Bảo đảm tính mở, linh hoạt khi triển khai nội dung giáo dục địa phương

GD&TĐ - Nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) được các nhà trường triển khai linh hoạt và đa dạng hình thức tổ chức dạy học.

Nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt phương thức dạy học. Ảnh minh họa
Nội dung giáo dục địa phương cần linh hoạt phương thức dạy học. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, vì mới nên còn có khó khăn và cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung này.

Linh hoạt phương thức dạy học

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, đến nay, Chương trình GDĐP (tổng thể đến lớp 12) đã được UBND tỉnh ban hành chính thức làm cơ sở cho việc biên soạn tài liệu từng lớp học. Sở GD&ĐT hoàn thành việc biên soạn tài liệu và đưa vào dạy học ở lớp 1, 2, 6. Trong năm học 2022 - 2023, hoàn thành việc biên soạn, đang trình và chờ ý kiến thẩm định của Bộ GD&ĐT với Tài liệu GDĐP lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

100% cơ sở giáo dục tiểu học tại Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai (trong kế hoạch nhà trường), tổ chức thực hiện tích hợp Nội dung GDĐP trong hoạt động trải nghiệm và dạy học các môn học. Với trung học, các cơ sở giáo dục phân công giáo viên (GV), chủ yếu GV các môn như Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học đảm nhiệm tổ chức dạy học.

“Sau một năm thực hiện dạy học Tài liệu GDĐP, sở GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị tổng kết thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó yêu cầu nêu rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất, điều chỉnh (nếu có) về nội dung tài liệu. Đến nay, chưa có điều chỉnh, bổ sung gì về Nội dung Tài liệu GDĐP ở các lớp” - ông Nguyễn Hoàng Nam thông tin.

Nhiều đơn vị phân công GV theo từng chủ đề để bảo đảm có tính chuyên môn sâu khi tổ chức dạy học liên quan đến các môn học khác nhau. Cơ sở giáo dục phân công tất cả GV tham gia dạy học Nội dung GDĐP cùng phối hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ học sinh (HS), trong đó phân công một GV chịu trách nhiệm chính tổng hợp, ghi kết quả đánh giá vào hồ sơ HS.

Tại Kiên Giang, thông tin từ ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trong năm học 2022 - 2023, Tài liệu GDĐP lớp 6 đã được in, cấp phát về đơn vị và đang triển khai. Tài liệu lớp 7 được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ tháng 8/2022 nhưng chưa in ấn, phát hành, các trường tổ chức giảng dạy bằng bảng PDF. Tài liệu lớp 10, UBND tỉnh đã trình Bộ GD&ĐT và đang chờ được phê duyệt.

Để giảng dạy Nội dung GDĐP đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Kiên Giang đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, GV được phân công giảng dạy nội dung này. Đồng thời ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.

Theo đó, kế hoạch giáo dục Nội dung GDĐP của trường do hiệu trưởng tổ chức xây dựng, bảo đảm phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học và điều kiện của nhà trường; tạo môi trường cho HS được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn.

Tổ chức thực hiện Nội dung GDĐP của các trường THCS, THPT tại tỉnh Kiên Giang được chỉ đạo với một số điểm chung: Kế hoạch giáo dục môn GDĐP được thiết kế theo từng chủ đề, tương ứng với từng lĩnh vực trong tài liệu. Hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề (văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp) phù hợp với năng lực chuyên môn của GV. Không bắt buộc chia đều số tiết/tuần. Linh hoạt và đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hoạt động dạy học theo hướng trải nghiệm.

Đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá; khuyến khích đánh giá thường xuyên qua hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành…; kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án, sản phẩm học tập. Tăng cường các hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường đối với Nội dung GDĐP. Tài liệu GDĐP của tỉnh được biên soạn theo hướng mở. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, GV vận dụng, cập nhật, bổ sung các thông tin, số liệu mới phù hợp với mỗi địa phương trong tỉnh; liên hệ thực tế của từng địa phương nơi HS đang sinh sống để có những định hướng phù hợp.

Học sinh TP Huế tham quan Hoàng thành. Ảnh minh họa

Học sinh TP Huế tham quan Hoàng thành. Ảnh minh họa

Quan tâm đến tài liệu, tăng cường kiểm tra giám sát

Mặc dù có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, tuy nhiên việc triển khai Nội dung GDĐP vẫn còn gặp khó khăn. Biên soạn, thẩm định Tài liệu GDĐP là việc làm không dễ dàng với nhiều nơi. Một số địa phương phát hành tài liệu chậm, ảnh hưởng đến tổ chức thực hiện tại cơ sở giáo dục.

Một bộ phận cán bộ quản lý nhận thức chưa đúng trong triển khai, thực hiện, bố trí GV giảng dạy Nội dung GDĐP chưa hợp lý, không đúng chuyên môn. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ở một số trường còn cứng nhắc. Hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chưa linh hoạt, phù hợp với đặc thù của bộ môn; chưa phát huy tính tích cực, chủ động của HS trong tìm hiểu tư liệu, khai thác thông tin có liên quan đến địa phương nơi các em sinh sống với nội dung bài học.

Để triển khai tốt hơn Nội dung GDĐP, ông Nguyễn Hoàng Nam đề xuất cần điều chỉnh quy trình thẩm định tài liệu (thêm bước thẩm định đề cương trước) để các địa phương làm cơ sở biên soạn. Tránh việc khi biên soạn hoàn chỉnh tài liệu xong, Bộ thẩm định yêu cầu chỉnh sửa hoặc thay mới hoàn toàn. Các hướng dẫn về tài chính cần được thống nhất giữa địa phương trên toàn quốc. Hiện nay, nhiều địa phương gặp khó khăn trong khâu biên soạn, in ấn và phát hành vì mỗi nơi có cách làm khác nhau.

Từ thực tế Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Hóa cho rằng, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung này. Kịp thời hỗ trợ, định hướng việc tổ chức của các cơ sở giáo dục.

Tăng cường tính kế hoạch hóa trong quản lý hoạt động: Nhà trường cần xây dựng kế hoạch thực hiện Nội dung GDĐP theo chủ đề cụ thể. Kế hoạch được xây dựng theo năm học; phân công và giao nhiệm vụ cụ thể các thành viên phụ trách. Thành phần phụ trách nòng cốt bao gồm lãnh đạo trường, GV chủ nhiệm, GV phụ trách công tác Đoàn, Đội và Ban đại diện cha mẹ HS. Tăng cường công tác phối hợp với cha mẹ HS, tổ chức, cá nhân có liên quan đến Nội dung GDĐP để tổ chức các hoạt động giáo dục…

Tại Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết: Từ kinh nghiệm thực tiễn của việc biên soạn Tài liệu GDĐP hiện hành và những điểm mới của Nội dung GDĐP trong Chương trình GDPT 2018, ngành GD xác định Chương trình GDĐP được tích hợp trong các môn học và hoạt động trải nghiệm, bảo đảm tính mở, linh hoạt.

Tài liệu GDĐP là “thực đơn phong phú và hấp dẫn” để cơ sở giáo dục, GV chủ động lựa chọn những “món ăn phù hợp với khẩu vị”, phù hợp năng lực, không gian, thời gian hoạt động, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình. Nguyên tắc là bảo đảm mục tiêu giáo dục và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực đối với mỗi lớp học; giúp HS có hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, Nội dung GDĐP tỉnh Hòa Bình gắn lý luận với thực tiễn, bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cập nhật tình hình thực hiện các đề án lớn của tỉnh.

Với Nội dung GDĐP, theo bà Bùi Thị Kim Tuyến, các trường trên địa bàn được chủ động chọn phương thức dạy học linh hoạt như: Sắp xếp thời khóa biểu dạy như môn học độc lập, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, xây dựng chủ đề dạy học theo hướng tích hợp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.