Hay tin này, một số nơi như Hà Nội, Hải Phòng phản đối rần rần, một số các địa phương khác thì im lặng chờ phản ứng…
Theo đề nghị của Cục Hàng không, 19 đường bay đi và đến hầu khắp các địa phương trong nước sẽ tái khởi động nếu được sự cho phép của Chính phủ. Theo đó, sẽ có 385 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày, trong đó TPHCM chiếm nhiều nhất với 18 đường bay cùng 132 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Nêu vài con số trên đây để thấy rằng, suốt nhiều tháng qua, bãi đỗ ở các sân bay đậu kín máy bay nhưng bất động, lác đác chỉ có vài chuyến bay làm nhiệm vụ đặc biệt. Hàng nghìn nhân viên ngành hàng không mất việc, doanh thu gần như bằng không, thua lỗ chồng thua lỗ.
Nguy cơ phá sản của một số hãng bay đang hiện hữu nếu cứ tiếp tục “đứng bánh”. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu có nên cho phép ngành hàng không tái khởi động bằng những chuyến bay thương mại nội địa như họ đề nghị?
Có một thực tế đã và đang diễn ra trên khắp cả nước, các ngành và địa phương: Doanh nghiệp thì sợ phá sản do không hoạt động được, dân thì lo chết đói, bất chấp lệnh cấm vẫn đào thoát khỏi vùng nguy hiểm như đã diễn ra mấy ngày qua, trong khi chính quyền các địa phương thì sợ trách nhiệm trút lên đầu mình nếu “thả cổng”. Ai cũng giành thuận lợi cho mình. Ngành hàng không cũng nằm trong nỗi lo toan này nên họ sốt ruột là điều đương nhiên.
Vậy thì có nên chấp thuận để các đường bay nội địa tái khởi động như đề nghị của ngành hàng không không? Tại sao đường sắt dự kiến bắt đầu từ ngày 7/10 tới sẽ tổ chức những đôi tàu đầu tiên chạy tuyến Hà Nội - TPHCM và xe khách một số tỉnh chạy tuyến đến/đi TPHCM cũng bắt đầu hoạt động trong tháng 10 này mà ngành hàng không thì đang tiến thoái lưỡng nan?
Do đặc thù của từng loại phương tiện nên cũng khó để lấy hình thức vận chuyển này mà áp lên phương tiện nọ. Chẳng hạn như ngày 7/10, hai đôi tàu đầu tiên sẽ chạy tuyến TPHCM - Hà Nội và ngược lại sẽ tái khởi động nhưng không phải ga nào cũng được phép đón/trả khách mà phải tùy vào tình hình kiểm soát dịch của từng địa phương mà đoàn tàu ngang qua và được sự đồng ý của địa phương đó.
Đối với ngành hàng không, một khi đã tái khởi động một đường bay nào đó thì nơi đi và đến phải thật sự an toàn, hoặc phải kiểm soát dịch ở mức cao nhất. Mà hiện nay, hầu như địa phương nào có sân bay cũng đều đang có dịch. Đó chính là lý do để Chính phủ và các cơ quan hữu quan cân nhắc.
Không thể không mở cửa để hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới vì không còn có sự chọn lựa nào khác. Thêm một ngày “ở đâu ở yên đó” là thêm một khó khăn và cái đói hiện hữu rõ dần.
Các ổ khóa đang chờ chìa khóa vắc-xin để có thể mở cửa trở lại. Ngành hàng không cũng phải đợi chìa khóa vắc-xin này. Đợi bao lâu nữa thì còn tùy thuộc vào lượng vắc-xin có thể về Việt Nam trong những ngày tới.