Bảo đảm tính khả thi khi quy định tăng thêm thẩm quyền cho công an xã

GD&TĐ - Từ thực tiễn dịch bệnh phức tạp chưa từng có trong thời gian qua, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với việc cần phải bổ sung trách nhiệm của công an cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Cần phải quy định rất chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ tán thành với việc cần phải bổ sung trách nhiệm của công an cấp xã và quy định về các căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh như trong Dự thảo đã quy định. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, trong Thông tư hướng dẫn thi hành thì cần phải quy định rất chặt chẽ về cấp độ thiên tai, dịch bệnh. Cần xác định thời gian xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các điều kiện cụ thể khác để tránh việc lạm dụng.

Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự. Đại biểu Nga cũng tán thành quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, do thiên tai, dịch bệnh được quy định trong dự thảo. Đồng thời làm rõ, việc bổ sung này nhằm thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng về bố trí công an xã chính quy.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thực hiện phương châm “Bộ tinh, Tỉnh mạnh, Huyện toàn diện và Xã bám cơ sở”, thời gian qua, lực lượng công an xã trong tỉnh Hải Dương và các địa phương khác trong toàn quốc đã tổ chức chính quy về chức danh cơ cấu lực lượng, năng lực và trách nhiệm, làm lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội  đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Thực tiễn 2 năm triển khai hoạt động công an xã chính quy tham gia vào công tác điều tra hình sự đã góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tình hình an toàn trật tự cơ sở.

Lộ trình sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tế thi hành

Tại điểm cầu Hưng Yên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đề nghị, ngoài những nội dung sửa đổi như dự thảo Luật, trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự còn phát sinh một số những bất cập, vướng mắc cần được nghiên cứu để có lộ trình sửa đổi bảo đảm phù hợp với thực tế thi hành bộ luật.

Tại Khoản 3 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh, không có quyết định tiến hành hoạt động khám xét. Thực tế trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như trường hợp khẩn cấp, cần khám xét nơi ở, nơi làm việc của đối tượng liên quan trước khi khởi tố để làm căn cứ xử lý, tránh đối tượng xóa dấu vết, kịp thời thu giữ vật chứng có liên quan.

Việc khám xét cần phải có quy định chặt chẽ, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, cũng tránh lạm dụng việc khám xét không đúng quy định.

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà, cũng cho rằng, thời gian qua công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền là hợp lý và triển khai tương đối tốt.

Đến nay, dự thảo Luật giao thêm nhiệm vụ, trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm thì Bộ Công an cần phải giải trình thêm, tính toán thêm về số lượng con người, về khả năng chuyên môn, về nghiệp vụ và những điều kiện cần thiết khác. Bởi nếu giao nhiệm vụ nhưng lại làm không tốt thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ