các trường tiểu học, THCS bao nhiêu chỉ tiêu. Việc phân bổ chỉ tiêu này là địa phương quy định cụ thể.

 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng, giáo dục có tính đặc thù, do đó Nghị quyết 39 của Trung ương Đảng có nêu: Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên Kết luận 17 của Bộ Chính trị thì không có ngoại lệ, kể cả giáo dục đều phải tinh giản biên chế. Giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, còn các đơn vị tự chủ có thể ký hợp đồng thoải mái.

Khẳng định tinh giản biên chế là theo quy định chứ không phải Bộ Nội vụ yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng chia sẻ: Cũng cần có đặc thù đối với y tế, giáo dục để chúng ta có đề xuất, kiến nghị phù hợp. Bây giờ Bộ Nội vụ chắc chắn không thể làm trái với nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ. Còn những gì phát sinh ngoài quy định, chúng tôi sẽ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo.

Trước yêu cầu phải đủ chỗ học nên cần xây dựng các trường công lập, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tán thành với quan điểm có học sinh thì phải có giáo viên. Tuy nhiên, quan trọng nhất là nguồn hưởng lương và chúng ta phải rà soát cả hệ thống chính trị, Bộ Nội vụ không nói: Chỗ này đủ chỗ học rồi thì không cần thiết thành lập trường công lập.

Về vấn đề biên chế giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết: Trước năm 2015 thuộc thẩm quyền của địa phương. Định mức giáo viên thì trách nhiệm của địa phương. Địa phương phải tính toán đủ và thực hiện theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi sẽ có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT để làm việc với các địa phương về vấn đề này” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.

Còn về giáo viên thiếu cục bộ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng trao đổi: Quay lại mốc năm 2015, định mức giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đều có quy định cụ thể và địa phương chịu trách nhiệm việc này. Luật đã quy định thẩm quyền cho địa phương rồi thì Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn về phương pháp và cách thức làm, chứ không thể trực tiếp can thiệp vào thẩm quyền này được.

“Từ năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao tổng biên chế sự nghiệp của địa phương, trong đó có y tế, giáo dục. Trên cơ sở đó, giao toàn quyền cho địa phương, địa phương có thể phân bổ y tế bao nhiêu biên chế, giáo dục bao nhiêu biên chế nhưng phải đảm bảo trong tổng đã được phê duyệt, không được vượt quá với số lượng mà Bộ Nội vụ đã báo cáo với Chính phủ” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ