Hạ viện Mỹ ngày 14/1 đã phê chuẩn điều khoản luận tội nhằm phế truất Tổng thống Donald Trump khi ông chỉ còn vài ngày là hết nhiệm kỳ với cáo buộc tội “kích động bạo loạn chống chính phủ”, biến ông trở thành tổng thống có nhiều cái “đầu tiên” trong lịch sử nước này.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội để xem xét bãi nhiệm khi một tổng thống phạm “trọng tội hoặc các sai phạm khác”, sau đó chuyển hồ sơ lên Thượng viện để mở phiên tòa xét xử. Cơ quan này sẽ chính thức ra phán quyết tổng thống có tội và bị bãi nhiệm hay không.
Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát ráo riết đẩy nhanh quá trình luận tội Tổng thống Trump ngay sau vụ bạo loạn gây sốc tại tòa nhà quốc hội hôm 6/1 vừa qua. Chỉ sau hơn một tuần, cơ quan này đã tập hợp đủ bằng chứng để cáo buộc ông Trump tội danh nghiêm trọng là “kích động bạo loạn” vì kêu gọi người biểu tình kéo tới tòa nhà quốc hội.
Sự kiện này biến ông Trump trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ từng hai lần bị luận tội để xem xét bãi nhiệm chỉ trong một nhiệm kỳ. Lần luận tội đầu tiên diễn ra cuối năm 2019, khi ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực liên quan đến cuộc điều tra về Ukraine. Sau đó, ông thoát việc bị mất chức vì được Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát ra phán quyết tha bổng.
Trong lần bị luận tội thứ hai này, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát quyết liệt hơn nhiều so với lần trước do dễ dàng tập hợp bằng chứng buộc tội ông Trump. Họ chỉ mất chưa đầy 10 ngày để hoàn tất hồ sơ so với 86 ngày của lần luận tội trước. Tuy nhiên, do thời gian tại vị của ông Trump chỉ còn rất ít trước khi tân Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 21/1, nên khó có khả năng Thượng viện kịp xét xử việc bãi nhiệm ông.
Nhưng bất chấp thời gian gấp gáp, phe Dân chủ Mỹ vẫn không từ bỏ các nỗ lực tìm cách phế truất ông Trump. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi kêu gọi ông từ chức để tránh bị bãi nhiệm, đồng thời đề nghị Phó Tổng thống Mike Pence kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp để truất tổng thống.
Với quyết tâm này của phe Dân chủ, nhiều khả năng ông Trump sẽ lại có cơ hội “đi vào lịch sử” một lần nữa khi trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị Thượng viện kết tội sau khi đã rời nhiệm sở.
Phe Dân chủ có nhiều lý do để ráo riết tìm cách phế truất Tổng thống Trump ngay cả khi ông đã hết nhiệm kỳ. Nếu bị bãi nhiệm sau ngày 21/1, kế hoạch tái tranh cử vào năm 2024 của ông Trump gần như sẽ không còn. Ông còn bị tước khoản lương hưu 200.000 USD mỗi năm cùng nhiều đặc quyền khác dành cho các cựu tổng thống.
Với tư cách một tỷ phú, những lợi ích vật chất nói trên không phải là mối bận tâm của người xuất thân là doanh nhân thành đạt như ông Trump. Tuy nhiên, hậu quả về chính trị là không nhỏ nếu ông bị bãi nhiệm vì nó có thể ngăn mọi ngả đường ông quay lại chính trường.
Nhiều tiếng nói của chính trị gia Mỹ kêu gọi dừng việc luận tội để hàn gắn sự chia rẽ quốc gia. Nhưng tiến trình này hiện giống như quả tên lửa đã rời bệ phóng không thể thu hồi. Do đó, chính trường Mỹ đang tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường chưa từng có trong giai đoạn chuyển giao chính quyền hiện nay.