Bao giờ người tiêu dùng hết "sính ngoại"?

Bao giờ người tiêu dùng hết "sính ngoại"?

Tại Hội chợ hàng Thái Lan mới diễn ra tại Hà Nội vừa qua, dù trời nắng gay gắt, nhiều người dân vẫn ùn ùn kéo đến để mua hàng Thái, điều này cho thấy tâm lý sính ngoại vẫn còn phổ biến trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Một trong những mặt hàng bán rất chạy tại Hội chợ này là trái măng cụt được mang sang từ Thái Lan với giá 25.000 đ/kg. Trong chốc lát, từng thùng măng cụt cao ngút được người mua ào ào xông vào mua. Trong khi đó, tại thị trường Hà Nội, giá măng cụt Việt Nam cũng có giá tương đương, thậm chí còn rẻ hơn tại các chợ đầu mối. Tương tự, mặt hàng nhựa của Thái Lan cũng rất đắt khách, người mua hỉ hả lễ mễ mua về từ chiếc chậu giặt, chậu rửa mặt đến rổ rá, hộp đựng thực phẩm với giá không hề rẻ chút nào. Điều nghịch lý là tại Việt Nam, những sản phẩm này không hề thiếu, giá cả mềm hơn và chất lượng cũng ngang ngửa, nhất là những sản phẩm nhựa có thương hiệu nổi tiếng như Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Song Long…

Người tiêu dùng cũng sẵn sàng móc túi chi cho những mặt hàng nhập ngoại giá đắt gấp 3, 4 lần.
Người tiêu dùng cũng sẵn sàng móc túi chi cho những mặt hàng nhập ngoại giá đắt gấp 3, 4 lần.

Trên thị trường thực phẩm, người tiêu dùng cũng sẵn sàng móc túi chi cho những mặt hàng nhập ngoại giá đắt gấp 3, 4 lần hàng nội cùng loại như sữa, hoa quả, bánh kẹo… Dù nước ta là nước nông nghiệp, bạt ngạt rau quả, gạo, thực phẩm… nhưng từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản đã lên tới gần 5 tỷ USD.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục chế biến, Thương mại, Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT thừa nhận, “đóng góp” không nhỏ cho kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến này chính là tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt. Mặt khác, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa của người dân tăng lên song các doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng được nhiều thương hiệu tên tuổi. Do vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn có thói quen chọn mua hàng ngoại, hàng đắt tiền để yên tâm về chất lượng. 

Tâm lý sính ngoại của người dân đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tìm cách đặt tên “Tây” cho sản phẩm Việt. Đơn cử, công ty cổ phần dịch vụ điện tử Phú Nhuận đặt tên cho sản phẩm đầu Karaoke 5 số của mình là Ariang - đầy sắc màu Hàn Quốc. Hay Việt Tiến chọn đặt tên cho dòng sản phẩm cấp cao của mình là Manhatan. Còn rất ít những cái tên thuần Việt như An Phước, Mỹ Hảo, Kim Hằng, Trung Thành… có chỗ đứng quan trọng trong lòng người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu chỉ ra nghịch lý: Đi khắp châu Mỹ, châu Âu thấy hàng dệt may Việt Nam tràn ngập. Vậy mà ở Việt Nam, nhiều sản phẩm may mặc may ẩu nhưng được gắn mác ngoại, người tiêu dùng vẫn ào vào mua.

Thông điệp của ngày Người tiêu dùng thế giới năm nay “Tiền của chúng ta, quyền của chúng ta”. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và cách thức tiêu tiền. Cùng với hội nhập kinh tế, các hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ. Vì vậy, nếu người tiêu dùng không có tinh thần dân tộc, hàng nội sẽ ngày càng bị bóp nghẹt. Con số nhập siêu đáng báo động 4 tháng đầu năm nay lẽ nào không có một phần trách nhiệm của người tiêu dùng.Nếu người tiêu dùng cứ mãi tiếp tay cho hàng ngoại, e rằng nhiều doanh nghiệp sản xuất sẽ khó trụ nổi, công ăn việc làm và đời sống của hàng ngàn lao động sẽ bị ảnh hưởng.   

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.