Bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm vẫn có thể bảo tồn được chức năng sinh sản là nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Thành công này mở ra hy vọng lớn cho bệnh nhân.
Cảnh báo người bệnh trẻ hóa
Theo BS CKII Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp và có tỷ lệ tử vong tương đối cao trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới, đứng thứ ba sau ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Đây là căn bệnh mà những tế bào ung thư ác tính xuất hiện trong mô cổ tử cung (bộ phận nối tử cung và âm đạo của phụ nữ). Nó thường gây ra bởi HPV hoặc papillomavirus - virus có thể lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm HPV có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh có xu hướng hình thành ở tuổi trung niên, với 50% bệnh nhân được chẩn đoán thuộc độ tuổi 35-55 và ít khi ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi dưới 20.
Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân mắc bệnh ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa. Không ít những trường hợp dưới 30 tuổi trong khi thời gian trước đó rất hiếm gặp những bệnh nhân ở độ tuổi này.
Cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật cắt tử cung, hóa xạ trị triệt để. Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ không còn khả năng sinh sản. Trong khi có không ít bệnh nhân có tuổi đời còn trẻ, mong muốn được sinh con. Do đó, xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng.
Xuất phát từ thực tế này, các nhà khoa học Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật cho các trường hợp nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và bảo tồn được chức năng sinh sản.
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán sớm được điều trị bằng cắt cổ tử cung tận gốc đều có tỷ lệ sống trên 90%. Bệnh viện Ung bướu TPHCM là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.
BS CK II Nguyễn Văn Tiến cho biết, từ thập niên 60 của thế kỷ trước người ta đã biết đến phương pháp cắt cổ tử cung điều trị ung thư. Đến nay, với phương pháp cắt cổ tử cung bảo tồn, hàng trăm đứa trẻ may mắn đã được ra đời. Bệnh viện mạnh dạn áp dụng phương pháp này từ 2018 đến nay.
Cổ tử cung được cắt tận gốc, sau đó được nối vào âm đạo người bệnh. Do vậy, chỉ cần bệnh nhân còn buồng trứng, âm đạo là còn khả năng mang thai. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện được vài nghìn ca bệnh cho đến nay. Kỹ thuật thực hiện khá nhanh, trong số các ca bệnh thực hiện, chưa có ca nào tái phát, di căn.
Không áp dụng cho mọi bệnh nhân
BS CKII Nguyễn Văn Tiến cho biết, hạn chế của kỹ thuật này bệnh nhân có đường mổ hở trên bụng, mất máu nhiều hơn, thời gian nằm viện lâu hơn. Vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện phương pháp này là cần sự vào cuộc của nhiều chuyên khoa gồm sản và nhi.
BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng có thể điều trị theo phương pháp này mà có một số chỉ định nghiêm ngặt. Cụ thể, bệnh nhân phải được phát hiện bệnh từ rất sớm, từ giai đoạn 1 B1 khi kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm; giai đoạn 1 B2 bướu có kích thước từ 2-4cm cũng không thể thực hiện được theo phương pháp này.
Ngoài ra, bác sĩ phải xem người bệnh có đảm bảo được mức độ an toàn trong điều trị bệnh ung thư, phẫu thuật phải đảm bảo không xâm lấn vào trong cổ tử cung, âm đạo, mạch máu, bệnh nhân không di căn hạch...
Điều trị theo phương pháp mới này khó hơn nhiều so với phẫu thuật cắt tận gốc hết tử cung. Các bác sĩ chỉ cắt phần cổ tử cung, để lại phần thân tử cung sau đó nối vào âm đạo, để tạo hình cho tinh trùng có đường vào tử cung và vẫn phải bảo tồn động mạch để nuôi tử cung.
Cắt cổ tử cung tận gốc có ba cách: Sử dụng đường mổ hở trên bụng và đường mổ âm đạo, ngoài ra có thể mổ nội soi. So sánh mổ thành bụng với mổ âm đạo thì phương pháp mổ thành bụng có nhiều thuận lợi hơn, khu vực thực hiện rộng hơn, phẫu thuật không dừng ở tuyp B như hiện nay mà sử dụng cả tuyp C giúp bảo tồn tốt hơn các dây thần kinh chi phối vùng chậu, lấy hạch nhiều hơn bảo tồn tốt hơn, hạn chế sự tái phát di căn.
Để đảm bảo an toàn phẫu thuật, trong lúc mổ, sau khi cắt cổ tử cung và lấy hạch, nhóm sẽ sinh thiết tức thì. Khi hạch âm tính không di căn, cổ tử cung không còn tế bào ung thư mới tiến hành nối tử cung vào âm đạo. Trường hợp không an toàn sẽ chuyển sang mổ tận gốc tử cung, không có chỉ định bảo tồn.
Dù còn khả năng sinh sản, nhưng những bệnh nhân này sẽ có khả năng sinh sản thấp hơn, chỉ còn khoảng 50 - 60% khả năng thụ thai so với những người phụ nữ bình thường, thậm chí có thể sẩy thai liên tục, không có phôi thai...
Từ năm 2018 đến nay đã có 14 phụ nữ trẻ chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Trong số này có trường hợp đã mang thai và sinh con đủ tháng sau phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Thai 35 tuần thì thai phụ sinh mổ chủ động.