Bảo vệ môi trường là đạo đức

GD&TĐ - Phát biểu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tổ chức tại Chile hôm 11/12, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà nói rằng “phải coi ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề đạo đức”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới, và theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Gần đây, tôi có dịp đi thăm một số mô hình sinh kế và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho người dân tộc thiểu số ở nhiều vùng sâu, vùng xa, trong đó yếu tố BĐKH đều được tính đến với những nỗ lực hiệu quả và tiết kiệm rất đáng học hỏi.

Chẳng hạn ở huyện nghèo Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum, chị em người Xê Đăng được hỗ trợ để mua giống sâm dây trồng tăng thu nhập. Với số vốn vay chỉ 5 - 10 triệu đồng mỗi người, các chị em được hoàn toàn tự bàn bạc, quyết định để chọn cây sâm dây phù hợp với thổ nhưỡng Kon Tum, và họ thống nhất mua sâm giống của nhau tại địa phương, để đảm bảo là giống tốt, cây lên khỏe.

Tại tỉnh Hòa Bình, các nhóm chị em dân tộc Mường được hỗ trợ vốn nuôi gà, và họ cũng nhất trí phải là giống gà ri bản địa, nuôi thả đồi, thịt ngon, phù hợp với tập quán và thích nghi với thời tiết ở địa phương...

Trong các mô hình này, người dân luôn được tổ chức thành tổ nhóm để bàn bạc quyết định, chia sẻ kinh nghiệm, được hướng dẫn kỹ thuật và xa hơn, tìm đầu ra cho sản phẩm, qua đó lồng ghép các vấn đề như bình đẳng giới, phổ biến chính sách, các kỹ năng kinh tế gia đình...

Thật sự đây là một khác biệt với nhiều dự án trong nước, khi mà để thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhiều nơi chỉ đơn thuần áp đặt phát cho mỗi hộ vài con bò, vài con dê, hay dưa hấu, tiêu, điều được giá thì đua nhau trồng, bất kể có hợp với thổ nhưỡng, tập quán địa phương hay không, rồi để bò dê lẫn cây cối chết dần hay phá bỏ... Cùng với rất nhiều yếu tố khác, thì việc quan tâm đến yếu tố BĐKH một cách thiết thực cụ thể như trên là điều rất nên học hỏi.

Không chỉ là BĐKH. Ở Việt Nam có quá nhiều vấn đề môi trường cấp bách cũng phải được nhìn nhận là vấn đề đạo đức. Ô nhiễm không khí tím ngắt ở Hà Nội hay TPHCM, sông Tô Lịch hôi thối bao năm nay hứng nước thải của cả Thủ đô, rác thải ngập ngụa ven bờ biển, việc sử dụng và xả đồ nhựa một lần vô tội vạ…

Đành rằng chúng ta đã có những kế hoạch khá bài bản và toàn diện để đối phó với vấn nạn môi trường, nhưng có lẽ gấp rút giáo dục để thay đổi mạnh mẽ cách nhìn nhận của người dân thì sẽ giúp giải quyết vấn đề từ gốc.

Đầu tuần qua, tạp chí Time của Mỹ đã bầu cô bé Greta Thunberg là Nhân vật của năm 2019, vì cách cô truyền cảm hứng để nâng cao nhận thức của người dân thế giới về vấn đề BĐKH.

Có những người không thích biện pháp đấu tranh cực đoan của Greta, nhưng cách mà cô bé, hay giới trẻ ở nhiều nước, được giáo dục để quan tâm đến môi trường, đến BĐKH từ nhỏ, sẽ thay đổi hành động của cả thế hệ.

Ở Việt Nam, các bạn trẻ, các em nhỏ giờ đây đang có ý thức tốt hơn hẳn về môi trường, và hy vọng là nếu công cuộc thay đổi nhận thức đó thực sự được quan tâm, thì chúng ta sẽ có một tương lai xanh phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.