Bảo vệ quyền lợi của người lao động là đối tượng ưu tiên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 27/5, Quốc hội họp thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) cho rằng, phạm vi điều chỉnh hiện nay quy định tại dự thảo luật hiện rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng.

Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị, bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành với phương án 2. Đại biểu cho rằng, phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, việc chăm lo, bảo vệ, tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững là yếu tố sống còn giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Từ Điều 37 đến Điều 40, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã quy định rõ, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nguyên tắc là: vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó.

Về các nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù tại Điều 41, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, đây là quy trình thực hiện BHXH đồng bộ với điểm a khoản 1 Điều 54 về thứ tự phân chia tài sản tại Luật Phá sản năm 2014.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu, phải thực hiện các thủ tục pháp lý về phá sản và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT với doanh nghiệp.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm, trốn đóng BHXH đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37 đến Điều 40, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động vào xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp vi phạm.

Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ