Bập bềnh "sóng chữ" nơi ốc đảo

Bập bềnh "sóng chữ" nơi ốc đảo

(GD&TĐ) - Trường TH Thường Phước 1A (điểm Giồng Bàn) thuộc xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, được xem là điểm trường xa xôi cách trở nhất của tỉnh Đồng Tháp. Trường học nằm giữa một bên là biên giới Campuchia, bên kia là cánh đồng nước lũ trắng xóa. Nơi đây có những thầy cô giáo cắm chốt ngay từ những ngày lập trường; có những học trò lam lũ kiếm sống cùng gia đình từ khi lên 4, lên 5. Biên giới xa xôi, tuy vất vả nhưng tất cả đều thể hiện khát vọng dạy chữ và học chữ…

Thầy Nguyễn Cao Cường, người gắn bó với điểm trường từ ngày mới thành lập
Thầy Nguyễn Cao Cường, người gắn bó với điểm trường từ ngày mới thành lập
Tình thầy nơi “ốc đảo”  

Chiếc tắc ráng đưa chúng tôi vào thăm trường phải cập bến thường xuyên để thầy cô giáo lên rước các HS Mẫu giáo, vì một số em nhà xa, sông rạch chia cắt không thể đi bộ được. Học xong, đưa các em về tận tay cha mẹ. Chiếc xuồng máy nhỏ chông chênh, dòng nước chảy xiết nên thao tác giao, nhận học trò giữa giáo viên và phụ huynh cũng hết sức “đặc biệt”. Cô giáo ôm cháu bé, phụ huynh lội xuống mé bờ kênh, trong nháy mắt cô trao cháu bé vào vòng tay của mẹ một cách nhanh gọn.

Nhiều năm qua, đi công tác nhiều nơi nhưng chúng tôi chưa từng thấy cách đưa, rước con em giữa thầy cô giáo và phụ huynh đặc biệt theo kiểu trao tay như thế này! “Nhà báo thấy rồi đó, sự học nơi đây còn lắm vất vả, nhưng điều đáng trân trọng là có những thầy cô giáo chịu khó bám trường, bám lớp; có những phụ huynh và HS biết vượt qua hoàn cảnh nghèo khó để được học chữ…”- ông Đoàn Văn Trí-Phó trưởng Phòng GD huyện Hồng Ngự cho biết. 

Người dân nơi đây gọi điểm Giồng Bàn-trường TH Thường Phước 1A (điểm lẻ của trường TH Thường Phước) là ngôi trường “ốc đảo” vì nằm ở địa bàn biệt lập, từ trung tâm xã muốn vào phải vượt qua 5 km đường ruộng, phương tiện duy nhất là xuồng máy. Điểm trường nằm cách biên giới Campuchia khoảng 200m, mùa lũ bốn bề là nước.

Cô giáo Tô Thị Mỹ Trà dạy chữ cho học trò trong ngôi nhà công vụ đơn sơ
Cô giáo Tô Thị Mỹ Trà dạy chữ cho học trò trong ngôi nhà công vụ đơn sơ

Năm 2004 khi nhà nước đầu tư xây dựng cụm dân cư vượt lũ thì điểm lẻ Giồng Bàn được thành lập để phục vụ nhu cầu học tập của con em nơi đây. Ông Lê Việt Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trước kia đây là vùng đất ruộng, nhà nước đầu tư đào kênh xổ phèn, rồi lập khu dân cư, trong đó dành 780 m2 để thành lập điểm trường Giồng Bàn, ngày đầu chỉ có 3 phòng tạm bợ, đến năm 2005 trường được đầu tư xây dựng thêm 3 phòng kiên cố”. Điểm lẻ có 73 HS từ lớp Mẫu giáo đến lớp 5, trong đó lớp 4 và lớp 5 là lớp ghép chỉ có 12 HS. Lớp Mẫu giáo có 22 cháu, đồ chơi chủ yếu do GV tự làm, đối với các em có được đồ chơi như thế là vui lắm! 
Nhiều em HS đi học cách xa khoảng 2,5 km nhưng phải mất hơn tiếng đồng hồ vì đường sá lầy lội. GV sống trong vùng biệt lập cũng tập cách sống biệt lập, không có chợ, không có hàng quán, chủ yếu là tự cung tự cấp và nhờ sự hỗ trợ của người dân địa phương. “Xung quanh có rau, chỉ cần đi giăng lưới, bắt cá là có cái ăn”- thầy Nguyễn Cao Cường cho biết.
Gắn bó với ốc đảo này, trong mỗi thầy cô giáo có rất nhiều câu chuyện về tình thầy trò, về tình đất, tình người. Đôi khi thầy cô cũng gặp phải những tình huống dở khóc, dở cười mà nghiệp vụ Sư phạm chưa từng nói đến. Ông Đoàn Văn Trí kể lại: “Có khi gần đến thi mà không thấy học trò, thầy chạy đi tìm, thấy em này đang giữ vịt ngoài đồng, thầy vội chạy đến kêu em đi thi. Nhưng đi thi thì vịt ai giữ?
Trước tình cảnh này, thầy giáo phải giữ vịt cho em chạy về nhà thay đồ đi thi. Có khi học trò mải mê đi dẫn bò thuê (dẫn bò từ Campuchia qua biên giới về Việt Nam) đến thi quên mất, thầy giáo hớt hơ hớt hải đi tìm, gặp được học trò trong tình cảnh này không còn cách nào khác là thầy giáo phải dẫn bò thay để em này chạy về thi…”.
Ngoài học sinh địa phương, trường còn có nhiều HS từ Campuchia về học. Hầu như ở các khối lớp đều có HS là con em Việt kiều vượt biên về học chữ. Hằng ngày, các em đi bộ qua con đường dân sinh dọc biên, còn mùa nước thì cha mẹ đưa rước bằng xuồng, nhà trường cấp áo phao để đảm bảo an toàn.   
Những người cắm chốt
Điểm lẻ Giồng Bàn có 4 GV cắm chốt, người thì vừa ra trường rồi tình nguyện về đây, sau đó có gia đình, lập nghiệp trên mảnh đất này; người chuyển cả gia đình vào lập nghiệp. Thầy Hợp, thầy Cường, thầy Sang, cô Mỹ Trà, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có chung một điểm là rất yêu nghề và yêu thương học trò. 
Thầy Nguyễn Cao Cường, người gắn bó với mái trường lâu nhất, học xong trường Sư phạm Đồng Tháp rồi xung phong về đây, sau đó lấy vợ, sinh con và lập nghiệp tại đây. Còn thầy Phạm Thiên Khương công tác 16 năm ở điểm chính, khi điểm lẻ thiếu GV, đã tình nguyện về dạy học và kiêm luôn chức “tài công” lái tắc ráng chở thầy cô từ trường ra xã. Cô giáo trẻ Mỹ Trà vừa học xong ĐHSP Đồng Tháp cũng tình nguyện về đây công tác được 1 năm, phụ trách lớp Mẫu giáo. Cô Trà được bố trí ở tạm tại trường trong căn phòng học cũ, trời nắng thì nóng, mưa phải che nhưng cô vẫn vui vì có các em HS, có bà con làng xóm.

Tại điểm Giồng Bàn, HS hộ nghèo chiếm khoảng 90%, hoàn cảnh khó khăn nên các em nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Đến khi lễ, Tết, HS có quà, có quần áo mới, cặp, sách thì vui mừng lắm! Ông Lê Việt Hùng cho biết: “Người dân nơi đây đa số còn nghèo khó, chủ yếu là làm ruộng, làm thuê kiếm sống, mùa lũ thì đi giăng câu, giăng lưới. Trong 10 hộ thì có 3 hộ có vợ, chồng đi xa làm thuê, con cái phải ở lại với ông bà. Có nhà ông bà phải lo cho 3, 4 đứa cháu nhỏ vì cha mẹ các em đi làm thuê ở các khu công nghiệp tận Vĩnh Long, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai”.

Học trò nơi đây vào cuộc mưu sinh khá sớm, như em Phạm Văn Dũng, HS lớp 5, hằng đêm phải cùng cha bơi xuồng ra đồng sang tận giáp biên giới giăng câu, giăng lưới. Dũng cho biết: “Nhà em không có ruộng, phải thuê ruộng để làm mới có gạo ăn. Học xong em về nhà ôn bài, dành thời gian buổi tối để cùng cha kiếm sống. Mỗi buổi kiếm được 20-40 ngàn đồng, đủ lo cái ăn cho cả nhà...”.

Thầy Hiệu trưởng Lê Việt Hùng (ngồi phía trước) bơi xuồng vào thăm điểm trường
Thầy Hiệu trưởng Lê Việt Hùng (ngồi phía trước) bơi xuồng vào thăm điểm trường
Cô Mỹ Trà kể: “Lớp tôi có bé gái học ngoan nhưng hay khóc, lúc mới về nhận lớp thấy bé khóc hoài tôi hỏi mà bé không nói, thấy bé khóc không nín nên mình la rầy. Khi ra về thì mình thủ thỉ, bé mới nói ‘con khóc vì con nhớ ba mẹ quá! Ba mẹ đi làm mỗi năm chỉ về một lần nên con nhớ lắm, mỗi khi nghe mấy bạn nhắc đến cha mẹ là tự nhiên con khóc’. Đôi khi một em trong lớp nhắc đến cha mẹ thì 3, 4 em khóc cùng lúc vì nhớ, mình lúc đó cảm thấy rất bối rối, không biết phải vỗ về các em như thế nào...”.
Học hết Tiểu học, HS nơi đây phải ra học ở trường THCS Thường Phước 1, cách xa hơn 10 km, đường đi cách trở nên các em phải ở nhờ nhà người thân. “Tiếp bước cho sự học của các em, khi HS học hết lớp 5 nhà trường kết hợp cùng gia đình để nắm tình hình, nếu có gặp khó khăn sẽ giúp đỡ kịp thời và tìm nơi để các em trọ học”, ông Lê Việt Hùng cho biết. Tuy nhiên, cái khó hiện nay nhà trường gặp phải là việc học của HS. Các em đi học vất vả, học xong TH phải đi xa hơn để học THCS và THPT, có em nhà nghèo lo cho việc học không phải là chuyện dễ. Bên cạnh đó GV muốn học thêm, học nâng cao trình độ cũng khó thực hiện. Tính từ điểm trường về đến trung tâm TP. Cao Lãnh phải đi xa hơn 90 km, đường đi cách trở nên mất nhiều thời gian.
Chúng tôi tạm chia tay điểm trường Giồng Bàn, thầy cô nhà trường tiễn ra đến tận xã, điều chúng tôi bắt gặp là trong mắt mỗi người đều ánh lên niềm tin về sự nghiệp giáo dục nơi đây. “Tết năm nay thầy cô rất vui mừng vì học trò đi học đều, không có HS bỏ học. Mừng vì bà con làm lúa trúng mùa, trúng giá, từ đó chuyện lo cho con cái học hành sẽ được tốt hơn...”, thầy Hiệu trưởng Lê Việt Hùng tâm sự.
Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.