Bảo vệ SKSS vị thành niên, thanh niên: Khoảng trống chưa thể lấp đầy

Bảo vệ SKSS vị thành niên, thanh niên: Khoảng trống chưa thể lấp đầy

(GD&TĐ) - Một buổi theo chân các bạn sinh viên Trường ĐH Phương Đông và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia làm phóng sự về sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thành niên (VNT,TN) của chương trình “Đối thoại trẻ”, VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam với nhiều trải nghiệm thú vị và bất ngờ.

Không bán vì… đua đòi

Bước chân vào một vài hiệu thuốc trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) và hỏi mua bao cao su (BCS), các bạn trẻ rất bất ngờ trước thái độ của người bán hàng. Có người dứt khoát không bán, có người cười đầy ẩn ý. Đặc biệt, có người nói ngay khi các bạn vừa đi khỏi: “Bọn trẻ bây giờ ghê thật đấy, trước đây làm sao mình dám mua BCS với thuốc tránh thai”.

Đặc biệt bất ngờ khi vừa bước vào một hiệu thuốc hỏi mua BCS, người phụ nữ trẻ trả lời thẳng thừng: “Cô không bán!”. Mấy người lớn tuổi có mặt tại hiệu thuốc cũng hưởng ứng: “Không nên! Bán thì các cháu nó sẽ hư hỏng. Các cháu còn trẻ đúng ra là chưa được phép dùng những cái đó”, người đàn ông gần 70 tuổi nói. Còn bác phụ nữ lớn tuổi nhận xét: “Các cháu bây giờ đua đòi quá, theo tôi nghĩ là không bán”. Ở các hiệu thuốc đồng ý bán BCS thì các bạn trẻ đều nhận được sự hướng dẫn rất chung chung và “mơ hồ”. Người đầu tiên hướng dẫn sử dụng rất tận tình: “Cho cái này lồng vào bộ phận của nam rồi tuồn lên thôi”. Một người bán thuốc khác cười nói: “Cái này là của con trai, con trai biết cách dùng, chứ cô thì chịu”. 

Cần để các bạn trẻ nhận thức đầy đủ hơn về SKSS thông qua hoạt động truyền thông giáo dục. Ảnh: Thanh Tùng
Cần để các bạn trẻ nhận thức đầy đủ hơn về SKSS thông qua hoạt động truyền thông giáo dục.   Ảnh: Thanh Tùng

Ngay sau khi các bạn trẻ rời đi, ekip làm truyền hình đã hỏi người vừa từ chối bán BCS, chị nói: “Các cô cậu ấy mà vào mua ít khi bọn chị bán lắm”. Tuy nhiên, vẫn có người có quan niệm khác: “Tôi muốn hướng dẫn cho các cháu để biết cách sử dụng. Mua BCS thì không có gì là xấu, nếu không bán BCS thì các cháu vẫn quan hệ tình dục. Khi đó, hậu quả còn khó lường hơn…”. 

Cũng chính vì thiếu kiến thức và gặp phải định kiến như trên nên nhiều bạn trẻ đã mang thai ngoài ý muốn. Đây cũng là cơ hội để nhiều cơ sở nạo hút thai mọc ra và hoạt động công khai trên một số tuyến phố Phùng Hưng, Triệu Quốc Đạt, dốc BV Phụ sản Hà Nội…  

Chuẩn bị hành trang là hành động đúng đắn nhất

Ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung, việc tiếp cận các dịch vụ SKSS/kế hoạch hóa gia đình vẫn còn hạn chế. Để khắc phục những “lỗ hổng” cả về nhận thức và hành vi, các nhà hoạch định chính sách và các bạn trẻ đều cho rằng, cần có sự tương tác tốt hơn từ cả hai phía. Bạn Nguyễn Thị Hải Yến - sinh viên Trường ĐH Phương Đông cho biết, rào cản lớn nhất khiến VTN, TN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS là tâm lý. “Xã hội còn nhiều người định kiến khi nói về tình dục và SKSS. Đó cũng là lý do khiến nhiều bạn trẻ khi gặp khúc mắc thì rất khó khăn, ngần ngại để chia sẻ và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS VTN” – bạn Yến chia sẻ.

Theo TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, dư luận xã hội  bớt khắt khe rất nhiều về quan hệ tình dục trước hôn nhân so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều người lớn tuổi không đồng tình với việc này. 

Hiện nay, Tổng cục DS-KHHGĐ đã phối hợp đưa giáo dục SKSS vào chương trình hành động của Trung ương Đoàn. Tổng cục cũng phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình thí điểm giáo dục SKSS trong các trường THPT, kết hợp trong các môn học: Giáo dục công dân, Sinh học…  Tuy nhiên, theo TS Trọng, do kinh phí có hạn nên chương trình này mới dừng ở mức thí điểm tại một số trường học. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để giới trẻ ngày càng có nhận thức đầy đủ hơn, có nhiều hiểu biết hơn về SKSS và các biện pháp tránh thai; đảm bảo cho mình một sức khỏe và tương lai tốt nhất trong hành trang bước vào đời” – ông nói.

Hà Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ