Bất cập trong quản lý taxi ở Hà Nội

GD&TĐ - Căn cứ Đề án taxi được UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ tăng thêm khoảng hơn 8.000 xe taxi. Song, nhiều người lo ngại, với lượng taxi gia tăng như vậy, Hà Nội sẽ quản lý như thế nào? 

Bất cập trong quản lý taxi ở Hà Nội

Bởi ngoài những hãng taxi được Hà Nội cấp phép thì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) còn đang tạo điều kiện cho một số loại hình taxi kiểu mới như: Grab, Uber… hoạt động khiến việc quản lý cũng như tình trạng ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng hơn.

Khó quản lý

Căn cứ vào Đề án taxi được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm 2015 số lượng xe taxi được cấp phép hoạt động tại Thủ đô là gần 20.000 xe, năm 2020 sẽ là hơn 25.000 xe. Tuy nhiên, theo thông tin do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 19.141 phương tiện của 77 doanh nghiệp (DN) được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu.

Trong khi đó, thời gian qua lại xuất hiện thêm một loại hình taxi khác, núp dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”, sử dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh để vận hành, mà nổi bật là hai thương hiệu: Uber, Grab taxi. Loại hình taxi mới này đã làm gia tăng đột ngột số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức xe… hợp đồng.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện hầu hết các phương tiện này tuy mang danh nghĩa là “xe hợp đồng” nhưng thực chất lại hoạt động như “taxi thông thường”. Số liệu thống kê từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 6, đã có 4.012 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “xe hợp đồng”. Ngoài ra, thống kê sơ bộ cho thấy, có 7.598 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Nhưng khoảng 3.000 xe lại được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội.

Cái khó là các phương tiện này đang được Bộ GTVT cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Tình trạng này đã khiến lượng taxi (được cấp phép) thực tế của Hà Nội đến giữa năm 2016 đã đạt trên 26.000 xe, vượt quá con số 25.000 xe theo quy hoạch đến năm 2020. Đó là còn chưa kể đến lượng taxi hoạt động chui, taxi ngoại tỉnh trong quá trình vãng lai cũng tranh thủ đưa đón khách tại Hà Nội. Nhìn toàn cảnh có thể thấy, lượng xe taxi của Hà Nội đang vượt quá khung quy hoạch, tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông, đặt ra bài toán quản lý.

Cần một giải pháp

Tính toán của Sở GTVT Hà Nội, lượng taxi hiện nay phân bố rất không đồng đều, 85% xe taxi truyền thống đang tập trung hoạt động tại các quận nội thành. Còn các huyện xa trung tâm như: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức… thì thưa thớt, thậm chí có địa bàn không có taxi. Thực tế này đang làm phát sinh vấn đề cần có giải pháp kịp thời, hữu hiệu của các cơ quan quản lý.

Bởi vậy, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị UBND TP tạm thời không phát triển thêm số lượng xe taxi tại các quận trung tâm TP và các huyện giáp ranh khu vực trung tâm. Song, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân tại các huyện xa trung tâm, Sở cũng kiến nghị TP xem xét cho phép tiếp tục phát triển số lượng xe taxi tại những khu vực này.

Trước kiến nghị trên, nhiều chuyên gia lo ngại các hãng sẽ tìm cách đưa xe về trung tâm hoạt động, tiếp tục gây sức ép lên hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, theo đại diện Sở GTVT thì Sở này sẽ căn cứ vào phương án kinh doanh, phương tiện hoạt động của DN, qua hệ thống giám sát hành trình để theo dõi, kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm, đảm bảo các xe tăng thêm phải hoạt động đúng phạm vi đăng ký, không tập trung kinh doanh tại các địa bàn trung tâm TP. Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, biện pháp này nếu làm được chặt chẽ đương nhiên sẽ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, bước vào thực tế chúng ta mới thấy có rất nhiều vấn đề nảy sinh, gây khó cho các cơ quan quản lý.

Trước tình trạng xe có phù hiệu “xe hợp đồng” gia tăng, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, quy định rõ số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” tham gia vận chuyển hành khách đăng ký thí điểm ứng dụng phần mềm trên thiết bị thông minh phục vụ đưa đón khách tại Hà Nội.

Bởi, sự tiến bộ của phương thức cũng như “con dao 2 lưỡi”. Một mặt có thể vận dụng khoa học kỹ thuật, phát triển loại hình taxi lên tầm cao mới. Nhưng mặt khác nó cũng khiến lượng taxi “trá hình” tăng đột biến, thậm chí đặt hẳn loại hình này ra ngoài tầm quản lý của cơ quan chủ quản địa phương...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ