Báo động tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ em

Báo động tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng ở trẻ em

(GD&TĐ) - Theo công bố mới nhất về kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đối mặt với một thực trạng đáng báo động về các chỉ số thể hiện sự đối lập 2 mặt: trẻ suy dinh dưỡng (SDD), thiếu các vi chất dinh dưỡng (VCDD) và trẻ thừa cân, béo phì (TC/BP). Hiện trạng này đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng tại nước ta.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Hiện trạng trẻ suy dinh dưỡng và trẻ béo phì cùng gia tăng trở thành "gánh nặng kép về dinh dưỡng" đối với việc chăm sóc trẻ em của VN (Ảnh: MH)
Gánh nặng kép 
TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia VN cho biết, khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) được tiến hành với quy mô lớn trên 16.744 trẻ em từ 5 tháng tuổi đến 12 tuổi tại 4 quốc gia: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và VN từ năm 2010 - 2012. Khảo sát được Friesland Campina đề xuất và hỗ trợ tài chính.
Tại VN, khảo sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ lứa tuổi mầm non và tiểu học tại một số vùng trên cả ba miền: Bắc (Hà Nội, Hà Nam); Trung (Huế, Quảng Bình); Nam (TP.HCM, Bến Tre). Điểm nổi bật nhất của nghiên cứu là khảo sát được thực hiện đồng thời tại bốn nước Đông Nam Á. Đây là cơ hội để VN có số liệu đối chiếu tình hình dinh dưỡng của nước nhà so với các nước trong khu vực dựa trên các tiêu chí đánh giá tương đồng. Tất cả các số liệu đều cho thấy VN đang ở trong tình trạng báo động nghiêm trọng nhất so với 3 nước còn lại.
Nghiên cứu do các chuyên gia Viện Dinh dưỡng được thiết kế dưới hình thức của một điều tra cắt ngang, thực hiện trên 2.880 trẻ trước tuổi học đường và tiểu học, từ năm 2010 - 2012. Các biến số đã được phân tích bao gồm: Nhân trắc dinh dưỡng của trẻ; Tình trạng kinh tế xã hội; Mô hình hoạt động thể lực; Chế độ ăn uống của trẻ; Thói quen ăn uống; Tình trạng hóa sinh dinh dưỡng, bao gồm: tình trạng thiếu máu, số lượng hồng cầu, dự trữ sắt, vitamin A, vitamin D, tình trạng nhiễm trùng cấp (AGP)/mãn ((CRP); Mật độ xương; cũng như chức năng và sự phát triển nhận thức của trẻ.
Theo kết quả thu được từ SEANUTS, SDD và thiếu các VCDD của trẻ em đang là vấn đề mang ý nghĩa sức khỏe cộng đồng tại VN. Điển hình là tỉ lệ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn ở mức cao (26,7%, theo số liệu mới nhất năm 2012 - PV); tỉ lệ trẻ em SDD, nhẹ cân vùng thành thị: 10,8%, vùng nông thôn: 20,8%. Đặc biệt, có tới hơn 50% số trẻ em thiếu hụt các vitamin A, B1, C, D và sắt trong chế độ ăn hàng ngày Bên cạnh đó, xu hướng TC/BP và các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng đáng báo động, có đến 29% số trẻ TC/BP ở thành thị và 5,5% số trẻ TC/BP ở vùng nông thôn.
Như vậy, có sự tồn tại đồng thời cả hai vấn đề SDD và TC/BP ở trẻ em, khác biệt theo vùng, với tỉ lệ SDD cao ở vùng nông thôn và TC/BP tập trung chủ yếu ở vùng thành thị.
Không những thế, cứ 3 - 4 trẻ thì có 1 trẻ có tình trạng dinh dưỡng không hợp lý: hoặc thiếu dưỡng chất hoặc thừa dinh dưỡng.
TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh nhận định: cần định hướng các chương trình can thiệp phòng chống SDD cho trẻ em ở vùng nông thôn và đặc biệt ở khu vực thành thị, sự gia tăng nhanh TC/BP là vấn đề cấp bách phải được can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam còn là thiếu vitamin và vi chất dinh dưỡng. Thiếu VCDD ở trẻ em là thực trạng nổi cộm nhất ở các mức độ khác nhau. Việc phòng chống thiếu VCDD và thiếu máu cần được đẩy mạnh bằng các can thiệp phù hợp nhằm hạ thấp tỉ lệ thiếu VCDD cho trẻ em tại cộng đồng trong thời gian tới.
Nỗ lực cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lý do dẫn đến tỉ lệ trẻ em VN thiếu vitamin và VCDD quá cao, đặc biệt là vitamin là vì bữa ăn truyền thống của VN trên thực tế chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của trẻ.

Riêng nguồn vitamin D vào cơ thể từ 2 nguồn: khẩu phần ăn (chỉ chiếm 20%) và lấy từ ánh nắng mặt trời (chiếm tới 80%).

Các chuyên gia cảnh báo tới các bậc phụ huynh về thói quen tránh nắng gió đối với trẻ. Đặc biệt là trẻ nhỏ vùng nông thôn, trong tháng đầu “ở cữ”, cả 2 mẹ con thường được “giữ” trong phòng kín, tối. Đây là thói quen không tốt cho sức khỏe của trẻ. Do đó, cần có lịch trình tắm nắng để trẻ không bị còi xương và ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc về sau.

Theo phân tích của GS.TS. Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia VN: trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được một tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỉ lệ SDD và bệnh tật ở trẻ em. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, các chương trình can thiệp sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia chỉ mới tập trung vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi.
Những rối loạn về dinh dưỡng và sức khỏe của lứa tuổi học đường VN đã được xác định, bao gồm: SDD, thiếu VCDD, TC/BP, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm giun… đang góp phần không nhỏ gây suy giảm khả năng nhận thức, năng lực và thành tích học tập. Mặc dù người ta thừa nhận vai trò nền tảng của dinh dưỡng trong sự phát triển thể chất, sức khỏe và khả năng học tập của trẻ, qua đó có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giáo dục toàn diện, nhưng các hoạt động cải thiện dinh dưỡng trường học chưa được đầu tư quan tâm nhiều.
Do đó, GS.TS. Lê Thị Hợp cho rằng: “Những thách thức trong bối cảnh mới đòi hỏi những nỗ lực cao hơn cho các hành động hướng tới dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe cho toàn dân, góp phần cải thiện tầm vóc con người, nâng cao thể chất và trí tuệ của người VN. Vì vậy, việc xây dựng chương trình can thiệp dinh dưỡng cũng như hoạch định các chính sách dinh dưỡng một cách hiệu quả là cấp bách hiện nay”.
Còn TS. Lê Nguyễn Bảo Khanh khẳng định: “Nghiên cứu không chỉ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý chương trình một số dữ liệu quý với đầy đủ nhất các thông số liên quan tới dinh dưỡng và sức khỏe từ trước tới nay, mà những kết quả của nó còn chỉ ra: chìa khóa của sức mạnh quốc gia và sức khỏe của từng cá thể nằm trong việc thiết lập môi trường hỗ trợ lối sống lành mạnh và khuyến khích các hành vi hướng tới sức khỏe ngay trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ”.
Lộc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ