Từ đó, trẻ bắt đầu thần tượng bố mẹ một cách thái quá và… không biết sợ ai.
“Tước” khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Liên Hương chia sẻ: Việc nhỏ, con cũng gọi bố mẹ giải quyết. Đến chuyện to tát hơn, trẻ cũng tỏ ra hung hăng không sợ ai hết vì có niềm tin rằng bố mẹ sẽ là bảo vệ mình vô điều kiện.
Nhiều câu chuyện thực tế, phụ huynh sau khi biết con bị bắt nạt thì nổi giận, vội vàng đi đến để “hỏi tội” người đã bắt nạt con. Như vậy, người lớn đã mang tư duy của mình áp đặt lên trẻ nhỏ khiến cho vấn đề nghiêm trọng hơn. Thậm chí, nhiều người không giữ được bình tĩnh còn ra tay đánh đập…
Việc dựa dẫm vào cha mẹ để giải quyết tất cả những vấn đề lớn nhỏ sẽ khiến đứa trẻ không thể trưởng thành và mất khả năng tự giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Trẻ nhỏ thường thích bắt chước các hành vi của người lớn, và chưa phân biệt được đúng sai. Vì vậy, cha mẹ sẽ khó có thể đòi hỏi con ngoan ngoãn, lễ phép trong khi bản thân lại có những hành vi cư xử chưa đúng.
Việc cha mẹ luôn “ra tay kịp thời” giúp đỡ con trong mọi tình huống của cuộc sống là tấm gương khiến con có thể phát triển lệch lạc. Nhiều đứa trẻ từ đó không biết sợ ai vì ỷ lại vào “sức mạnh” của bố mẹ, trở thành những em bé có biểu hiện “bố đời”.
Cô Nguyễn Vân Tri – Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Nhiều trẻ không biết cất tiếng chào hỏi người lớn như phép xã giao bình thường. Hoặc những bạn đã 12 - 13 tuổi không biết tự mặc đồ, đi dày dép.
Thậm chí, có những đứa trẻ học đến cấp THPT vẫn chưa biết cách úp gói mỳ tôm, không biết cắm nồi cơm, lúc nào cũng muốn trong vòng tay bố mẹ kể cả khi vào đại học…
Môi trường sống, học tập và vui chơi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của trẻ. Vì vậy ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần phải đồng hành làm bạn với con chứ không phải “ra mặt” thay con giải quyết tất cả mọi chuyện.
“Mọi đứa trẻ sinh ra đều như một tờ giấy trắng, bạn vẽ sao nó sẽ ra như vậy. Do đó, để dạy con biết nghe lời cha mẹ phải là những tấm gương tốt và có những phương pháp giáo dục thật khoa học và hợp lý” – cô Tri nhấn mạnh.
Nuông chiều thái quá, trẻ thành cá biệt
Chuyên gia Trịnh Minh Đức – Trung tâm Phát triển kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên nhận định: Cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi và nhân cách thật tốt. Tuy nhiên, nuông chiều và kỳ vọng quá mức là một cách nuôi dạy khiến trẻ không những hình thành được những tính cách không tốt mà còn ảnh hưởng đến khả năng vận động, tư duy và một số kỹ năng sống cần thiết. Tốt nhất, cha mẹ hãy để trẻ tự giải quyết các việc của mình.
Mặt khác, một số cha mẹ có suy nghĩ sai lầm rằng làm con vui bằng mọi thứ trẻ cần. Trẻ đòi thứ gì là cho thứ đó, hay khi trẻ hư lại không dám phạt. Dần dần, trẻ sẽ hình thành một thói quen là người khác luôn phải chiều theo ý mình. Điều này còn khiến trẻ không hoà đồng, hoà nhập được với cộng đồng, thậm chí là khó khăn khi bước vào xã hội khi không còn người bảo vệ mình là cha mẹ như ở nhà.
Nhiều phụ huynh quá nuông chiều con cái, ưu tiên cho việc giúp con thông minh, tài giỏi và sao nhãng, xem nhẹ việc dạy phép tắc, lễ nghĩa, kỹ năng sống cho con.
Từ việc trẻ luôn tin tưởng sự giúp đỡ của bố mẹ đến việc “sai vặt” người lớn đã trở thành một thói quen xấu. Như vậy, từ lời nói đến hành động của bậc phụ huynh, vô tình đã dạy con thành những đứa trẻ ngang bướng kiểu “bố đời”.
Chuyên gia Trịnh Minh Đức cũng cho biết thêm: Khi mới bắt đầu đi học trẻ nào cũng sẽ bỡ ngỡ với môi trường mới. Nhưng thay vì những trẻ ít hoặc không được nuông chiều từ nhỏ sẽ hoà nhập với môi trường mới một cách nhanh hơn thì những trẻ quen được nuông chiều. Những trẻ này muốn hoà nhập cũng cần có khoảng thời gian dài thậm chí có những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý cao gây ra các vấn đề về trầm cảm hoặc quá sợ hãi.
Có nhiều trẻ được nuông chiều quá mức sẽ rất kiêu ngạo, hung hăng, khó kiếm soát được cảm xúc của mình không chỉ với bạn bè mà ngay cả với người lớn hơn bé.
Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những trẻ được nuông chiều từ nhỏ cũng dễ trở thành những thành phần cá biệt trong lớp và xã hội, học tập kém và tỷ lệ sử dụng rượu bia, hút thuốc, cũng như đánh nhau cao hơn so với những trẻ không hoặc ít được nuông chiều.
Thạc sĩ Nguyễn Liên Hương khuyên rằng: Nếu là người cha hoặc mẹ quá chiều chuộng để trẻ hình thành những tính cách xấu thì ngay từ bây giờ bạn hãy thắt chắt lại những kỷ luật và nguyên tắc đối với con.
Ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức thì cha mẹ cần dạy trẻ việc nào được làm và không được làm cũng như việc nào mình cần phải tự giải quyết. Nếu bạn có những nội quy trong gia đình thì càng tốt. Điều này sẽ giúp trẻ biết việc nào nên làm và không nên làm, cũng biết tiết chế hành vi của mình sao cho đúng mực hơn.
Khi đưa ra những nội quy thì chắc chắn phải có những hình phạt. Nếu con không tuân theo có thể áp dụng các hình thức để con không dám tái phạm như: Úp mặt vào tường, không cho xem tivi hoặc phạt trẻ ngồi im một mình và cần nói rõ cho con biết về hành vi sai trái của trẻ.
Có hình phạt là phải có phần thưởng. Đây không phải là nuông chiều mà là phần thưởng cho những cố gắng mà trẻ đạt được. Điều này sẽ dạy trẻ biết cố gắng hơn trong những công việc của mình.
Ngoài yếu tố về việc dạy dỗ, rèn luyện trẻ thì chính cha mẹ cũng phải biết kiên định cũng như thống nhất trong cách dạy con của mình. Khi đã ra nội quy là không được phép thì dù trẻ có khóc hay giận dỗi thì cha mẹ nhất định không được mềm lòng.
Hoặc khi bé đã cố gắng giữ đúng nội quy đó và bạn hứa tặng bé một phần thưởng thì nhất định phải giữ đúng lời hứa. Sự kiên định này của cha mẹ sẽ giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn những gì được phép và không được phép.
“Cha mẹ hãy là người hướng dẫn thay vì can thiệp quá mức vào mọi việc của con trẻ. Điều này không những khiến trẻ ngang bướng, ưa phục vụ mà trẻ còn không học được một số đức tính tốt trong cuộc sống như: Tính tự lập, nhường nhịn, chăm chỉ” – Thạc sĩ Nguyễn Liên Hương nhấn mạnh.