Viện nghiên cứu The Lowy đã xuất bản một chỉ số vào ngày 28/1, xếp hạng 98 quốc gia và thành công của họ trong việc đối phó với dịch Covid-19. Việt Nam đứng thứ 2 sau New Zealand, trong khi đó Mỹ xếp thứ 94.
Là quốc gia có đường biên giới chung với Trung Quốc – nơi khởi phát dịch Covid-19 đầu tiên nhưng với dân số 97 triệu, số ca mắc ở Việt Nam ghi nhận ít hơn 2.500 ca và 35 ca tử vong. Việc Việt Nam chủ động chống dịch và tập trung truy tìm liên lạc đã giúp ích cho việc kiềm chế virus. Ngay từ tháng 1/2020, Việt Nam tiến hành đánh giá rủi ro đầu tiên sau khi một chùm ca bệnh “viêm phổi nặng” được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm Guy Thwaites làm việc tại một trong những bệnh viện chính điều trị bệnh nhân Covid-19 nói với Insider rằng chính phủ đã phản ứng “rất nhanh chóng và mạnh mẽ”. “Các trường học phải đóng cửa và giới hạn các chuyến bay từ nước ngoài” – ông nói – “Chính phủ đã làm tất cả những việc đơn giản một cách nhanh chóng”.
Điều phối viên thường trú Kamal Malhotra của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết thành công của quốc gia này nằm trong việc xử lý virus qua 3 yếu tố: Truy tìm liên lạc, xét nghiệm mang tính chiến lược và đưa ra thông điệp rõ ràng. Thay vì xét nghiệm tất cả mọi người, họ chỉ xét nghiệm những người nghi mắc khi truy tìm các trường hợp tiếp xúc. Việt Nam còn đóng cửa biên giới và những người tới đây được cách ly miễn phí tại các cơ sở của chính phủ.
Kate Taylor của hãng tin Insider đã có mặt tại Việt Nam vào tháng 2 năm ngoái khi ở đây có chưa tới 20 ca mắc. Taylor cho biết cô thấy người ta chú trọng vào các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, tìm hiểu triệu chứng của bệnh và kiểm tra nhiệt độ.
Điều đặc biệt là đất nước này chưa bao giờ phải phong tỏa toàn quốc để chống dịch. Thay vào đó, Thủ tướng chỉ ra lệnh giãn cách xã hội trên khắp đất nước trong 2 tuần vào tháng 4 năm ngoái và phong tỏa những khu vực nhỏ có dịch bùng phát. Đến đầu tháng 5, phần lớn người dân Việt Nam đã có thể quay lại cuộc sống bình thường.
“Chính phủ đã áp dụng cách làm không khoan nhượng để loại bỏ virus” – ông Thwaites nói – “Các biện pháp cơ bản được thực hiện nhưng điều này không dễ dàng. Khi người dân tin tưởng chính phủ, họ sẽ làm mọi điều chính phủ nói”.
Như vậy, cách chống dịch của Việt Nam xứng đáng được công nhận nhiều hơn.
Việt Nam có tiềm năng trở thành một điểm nóng vì vị trí địa lý và số dân đông. Thế nhưng bằng cách dùng mô hình với chi phí thấp và thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản (như rửa tay và đeo khẩu trang), nước này đã kiềm chế được virus trong vòng vài tháng.
Không có quốc gia nào có quy mô hoặc dân số tương tự lại kiềm chế được virus như Việt Nam đã làm. Với dân số 102 triệu người, Ai Cập ghi nhận hơn 176.000 ca mắc – theo ĐH John Hopkins. Cộng hòa Dân chủ Congo nằm giữa châu Phi có hơn 24.000 ca mắc với dân số 89 triệu.
Mặc dù có chung đường biên giới với quốc gia bùng phát dịch đầu tiên nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là câu chuyện đáng kể lại.
Người dân Việt Nam đang học cách sống trong cuộc sống bình thường mới, nhưng được khuyến khích giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.