Báo Mỹ: Nhiệt độ tại Việt Nam chạm mức cao kỷ lục

GD&TĐ - Theo thông tin từ Washington Post, huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh vừa chạm mốc 43,4 độ C, là mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam.

Ghi nhận mức nhiệt đo tại Huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh là địa phương nóng nhất Việt Nam với mức nhiệt độ 43,4 độ C cao nhất từ trước đến nay . Ảnh: Tropicaltidbits.
Ghi nhận mức nhiệt đo tại Huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh là địa phương nóng nhất Việt Nam với mức nhiệt độ 43,4 độ C cao nhất từ trước đến nay . Ảnh: Tropicaltidbits.

Trạm đo đặt ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận nhiệt độ nơi này đã chạm ngưỡng 43,4 độ C. Ở mức nhiệt này, sáp chì màu sẽ hóa lỏng, chocolate tan chảy và nhiệt độ bên trong xe hơi có thể lên đến 60 độ C nếu đặt ngoài trời.

Dù có mức nhiệt độ cao là thế, Washington Post cho biết Việt Nam vẫn chưa thật sự bước vào đỉnh điểm của mùa nóng. Không chỉ ở Hà Tĩnh, những nơi khác trên khắp Việt Nam cũng đón nhận đợt nắng nóng kỷ lục, tại Đà Nẵng nhiệt độ lên đến 38 độ trong khi ở Huế thậm chí còn vượt mốc 40.

Theo kết quả đo từ Cơ quan Khí tượng Thủy văn Pháp (MeteoFrance), không một nơi nào ở Việt Nam có nhiệt độ thấp hơn 32 độ C vào buổi trưa của những ngày này. Thành phố Hồ Chí Minh ít nóng hơn so với các địa phương ở miền Trung nhưng nền nhiệt cũng không thấp hơn 35 độ.

Cơ quan này cũng cho biết các quốc gia tại Đông Nam Á cũng đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục. Tại Thái Lan, nhiệt độ thấp nhất vào ban ngày luôn trên 39 độ, cao nhất là 44 độ. Ở Campuchia, chính quyền đã phát đi cảnh báo cho người dân để tự bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ ở đây lên đến 38 độ.

Với nhiệt độ cao nhất lên đến 43,4 độ C, mức nhiệt này phá vỡ mọi kỷ lục trước đây từng được ghi nhận tại Việt Nam. Ảnh: Zing
Với nhiệt độ cao nhất lên đến 43,4 độ C, mức nhiệt này phá vỡ mọi kỷ lục trước đây từng được ghi nhận tại Việt Nam. Ảnh: Zing 

Nguyên nhân của tình trạng nắng nóng này là hiệu ứng phơn được hình thành bởi vùng áp thấp nóng phía tây kết hợp với đới gió Tây Nam. Tương Dương (Nghệ An) và Hương Khê (Hà Tĩnh) là hai địa phương nóng nhất nước, nắng nóng diện rộng có thể kéo dài trong nhiều ngày tới ở các khu vực trên.

Mặc cho thời tiết khô hanh nóng bức, phần lớn người lao động ở Việt Nam phải làm việc ngoài trời hay thậm chí là đứng nhiều giờ trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh ghi nhận các ca ngất xỉu do nắng nóng tăng đột biến.

Nắng nóng kéo dài không chỉ khiến nền nhiệt tăng cao, mà qua đó chỉ số UV cũng tăng vọt, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe người dân. Theo trang dự báo thời tiết AccuWeather của Mỹ, chỉ số tia cực tím tại TP.HCM đã tăng lên mức 13, tức là mức rất nguy hiểm.

Đây là mức nguy hiểm mà các tổ chức y tế lớn trên thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo gây nên vô số nguy cơ xấu cho sức khỏe.

Bảng đo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM của Weather Online.
Bảng đo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM của Weather Online. 

Theo CDC, bức xạ tia cực tím được phân thành ba loại chính: tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC). Toàn bộ UVC và hầu hết UVB được hấp thụ bởi tầng ozone nên chủ yếu bức xạ cực tím đến Trái Đất là UVA. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, tầng ozone bị ‘mỏng’ đi khá nhiều kéo theo việc tia UV ngày càng gia tăng.

Rủi ro phổ biến nhất mà UV gây ra là cháy nắng da, thường do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Mắt là cơ quan tiếp theo bị tác động, nếu bạn không có biện pháp bảo vệ mắt khi đi nắng. Chỉ số UV từ mức 11 trở lên là cực kỳ nguy hại, da và mắt có thể bị tổn thương chỉ trong vài phút và phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, tránh tiếp xúc nắng.

Theo khampha.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.