Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Giải bài toán phát triển bền vững

GD&TĐ - Công tác Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên đã ngày càng khẳng định được hiệu quả, có vai trò trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước; thiết thực đóng góp vào chiến lược giáo dục toàn diện con người của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, việc phát triển BHYT học sinh, sinh viên luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Giải bài toán phát triển bền vững

Bảo hiểm y tế gắn liền với mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện

Trong những năm qua, học sinh, sinh viên (HSSV) luôn là một trong những nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia BHYT cao nhất và cũng là đối tượng có tỉ lệ cao nhất trong nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ.

Tỷ lệ HSSV tham gia BHYT tăng, chất lượng của y tế trường học (YTTH) cũng tăng tỉ lệ thuận với mức tăng độ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên. Với khoản kinh phí trích lại 7% từ số thu BHYT học sinh, sinh viên, đây là nguồn tài chính quan trọng trong việc củng cố và phát triển mạng lưới YTTH, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

HSSV tham gia BHYT có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng do Quỹ BHYT chi trả. Những năm qua, đã có hàng triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả cho các chi phí khám, chữa bệnh khi bị rủi ro thương tích, ốm đau phải điều trị.

Nhiều trường hợp HSSV mắc các bệnh nan y, mãn tính được Quỹ BHYT chi trả đến hàng trăm triệu đồng mỗi đợt điều trị… Điều đó cho thấy, việc tham gia BHYT là giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe HSSV; gắn liền với mục tiêu giáo dục toàn diện trong chiến lược phát triển nguồn lực ở nước ta hiện nay.

Nhiều vấn đề bất cập trong việc thực hiện BHYT HSSV

Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 4122/BGDĐT-GDTC chỉ đạo các Sở GD&ĐT; các đại học, trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm trên cả nước trong công tác BHYT HSSV.

Thực tế cho thấy, những năm qua BHYT HSSV còn có mặt hạn chế. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT xác định nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT học sinh, sinh viên ở một số trường còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức.

Bộ GD&ĐT cũng đã đưa nội dung BHYT vào hướng dẫn nhiệm vụ, tiêu chí thi đua về công tác giáo dục thể chất, thể thao và y tế trường học hằng năm và phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về công tác BHYT học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGD&ĐT ngày 05/4/2016 về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, tại khoản 6, Điều 4 của Quy chế quy định “Sinh viên có nhiệm vụ đóng học phí và BHYT đầy đủ, đúng thời hạn”.

Quy chế này đã đưa ra mức xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học tùy theo mức độ... đối với sinh viên có hành vi cố tình chậm nộp hoặc không nộp học phí, BHYT theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác BHYT học sinh, sinh viên cũng “đối mặt” với không ít những khó khăn.

Thứ nhất, tỉ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên tại một số cơ sở giáo dục vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân do một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của việc tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, hệ thống YTTH vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu cán bộ y tế chuyên trách tại các cơ sở giáo dục. Việc tuyển dụng nhân viên y tế trong nhiều năm qua gặp nhiều khó khăn; một số địa phương bố trí nhân viên y tế không đúng quy định về trình độ chuyên môn, thậm chí có nơi không bố trí nhân viên y tế, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe HSSV, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống dịch bệnh trong nhà trường…

Thứ hai, tỉ lệ SV tham gia BHYT trên cả nước còn thấp, đến nay mới có khoảng hơn 70% SV khối các trường đại học, cao đẳng và trung cấp tham gia BHYT (Số liệu này không tính riêng khối các trường đại học, cao đẳng sư phạm).

Không hiếm tình trạng một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm liệt kê số tiền đóng BHYT học sinh, sinh viên vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho SV…

Chính vì thế, chủ yếu là sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT, giảm dần vào các năm học giữa và cuối khóa. Mặc dù Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy đã quy định trách nhiệm tham gia BHYT đối với SV và hình thức xử lý nếu không tham gia đúng quy định, tỉ lệ SV tham gia vẫn chưa đạt như mong muốn.

Do vậy, để nâng tỉ lệ sinh viên thuộc hệ thống các trường nghề tham gia BHYT cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ LĐ-TB&XH.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, mức đóng BHYT của đối tượng HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở và được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng.

Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng/tháng, mức đóng BHYT của HSSV năm học 2018-2019 theo đó cũng tăng lên.

Nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì đây cũng là một trong những khó khăn khi duy trì HSSV tham gia BHYT với tỉ lệ cao và bền vững.

Quyết tâm thực hiện mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT

Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện các giải pháp:

Một là, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho HSSV và cha mẹ HSSV về chính sách, pháp luật BHYT, về lợi ích và trách nhiệm khi tham gia BHYT… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành lập danh sách HSSV và phối hợp với BHXH tổ chức thu BHYT kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi thụ hưởng chính sách BHYT cho HSSV được liên tục.

Chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh việc kiện toàn, củng cố, bồi dưỡng năng lực đội ngũ cán bộ y tế, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng của các phòng Y tế tại các cơ sở giáo dục.

Đối với các trường học chưa có cán bộ y tế, nhà trường ký hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ phòng khám đa khoa trở lên để chăm sóc sức khỏe học sinh, đảm bảo 100% các nhà trường được sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT dành cho công tác y tế trường học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT.

Hai là, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và tổ chức thanh tra và kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT dành cho công tác y tế trường học; Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học và Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó có quy định về trách nhiệm đóng học phí, BHYT của HSSV.

Ba là, Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, đặc biệt là đối tượng SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như được chăm lo sức khỏe thông qua việc tham gia BHYT.

Chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định 1167/QĐ-TTg để giảm bớt “gánh nặng” kinh phí cho các gia đình, tạo điều kiện cho mọi HSSV đều có thể tham gia BHYT.

Bốn là, Xử lý nghiêm các đơn vị thuộc quyền quản lý, nhất là người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức, thực hiện Luật BHYT, cũng như công tác y tế trường học. Khen thưởng, biểu dương kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác BHYT học sinh, sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.