Bảo tồn "Hội đánh bài chòi cổ dân gian"

Bảo tồn "Hội đánh bài chòi cổ dân gian"

(GD&TĐ) - Từ ngày 12 đến ngày 21 – 11, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Bình Định đã tổ chức lớp tập huấn “Hội đánh bài chòi cổ dân gian ” cho 24 cán bộ cơ sở, nghệ nhân đến từ 7 huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong thời gian 10 ngày, các học viên được đạo diễn sân khấu Nguyễn An Pha và nghệ nhân Nguyễn Thị Đức giới thiệu sơ lược về lịch sử ra đời của Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở Bình Định, hướng dẫn hô bài chòi, kỹ năng khai hội, kết thúc hội, chạy hiệu, cách dựng chòi…

Các học viên của lớp đã chia làm 2 nhóm tham gia Hội đánh bài chòi cổ dân gian trước Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh tối 21.11
Các học viên của lớp đã chia làm 2 nhóm tham gia Hội đánh bài chòi cổ dân gian trước Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh tối 21.11

Hội đánh bài chòi đã ra đời, hình thành và phát triển cách đây hàng thế kỷ, được các thế hệ nghệ nhân liên tục sáng tạo, phát triển và lưu giữ đến ngày hôm nay.

Hội bài chòi thường được diễn ra vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc tại khắp các làng, xã trong tỉnh, có khi kéo dài cả tháng Giêng. Đây không những thuần túy là một trò chơi mang tính sinh hoạt cộng đồng, giải trí lành mạnh, mà thông qua trò chơi này với những câu thai vừa dí dỏm vừa mang tính giáo dục thẩm mỹ về nhân tình thế thái, phong tục tập quán, phê phán những thói hư tật xấu…

Trải qua thăng trầm của lịch sử, trò chơi đánh bài chòi chín chòi cùng với một số loại hình nghệ thuật khác cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng và có xu hướng mai một. Năm 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định”.

Trong khuôn khổ triển khai dự án đã quy tụ một số nghệ nhân tiêu biểu đang nắm giữ vốn di sản quý này bà Nguyễn Thị Đức (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), Ông Nguyễn Minh Lưỡng (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn) và một số nghệ nhân bài chòi cổ ở Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Quy Nhơn cùng tham gia phục dựng lại toàn bộ không gian hội đánh bài chòi.

Với sự chỉ đạo sâu sát của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và sự nỗ lực của các nghệ nhân, hội đánh bài chòi cổ dân gian đã được phục dựng hoàn chỉnh, nguyên gốc và thông qua biểu diễn tại Hội chợ Gò vào dịp Tết Tân Mão 2011, ở Lễ hội nước mặn, khu du lịch Ghền Ráng trong dịp Festival lâm sản. Đặc biệt, vừa biểu diễn phục vụ cho lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn văn hóa Việt Nam và các đoàn về tham dự Liên hoan bài chòi toàn quốc đã được đánh giá rất cao và khẳng định hô, hát bài chòi cổ và hội đánh bài chòi cổ dân gian chín chòi chỉ duy nhất ở Bình Định còn giữ nguyên gốc.

Đêm 21.11, các học viên của lớp đã chia làm 2 nhóm tham gia tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian trước Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh.

Xuân Vinh
   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ