Bảo hiểm y tế HSSV trong hành trình bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân

GD&TĐ - “Con tôi không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhờ có bảo hiểm y tế, gia đình tôi cũng bớt đi một phần khó khăn trong cuộc sống” - Đó là tâm sự của chị Tạ Thị Hải Hà (An Đà, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) mẹ bệnh nhân Nguyễn Vũ Phong, một trong hai học sinh được bảo hiểm y tế chi trả số tiền chữa bệnh cao nhất tại Hải Phòng năm 2018.

 Bệnh nhân được BHYT chi trả cao trong quá trình khám chữa và điêu trị bệnh (ảnh minh họa)
Bệnh nhân được BHYT chi trả cao trong quá trình khám chữa và điêu trị bệnh (ảnh minh họa)

Em Nguyễn Vũ Phong, học sinh lớp 6A6, trường THCS An Đà(quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) là một trong hai bệnh nhân được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả số tiền chữa trị bệnh cao nhất tại Hải Phòng vào năm 2018 với chi phí thanh toán BHYT lên tới trên 175 triệu đồng.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, chị Hải Hà ngậm ngùi: Không may mắn cho gia đình khi con tôi mắc căn bệnh suy giảm bạch cầu bẩm sinh. Cũng nhờ có BHYT mà mọi chi phí viện phí của cháu được chi trả rất nhiều, giúp gia đình tôi đỡ một phần khó khăn trong cuộc sống.

Bệnh suy giảm bạch cầu mãn tính đã làm xáo trộn cuộc sống của Phong và gia đình khi thời gian em nằm viện nhiều hơn thời gian sống cùng bố mẹ. Cùng với đó là gánh nặng kinh tế trong chi phí viện phí đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng chị Hà. Đều là công nhân viên chức nhà nước, đồng lương có hạn, gia đình chị Hà phải chi tiêu tiết kiệm và nhờ sự giúp đỡ từ phía ông bà ngoại để có tiền cho con điều trị bệnh.

Chi phí chữa bệnh trong mỗi lần điều trị của Phong lên tới hàng trăm triệu đồng. BHYT chi trả đến 80% nên chi phí viện phí mà gia đình em phải chi trả cho mỗi lần khám chữa bệnh là vài chục triệu đồng. Mỗi năm Phong điều trị từ 3 đến 5 năm, vì vậy mà mọi thu nhập trong gia đình chị Hà cũng không đủ để trang chải viện phí cho em.

Phong sinh ra là một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ đến khi em được 8 tháng tuổi, em có biểu hiện sốt cao liên tục. Đến viện các bác sỹ cho biết em bị nhiễm trùng máu, phải lọc máu. Từ thời gian đó, Phong liên tục đi viện vì sốt cao, viêm phổi. Năm lên 3 tuổi, em bị hoại tử phổi và phải cắt đi 1/3 lá phổi. Sau những lần bệnh tật kéo dài liên miên, các bác sỹ động viên gia đình cho Phong đi khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh. Thật không may, khi kham sàng lọc, bệnh viện cho biết Phong bị bệnh suy giảm bạch cầu bẩm sinh. Kể từ đó, việc đi việc điều trị với Phong như “cơm bữa” khi mỗi lần em có biểu hiện người mệt mỏi và sốt cao.

Trước đây, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng chưa có thuốc điều trị bệnh giảm bạch cầu, vợ chồng chị Hà thay nhau đưa Phong lên Hà Nội điều trị. Khoảng 3 năm trở lại đây, ở Hải Phòng đã có thuốc điều trị bệnh của Phong nên gia đình chị Hà cũng đỡ vất vả hơn.

Chi phí điều trị bệnh của Phong rất cao. Mỗi lần truyền tăng cường miễn dịch khoảng 5 ngày liên tiếp với khoảng 20 đến 25 lọ, giá thành mỗi lọ cũng lên tới gần 7 triệu đồng. Lần gần đây nhất, tổng chi phí viện phí của Phong trong một đợt điều trị là trên 219 triệu đồng, quỹ BHYT thanh toán trên 175 triệu đồng.

Nói về trường hợp của Phong, Bà Đỗ Mai Hương, Hiệu trưởng Trường THCS An Đà cho biết: Phong là một học sinh thuộc diện ưu tiên đặc biệt của trường, khi thời gian học tại trường ít hơn thời gian em nằm viện. Biết hoàn cảnh của Phong nên cô giáo chủ nhiệm lớp 6A6 và Ban Giám hiệu nhà trường rất thông cảm và tạo điều kiện cho em có thời gian chữa trị bệnh tốt nhất mà vẫn đảm bảo việc học trên lớp.

Bà Hương cũng cho biết thêm: Trường THCS An Đà hiện có trên 1000 học sinh, 100 % học sinh tham gia BHYT. Trừ trường hợp những em học sinh diện nghèo, cận nghèo được UBND phường tặng thẻ BHYT còn một số em gia đình không có điều kiện mua thì nhà trường vận động học sinh trong trường mua tặng các em.

Phong là một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu học và tiếp thu rất nhanh. Vì hoàn cảnh bệnh tật nên việc học hành của Phong cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng mỗi lần ra viện về nhà là Phong đòi mẹ cho đến trường. Các bạn học của Phong ở lớp 6A6 rất đoàn kết và thương Phong, các em thường thay nhau chép bài cho Phong mỗi khi em nghỉ học.

Chị Hà mong muốn: Đến năm 2019, Phong đã tham gia BHYT được 5 năm liên tục và đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi nên gia đình hi vọng cháu được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”, được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh để giảm bớt khó khăn cho gia đình.

“Gia đình rất mong có điều kiện để đưa Phong sang Singapore để thay tủy cho con nhưng hiện tại kinh tế khó khăn nên ước nguyện đó tôi vẫn đành gói ghém trong lòng”, chị Hà cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.