Nhắc đến Báo GD&TĐ, đồng nghiệp ở một vài tòa soạn khác họ thốt lên rằng: “Ừ... Báo GD&TĐ là một tờ báo tử tế đấy!”. Ở cái thời điểm “vàng thau lẫn lộn”, một tờ báo được Báo bạn đánh giá cao và trân trọng khiến tôi có được một cảm giác hết sức bình yên.
Tôi còn nhớ như in hôm đầu tiên về tòa soạn dự họp giao ban. Nhớ những gì anh Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập phát biểu với tư cách là người chủ trì cuộc họp. Cuối năm 2018, công trình nghiên cứu hơn 40 năm qua của PGS.TS Bùi Hiền về đề xuất cải tiến Tiếng Việt hiện vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, Báo GD&TĐ là tờ báo ngành nên buộc phải có tiếng nói trong câu chuyện này.
Trước toàn thể cơ quan, anh Lâm dõng dạc nói: “Chúng ta có trí tuệ, có năng lực, có sức khỏe. Tôi không tin bằng này cái đầu lại không thể viết ra được một kịch bản hay cho chương trình tọa đàm online nếu chúng ta cùng đoàn kết và xây dựng”.
Mấy chục con người trong hội trường, từ lãnh đạo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động, ai nấy đều im lặng. Tôi thấy ấm lòng và có cảm giác rất được trân trọng vì được cấp trên gom vào trong số “những cái đầu” ấy mặc dù bản thân chưa có đóng góp gì.
29B - Ngô Quyền là nơi anh Tuân, anh Từ, anh An Kiên, anh Chung, chị Ngọc Nam... và rất nhiều người nữa, ngày ngày họ vẫn có mặt vào buổi sáng, rồi trở về nhà lúc nửa đêm, thậm chí còn muộn hơn. Vì sao họ lại cần mẫn như thế? Vì sao lại dành 3/4 thời gian trong ngày cho địa chỉ trên? Mỗi lần thắc mắc, tôi đều nhận được câu trả lời duy nhất từ mỗi người rằng: “Vất vả thì rõ rồi, nhưng mình làm việc cũng chỉ bởi mình yêu nghề thôi em ạ!”.
Phóng viên thường trú nhiều khi cứ lọ mọ, lang thang khắp các xó xỉnh để “săn tin”. Họ là những người “thèm” tình cảm đồng chí, đồng nghiệp nhất. Lúc êm đềm, khi lại phải “xông pha” vào các vấn đề tiêu cực của xã hội, để rồi dần yêu, đôi khi “quan” thì ghét cay ghét đắng.
Có những vị lãnh đạo từng gặp riêng tôi, họ dặn dò như căn dặn đứa “con cưng”. Họ còn không quên răn đe nếu cứ mải miết đấu tranh chống tiêu cực. Những cảnh báo đó cũng đã diễn ra. Tôi kịp thời nhận được lời động viên từ cấp trên như anh Lâm, chị Hương, anh Tuân... rằng: “Em hãy yên tâm làm việc! Sau lưng em còn cả cơ quan, đồng nghiệp, còn pháp luật bảo vệ nữa”.
Xa cơ quan, thiếu vắng tình cảm từ đồng nghiệp, song những lời động viên của các anh, chị trong Ban biêp tập, lãnh đạo các phòng, ban trong cơ quan Báo GD&TĐ sẽ là nguồn động lực để phóng viên khắp vùng miền như tôi có được một cảm giác an toàn để tiếp tục bước đi...
Các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Tây Bắc nói riêng còn nghèo lắm. Vẫn còn nhiều những đứa trẻ quanh năm cùng bữa cơm với măng rừng và rau dại. Còn cả những ngôi trường “run rẩy”, trực đổ trong mưa.
Thầy trò vùng cao vẫn cần lắm những tấm hình biết lay động lòng người, cần lắm những câu chuyện đời, chuyện nghề về những tấm gương sáng khắp mọi miền trong hành trình “gieo chữ”, để xã hội thêm sẻ chia và đồng cảm.