Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại là trách nhiệm và lương tâm không của riêng ai

Bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại là trách nhiệm và lương tâm không của riêng ai

Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là một hành vi đặc biệt nguy hiểm bởi lẽ “trẻ em” trong bất kỳ xã hội nào, cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất và cần được bảo vệ. Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại - vấn đề này là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người. Hơn thế nữa, bảo vệ trẻ em là lương tâm của các bậc cha mẹ cũng như toàn xã hội, thể hiện sự quan tâm và thương yêu các em.

GD&TĐ xin giới thiệu bài viết của ThS Lâm Tiến Dũng (Học viện Cảnh sát nhân dân) xung quanh vấn đề này.

Hậu quả nặng nề

Nữ sinh một trường THPT tại TP.HCM tập luyện võ thuật để tự bảo vệ, chống XHTD
 Nữ sinh một trường THPT tại TP.HCM tập luyện võ thuật để tự bảo vệ, chống XHTD

Các nghiên cứu và thống kê cho thấy các nạn nhân bị xâm hại sẽ chịu ảnh hưởng kéo dài suốt cuộc đời. Các vụ xâm hại thân thể nghiêm trọng có thể dẫn đến khuyết tật, tử vong. Riêng về hậu quả của XHTD là rất sâu sắc, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ lẫn người thân, gây hoang mang cho cộng đồng. 

Những hậu quả về mặt thể chất thường có thể thấy từ sớm, ngay sau khi trẻ bị XHTD. Những tổn thương này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của trẻ khi bị lạm dụng tình dục (LDTD) khi các em còn nhỏ gây ra những tổn thương nặng nề tại bộ phận sinh dục và các tổn thương khác đối với cơ thể (RaFH 2007). Nhất là ngay sau khi bị XHTD, trẻ đi lại hoặc ngồi khó khăn. Đặc biệt, những trường hợp đi kèm với bạo lực, trẻ nhỏ bị lạm dụng có thể dẫn tới tử vong.

Hành vi XHTD đối với các em không chỉ gây tổn thương cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập, hòa nhập gia đình, xã hội và sức khỏe tinh thần của trẻ sau này. Những hậu quả về mặt thể chất dễ nhận thấy ngay như rác âm đạo - trực tràng, tổn thương tại bộ phận sinh dục (nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài), dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, gây ra nhiều nguyên nhân vô sinh,… 

Ngoài ra, trong trường hợp trẻ bị XHTD, trẻ có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Bị XHTD khi còn nhỏ có thể làm tăng tỉ lệ bị rối loạn kinh nguyệt, bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Trung bình những em gái vị thành niên bị XHTD khi còn nhỏ có tỉ lệ dễ mang thai trước tuổi 18 nhiều gấp 3 lần so với các em gái không bị XHTD.

Một số triệu chứng cơ thể khác có liên quan mật thiết đến các tổn thương tinh thần có thể thấy là: đau bụng, đau đầu, mất ngủ, thay đổi khẩu vị, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục, đái dầm, ỉa đùn, toát mồ hôi (rối loạn thần kinh thực vật), hay tự làm hại mình (gây đau cho cơ thể, tự sát...).

Với trẻ nhỏ, nỗi đau về tinh thần nhiều khi được bộc lộ bằng nỗi đau thể chất, đó là các bệnh tâm thể. Những tổn thương này còn phụ thuộc vào tính chất của hành vi xâm hại nặng hay nhẹ và độ tuổi của trẻ khi bị xâm hại. Tuổi càng nhỏ thì những tổn thương ở bộ phận sinh dục và các bộ phận khác trên cơ thể càng nặng nề hơn. Có rất nhiều trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ.
Hậu quả XHTD còn diễn tiến hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Nhiều nạn nhân trẻ em bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS. Với các em nữ thì việc bị XHTD có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn, việc mang thai ngoài ý muốn khi cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh sẽ rất nguy hiểm cho bản thân các em và cả thai nhi.

Nhiều trường hợp trẻ em bị XHTD phải phá thai vì chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm làm mẹ. Điều này gây tổn hại về sức khoẻ, thậm chí có khả năng dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau.

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng ra tòa về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
 Bị cáo Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng ra tòa về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

XHTD có thể gây ra những hậu quả về mặt tinh thần cho trẻ em cả thời gian ngay sau khi sự kiện xảy ra và cả về lâu dài. Nhiều trẻ sau khi bị XHTD có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ lạm dụng hay tiếng nói của kẻ lạm dụng,...).

Trẻ bị XHTD có thể có những cơn tức giận bất thường và có các hành vi hung tính (đập phá đồ đạc, đánh người xung quanh,...). Những hậu quả về mặt tinh thần có thể kể đến như những biểu hiện thơ ấu hóa (mút tay, đái dầm khi đã lớn), rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, chán ăn, căng thẳng sau sang chấn, các triệu chứng lo âu, trầm cảm.

Các tài liệu nhi khoa và tâm lý bệnh nhi cho thấy nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,..). 

Nghiêm trọng hơn, sau khi bị XHTD không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát. Một phần do xấu hổ, một phần khác do bị kẻ lạm dụng đe dạo nên các em không dám thổ lộ cùng ai.

Vì thế nhiều em thấy bế tắc và tìm đến cái chết. Nhiều trường hợp trẻ bị XHTD tự gây hại cho bản thân chẳng hạn như việc trẻ tự làm đau mình, tự cắn mình hoặc dùng dao gây tổn thương cho cơ thể...) hay thực hiện các hành vi tự hủy hoại bản thân ở các mức độ khác nhau.

Không những thế, với một số trẻ từng bị XHTD, trẻ xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, không kiểm soát được cảm xúc, dễ bùng nổ, tự làm đau bản thân (tự cắn, dùng dao rạch cơ thể,…) hoặc tìm đến cái chết để giải thoát. Vì mặc cảm và tự ti nên trẻ khó có thể hòa nhập lại với bạn bè để tiếp tục nhiệm vụ học tập ở trường. Đa số các em sẽ gặp khó khăn trong học tập, co mình lại không tham gia vào hoạt động đoàn thể hay xã hội.

Khả năng thoát khỏi sự khủng hoảng về tinh thần của trẻ từng bị XHTD là rất khó khăn nếu không được tư vấn, hỗ trợ, trị liệu kịp thời; việc hỗ trợ can thiệp thông thường tại địa phương qua nhiều thủ tục, công đoạn như lấy lời khai, giám định,... khiến trẻ bị hoảng loạn tinh thần như sợ hãi, giật mình trong khi ngủ, la hét, đái dầm,...

Thậm chí trẻ từng bị XHTD có dấu hiệu thoái lui như phát âm khó khăn, không biết đọc, biết viết dù trước đó trẻ đang đi học. Tuy vậy, chính hậu quả tinh thần về lâu dài mới là nỗi đau thực sự tiềm ẩn ở trẻ từng bị XHTD. Khi bị XHTD, trẻ trở nên hoang mang, ngơ ngác, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân, gia đình và cộng đồng... có cảm giác bị sỉ nhục, tự ti và có các hành vi tiêu cực.

Khi không may mắn bị XHTD, đa số trẻ em thường tự oán trách bản thân và nghĩ mình đã làm sai. Điều này có thể dẫn việc trẻ mất niềm tin, oán hận xã hội, lệch lạc nhân cách. Nhiều trẻ còn cảm thấy xấu hổ vì nghĩ mình là người không tốt nên mới bị như vậy. 

Trẻ bị xâm hại tình dục có thể gặp khó khăn trong đời sống tình dục sau này như lo lắng trước người khác giới hoặc trước những vấn đề liên qua đến tình dục và có thể biểu hiện những hành vi tình dục không đúng mực. Xâm hại tình dục còn có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Khi các em từng bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục.

Những ám ảnh về việc bị lạm dụng, đặc biệt là hành vi tình dục đồng tính sẽ khiến các em trở thành những người đồng tính luyến ái. Những lệch lạc giới tính về sau này khi trưởng thành có thể dẫn đến quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người. Đối với một số em thì việc lạm dụng làm cho các em trở nên chai sạn và xem chuyện bị lạm dụng là chuyện bình thường. 

Điều đáng ngại là không phải lúc nào trẻ bị XHTD cũng thể hiện ra ngoài những tổn thương tâm lý gặp phải. Đôi khi, cơn sang chấn tâm lý sau nhiều năm xảy ra sự việc bị XHTD mới bộc phát. Hậu quả này không thể đánh giá, không thể kiểm soát bởi đó là những hậu quả sâu sắc và tiềm cẩn những nguy cơ bùng phát những đau đớn, hàng loạt những cảm xúc tiêu cực và sự ứng xử có nguy cơ lệch chuẩn của bản thân trẻ em từng bị XHTD.

Trách nhiệm của cộng đồng

Một số poster tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ
 Một số poster tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây đã báo động về tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động và đặc biệt là tình trạng trẻ em bị LDTD trên toàn thế giới hiện nay. Theo một nghiên cứu của UNICEF, có từ 5 – 10% các em gái và có tới 5% em trai, đã bị LDTD khi các em ở lứa tuổi thiếu niên. Việc người lớn phải có trách nhiệm và lương tâm không phải chỉ là vấn đề lời nói mà phải là hành động đích thực.

Nếu giáo dục đứa trẻ phòng tránh xâm hại tình dục bằng cách nói bóng gió thì đó không phải là cách thức hiệu quả. Vấn đề là bố mẹ phải làm sao tạo được một môi trường tin cậy lẫn nhau, quan tâm đến con cái và dĩ nhiên, chỉ có trái tim nhạy cảm của người mẹ mới nhận thấy được những gì bất thường dù là rất nhỏ ở đứa con yêu quý của mình.

Để ngăn ngừa các tình huống không an toàn có thể xảy ra, việc các em trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng về an toàn cá nhân là rất cần thiết. Sự chăm sóc và đụng chạm của người lớn mang lại cho trẻ cảm giác được yêu thương. Kẻ lạm dụng cũng sử dụng những hình thức này để tiếp cận và làm mất đi sự cảnh giác của trẻ và gia đình trẻ.

Có thể thấy những trường hợp LDTD gần đây được thực hiện bởi các đối tượng như: ông hàng xóm, chú hàng xóm, anh hàng xóm, người lạ, người mua bán hàng rong, hoặc đau đớn hơn còn có cả người thân trong gia đình. Tuy nhiên, trẻ có thể phân biệt được đâu là đụng chạm “an toàn” và đâu là đụng chạm “không an toàn” bằng cảm nhận của chính mình với sự hướng dẫn của các bậc cha mẹ.

Trong công tác giáo dục phòng, chống XHTD trẻ em, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là là cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân; trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Mà trước hết là những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lồng ghép các chỉ tiêu về thực hiện quyền trẻ em vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, nhất là trong kế hoạch trung hạn và 5 năm tại địa phương; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em, để trẻ em được sống an toàn, lành mạnh.

Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền của trẻ em. Chăm lo sự phát triển toàn diện trẻ em về sức khỏe, dinh dưỡng, những kiến thức, hiểu biết cho trẻ em, hạn chế tối đa những tiêu cực, rủi ro, những yếu tố dễ tổn thương.

Tăng cường kỹ năng sống thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với các tác động tiêu cực. Đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các yếu tố, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Trách nhiệm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cần đảm bảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện tình yêu thương trẻ em.

Song song đó, cần chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các vụ việc, những người vi phạm bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cũng là lương tâm từ góc nhìn về mặt chuyên môn. ngay sau đó, cần kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm bảo vệ và giáo dục trẻ em có ý thức phòng, chống XHTD không chỉ thuộc về gia đình, mà còn là của cả xã hội, đất nước, vì trẻ em là mầm non, là tương lai của cả một dân tộc. Trách nhiệm và lương tâm của mỗi người, mỗi tổ chức chuyên môn cần kỳ vọng rằng hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra trong cả gia đình, nhà trường, các cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng phải được giảm thiểu và hạn chế tối đa.

Pháp lý cần đảm bảo việc xử phạt, răn đe các đối tượng gây bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em nhất là người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Sự quan tâm, chỉ đạo giải quyết một cách triệt để, hiệu quả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, các biểu hiện có vấn đề trong sự ứng xử với trẻ em để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ sự an toàn của trẻ em hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ