Bất bình đẳng giới tính: Phụ nữ chưa vượt qua cửa ải của chính mình

GD&TĐ - Đi chợ, nấu cơm, đón con, dạy con học… là những việc “không tên” mà hầu hết phụ nữ có gia đình đều trải qua. 
Bất bình đẳng giới tính:  Phụ nữ chưa vượt qua cửa ải của chính mình

Có thể thấy, đây là việc chung của gia đình nhưng nhiều năm qua vẫn thuộc đặc quyền của chị em. Có nhiều người vui vẻ, tự nguyện làm công việc trên nhưng cũng không ít người cảm thấy ấm ức vì sau giờ làm là hàng núi công việc đang chờ họ trong khi đức ông chồng lại thảnh thơi rượu bia quán xá.

Việc không tên

Lấy nhau 3 năm mới có con, vợ chồng anh chị Hòa - Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) vui mừng khôn xiết. Trong 2 năm đầu ông bà nội, ngoại thay phiên nhau đến nhà trông cháu, dọn dẹp nhà cửa nên cuộc sống của họ như vợ chồng son. Mọi rắc rối bắt đầu nảy sinh khi ông bà hai bên… hết nghĩa vụ. Không thích có người lạ trong nhà, 2 vợ chồng quyết định cho con đi học.

“Một tuần đầu chồng đều cùng mình đi đón con nhưng sau đó tần suất thưa dần và bây giờ chồng hiển nhiên coi đây là việc của mình”, chị Dương tâm sự. Không đón con, không về sớm lo việc nhà nên mọi công việc dồn lên vai vợ khiến chị Dương lúc nào cũng trong cảnh đầu bù tóc rối. Chị chia sẻ: Chăm con, lo việc nhà khiến mình kiệt sức. Nhiều lần tâm sự nhỏ to với chồng để được chia sẻ công việc nhưng đều bị bỏ ngoài tai khiến mình càng ức chế.

Không tìm được tiếng nói chung trong việc chăm con, lo việc nhà, gia đình vợ chồng Phú - Bình (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang đứng trên bờ vực thẳm. Theo Bình, cô không chịu được cảnh chồng ngày nào cũng chơi bi a đến 7 giờ tối mới về. “Chồng mang tiếng được nghỉ sớm nhưng chưa hôm nào nấu cho vợ bữa cơm hay quét nhà. Kể chuyện với mẹ chồng còn bị mắng vì tội không hiểu chồng”, Bình ấm ức kể. Còn Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) lại sốc khi bị mẹ chồng mắng cho một trận vì tội dám nhờ chồng và bố chồng làm việc nhà, cho dù hai người đàn ông rất vui vẻ, tự nguyện tham gia.

Cửa ải do chính phụ nữ tạo ra

Dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng Ngọc không thể quên cảnh mẹ chồng giật cây chổi lau nhà từ tay con trai rồi tru tréo: “Đàn ông ai lại đi làm việc của đàn bà. Hết việc để làm hay định đội vợ lên đầu hả con”. Cho dù chồng cô và cả bố chồng đều nói cô đang bận cho con ăn thì mẹ chồng vẫn nhất quyết “Nó cho con ăn xong rồi lau nhà cũng được, đó là việc phụ nữ phải làm”. Từ đó, dù mệt mỏi đến đâu Ngọc vẫn cố hoàn thành công việc trong nhà. “Có hôm làm xong việc đã 10 giờ đêm, toàn thân mệt mỏi, nghĩ đến ngày mai lại kinh hoàng”, Ngọc cho biết.

Ngọc, Bình, Dương cũng như nhiều chị em phụ nữ khác đều không vượt qua được cửa ải bất bình đẳng giới trong gia đình. Cửa ải đó không phải do bố chồng khó tính, anh chồng gia trưởng tạo ra mà chính là các bà mẹ chồng, những người đã bao năm nay chấp nhận cảnh bất bình đẳng trong gia đình và dần dần coi đó là chuyện hiển nhiên. Đây là những phụ nữ, những bà mẹ ngày nào cũng quay như chong chóng từ sáng sớm đến tối mịt, kết quả là dù mệt mỏi nhưng họ vẫn phải cố cơm nước, dọn nhà cửa để chồng con có thời gian nhậu nhẹt, tập thể dục, lướt web.

Không chỉ ôm hết mọi việc trong nhà, không ít chị em còn có tư tưởng không thích con gái học hành cao bởi thế giới của họ là cái bếp nên chỉ cần nấu ăn ngon là đủ. Cũng có chị em không chấp nhận cảnh bất bình đẳng trên nhưng chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ nên đành cố chịu đựng.

Chiến lược chống bất bình đẳng giới được các nước thực hiện từ lâu. Nhiều năm qua, Việt Nam cũng nỗ lực để lấy lại vị thế cho chị em. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người vẫn không chịu tự “cởi trói” cho mình nên thành quả của công cuộc chống bất bình đẳng giới trong phạm vi gia đình đến quốc gia vẫn chưa thực sự như mong muốn.