Bảo đảm Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc: Tuyệt đối không chủ quan

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu tại Bộ GD&ĐT
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì điểm cầu tại Bộ GD&ĐT

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Đánh giá cao những điều chỉnh chặt chẽ cũng như hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT, thông tin từ các địa phương đến nay cho thấy công tác chuẩn cho Kỳ thi THPT quốc gia đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn thành. Không ít địa phương, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo ở cả cấp quận/huyện để cộng đồng trách nhiệm, tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia và trong hội nghị hôm nay, các thành viên của Ban Chỉ đạo đều có mặt đầy đủ để nắm thông tin chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

“Chúng tôi tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi theo đúng quy định của quy chế, bám sát quy chế, đúng quy trình, không bỏ sót khâu nào. Tuy nhiên, dù chuẩn bị kĩ đến mấy thì con người vẫn là yếu tố quyết định thành công. Vậy nên, thành phố đã chỉ đạo sở GD&ĐT quán triệt tinh thần này đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên trong ngành” – ông Lê Trung Chinh cho hay.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐH quán triệt Quy chế đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đặc biệt những người tham gia coi thi, chấm thi để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác thi; giám sát chặt chẽ chấm thi, bảo quản đề thi, bài thi...

Thể hiện quyết tâm sẽ triển khai thực hiện tốt nhất Kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh năm 2019, ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - chia sẻ: Năm nay, Hà Nội có gần 75 ngàn thí sinh dự thi. Với số lượng thí sinh lớn như vậy, công tác chuẩn bị tổ chức thi được thành phố chuẩn bị chu đáo: ban hành các văn bản hướng dẫn, in sao đề thi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi; làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi; chỉ đạo, kiểm tra hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập cho học sinh...

Ông Nguyễn Bạch Đằng – Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an: Năm 2019, chúng tôi tham mưu Bộ Công an xây dựng kế hoạch tổng thể để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vụ cục và công an địa phương trong phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.
Ông Nguyễn Bạch Đằng – Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an: Năm 2019, chúng tôi tham mưu Bộ Công an xây dựng kế hoạch tổng thể để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vụ cục và công an địa phương trong phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia. 

Tại TP Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị cũng được triển khai nghiêm túc, tích cực. Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT – cho biết: Sở GD&ĐT đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra 111 điểm thi. Ngoài chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, đảm bảo an toàn điểm thi, Sở GD&ĐT cũng quan tâm đến công tác truyền thông; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lên phương án hỗ trợ thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.

Tại Hà Giang, sau sự cố năm 2018, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2010.

“Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo không chỉ cấp tỉnh mà cả cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, chúng tôi đã chuẩn bị phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, không đưa vào Ban Chỉ đạo những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018; lựa chọn kĩ nhân sự tham gia công tác thi; có phương án hỗ trợ thí sinh...

Với bài học của năm 2018, Hà Giang làm thế nào để năm nay tổ chức thi thực sự hiệu quả, để tồn tại của năm trước chắc chắn không xảy ra” – ông Trần Đức Quý nêu quyết tâm. Đây cũng là tinh thần của địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử như Sơn La, Hòa Bình.

Hòa Bình năm nay có gần 9.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Thông tin từ địa phương, các điều kiện chuẩn bị cho kỳ thi đã đầy đủ. Từ 15-20/5, lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất các điểm thi.

Là một trong những địa phương tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng – chia sẻ kinh nghiệm đã làm trong 2 năm và năm nay tiếp tục chỉ đạo, đó là mời cả lãnh đạo quận huyện tham gia vào Ban Chỉ đạo thành phố; giao Chủ tịch UBND quận/huyện thành lập Ban Chỉ đạo ở cấp huyện, với tinh thần cùng gánh vác, cộng đồng trách nhiệm để triển khai tốt nhất Kỳ thi.

42 điểm thi tại Hải Phòng cũng đã được kiểm tra cụ thể; dự kiến khu vực in sao đề, tổ chức chấm thi; phối hợp với các trường ĐH tổ chức thi; tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia thi; tổ chức tốt ôn tập cho thí sinh...

“Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã 2 lần tham gia Chương trình “Dân hỏi, Giám đốc Sở trả lời” để thông tin về Kỳ thi đến với phụ huynh, học sinh” – ông Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.

Hội nghị trực tuyến về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019.
Hội nghị trực tuyến về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019.  

Không chủ quan

Chuẩn bị dù có chu đáo đến mấy nhưng tuyệt đối không được chủ quan – Bộ trường Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy khi trao đổi tại hội nghị. Cùng với đó, khâu kiểm tra, thanh tra phải được coi trọng – đây là khâu không thể thiếu được trong tất cả các quy trình.

3 nhóm việc cũng được Bộ trưởng lưu ý, đó là: nhận diện rất rõ công việc phải làm; phân công đúng người, đúng việc và từng người phải biết trách nhiệm, yêu cầu công việc của mình; từng việc phải có quy trình. 3 nhóm việc trên đều phải tăng cường thanh kiểm tra để phát hiện sơ hở, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục. Cùng với đó, lưu ý lựa chọn nhân sự tham gia thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức.

Cùng với 3 nhóm việc là 5 vấn đề, liên quan đến coi thi; chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh trong và ngoài phòng thi, đảm bảo cả thể chất và tinh thần cho thí sinh, cán bộ làm thi; công tác hậu cần. 5 nhóm việc đó cần rà soát, phân công, phân nhiệm nhịp nhàng; đặc biệt phát huy tinh thần chủ động của địa phương.

“Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, dù là nhỏ nhất” – Bộ trưởng nhấn mạnh điều này trước yêu cầu kỳ thi năm nay phải đạt mục tiêu là giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội.

Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh và trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐSP, TCSP năm 2019 cùng sự đồng hành, hỗ trợ, giám sát của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đáp ứng yêu cầu đổi mới thi và tuyển sinh theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định quyết tâm tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia an toàn, khách quan, nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Đề làm được như vậy, mỗi người phải làm đúng, làm tròn trách nhiệm của mình.

Thứ trưởng quán triệt “5 rõ” đã được nêu kĩ trong Quy chế, liên quan đến: tập huấn bài bản, chặt chẽ; chuẩn bị kĩ các điều kiện để tổ chức thi; Ban Chỉ đạo phân công rõ người, rõ quy trình; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; lưu ý những vấn đề mang tính kĩ thuật, đặc biệt liên quan đến điều chỉnh của năm nay nhằm đảm bảo Kỳ thi an toàn, nghiêm túc...

Về nội dung này, Thứ trưởng Lê Hải An nhấn mạnh “2 đúng” với trường ĐH, đó là: Các trường ĐH cử người đủ số lượng, đúng thành phần; thực hiện đúng theo đề án tuyển sinh đã công bố, cũng như bám sát hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT và Quy chế tuyển sinh đã ban hành. Thứ trưởng đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo thi địa phương tạo điều kiện tốt nhất, lưu ý đến an ninh, an toàn cho các cán bộ, giảng viên trường ĐH về địa phương phối hợp tổ chức thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại hội nghị  

Phân công rõ người, rõ trách nhiệm

Chia sẻ một số vấn đề Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – nói đến việc phân công nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo trước, trong và sau Kỳ thi.

Trong đó, quán triệt tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường phối hợp trong phân công nhiệm vụ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm để thống nhất trong chỉ đạo tổ chức và thanh kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2019 tại địa phương.

Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi, từ cơ sở vật chất, tài chính và an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi tại địa phương đến huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng, có trách nhiệm cao tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo, đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhân sự, tập huấn kỹ nghiệp vụ tổ chức thi cho cán bộ, giáo viên tham gia. Xây dựng, triển khai phương án huy động các ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tổ chức thi và phương án dự phòng để giải quyết các tình huống bất thường có thể xảy ra đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả...

Ngoài ra, cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh; tăng cường công tác truyền thông; làm tốt công tác phối hợp với các trường ĐH, CĐ trong chỉ đạo, tổ chức thi.

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: Sự đồng thuận và tham gia, phối hợp cùng trách nhiệm, giám sát của toàn hệ thống chính trị là nhân tố quan trọng có tính quyết định để đảm bảo cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức an toàn, nghiêm túc, khách quan công bằng.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại hội nghị.
 Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng phát biểu tại hội nghị.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý các trường, Sở GD&ĐT trong thời gian tới cần tăng cường giải đáp thắc mắc, hướng dẫn xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi, tuyển sinh. Chỉ đạo trường ĐH, CĐSP phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, chấm thi; bố trí đẩy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia Kỳ thi theo điều động của Bộ, đảm bảo đúng quy định của Quy chế; nghiêm túc quán triệt nhiệm vụ cho những người được của tham gia, nhất là cán bộ coi thi, chấm thi. Chỉ đạo các Sở GD&ĐT hướng dẫn học sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các trường TCSP, CĐSP, ĐH thực hiện “điểm sàn” chỉ tiêu sư phạm, tuyển sinh ngành sư phạm đảm bảo chất lượng; trường đào tạo ngành sức khỏe thực hiện “điểm sàn”. Tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra công tác chuẩn bị thi, tổ chức kỳ thi, chấm thi và tuyển sinh. Chỉ đạo công tác xét tuyển, nhập học đợt 1, tuyển sinh bổ sung theo kế hoạch.

Một vấn đề khác được Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý là các tỉnh rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp học ngành học... theo chương trình GDPT mới để làm căn cứ xác định, giao chỉ tiêu sư phạm trong các năm sau.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ