Tháng trước, Bộ Giáo dục Nhật cho biết: Một cuộc điều tra các trường đại học công và tư nhân cũng như các trường cao đẳng đã chỉ ra rằng con số kỷ lục 2,7%, tức 79.000 sinh viên theo học các trường cao đẳng và đại học đã nghỉ học. Hai năm trước, tỷ lệ sinh viên bỏ học là 2,5%.
Cuộc khảo sát tại gần 2.000 tổ chức giáo dục đại học cho thấy 1/5 sinh viên đưa ra lý do căng thẳng về tài chính là nguyên nhân họ bỏ học trước khi tốt nghiệp, tăng từ 14% trong năm tài chính 2007 (năm học của Nhật Bản kết thúc vào tháng 3).
Các lý do bỏ học khác khác bao gồm thành tích học tập kém (14,5%) và muốn đảm bảo được công việc hơn là học tập. Các trường tham gia nghiên cứu cũng cho biết sinh viên đang tìm cách được miễn học phí hoặc chia nhỏ các khoản phải trả.
Bộ Giáo dục cũng thông báo rằng họ sẽ tăng ngân sách khoảng 10% cho năm 2015 với nhiều học bổng hơn để hỗ trợ 470.000 sinh viên ở các trường đại học và trường dạy nghề, đây là mức tăng so với con số hiện tại là 30.000 sinh viên đang được hưởng sự hỗ trợ này.
Các khoản nợ sinh viên
Chính phủ cũng có kế hoạch đưa ra các khoản vay không lãi suất với các chương trình trả nợ linh hoạt hơn. Các khoản cho vay hiện đang được các Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản liên kết với Bộ Giáo dục mở rộng.
Tháng trước, các khoản nợ do sinh viên không trả được đã lên tới 92,5 tỷ yen (0,85 tỷ USD). Theo cuộc điều tra Bộ Giáo dục, hơn 10.000 sinh viên đang phải trả nợ các khoản vay.
Có một số đề xuất khác về các khoản vay của sinh viên bao gồm liên kết việc trả nợ với thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp để điều chỉnh các khoản trả nợ theo thu nhập.
Cứ 6 sinh viên thì có 1 người nghỉ học tạm thời để đi du học. Bộ Giáo dục cho biết sẽ xem xét việc thiết lập một hệ thống chuyển đổi tín chỉ cho những người du học để họ không phải bỏ trường ở Nhật để học ở nước ngoài.
Theo phân tích của Bộ Giáo dục, tỷ lệ sinh viên bỏ học tăng lên có liên quan đến "sự chênh lệch ngày càng lớn về kinh tế giữa các hộ gia đình trong bối cảnh suy thoái kinh tế".
Điều này cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn với tăng trưởng chậm và nợ công cao, điều này gắn với chi tiêu xã hội tăng lên để hỗ trợ dân số già.
"Abenomics" - một thuật ngữ của chính phủ Nhật Bản nhằm khôi phục nền kinh tế bằng cách tập trung vào cơ sở hạ tầng, mở rộng kinh doanh và giảm an sinh xã hội để cắt giảm thâm hụt - đã tạo ra một khoảng cách giữa người giàu và nghèo trong nước .
Viện Quốc gia về Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội Nhật đã nhấn mạnh đến một sự gia tăng về số trẻ em nghèo tại Nhật, từ 11% năm 1985 lên 16% gần đây. Sự gia tăng này có liên quan đến thu nhập thấp hơn của các gia đình.