World Cup 2026 tại Canada và Mỹ là kỳ cúp thế giới đầu tiên trong lịch sử mà lục địa đông dân nhất, châu Á, sở hữu tới 8,5 suất tham dự. Với vị trí thứ 17 châu Á hiện tại, cơ hội để tuyển Việt Nam lần đầu giành vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh không phải là không có.
Trên thực tế, ngay từ khi FIFA manh nha ý định nâng số đội dự World Cup lên thành 48 đội, những kỳ vọng về cơ hội cho tuyển Việt Nam đã được đề cập bất chấp thành tích không tốt khi đó. Bởi vậy khi tuyển Việt Nam đã lột xác trong 4 năm qua, những kỳ vọng lại càng trở nên có cơ sở.
6 tấm vé đầu tiên dự World Cup 2026 sẽ thuộc về các đội nhất và nhì bảng ở vòng loại thứ ba, giai đoạn 18 đội chia vào 3 bảng và tuyển Việt Nam có khả năng lớn được tham dự. Chúng ta chỉ phải đấu với những đối thủ vừa sức hoặc yếu hơn ở vòng loại thứ hai trước đó. Với hạng 17 châu Á, tuyển Việt Nam không cần dự vòng loại thứ nhất.
Về cơ hội dự World Cup của bóng đá Việt Nam, cây bút Filipe Dias của Bồ Đào Nha nhận định: "Người dân Việt Nam rất yêu bóng đá. Họ cuồng nhiệt với đội tuyển quốc gia và bóng đá nơi đây cũng đang thống trị khu vực Đông Nam Á”.
Phóng viên của tờ Record.pt tiếp tục: "Bạn đã từng nghe đến tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng chưa? Cậu ấy thực sự trở thành người hùng của bóng đá Việt Nam khi ghi bàn giúp đội nhà có lần thứ hai liên tiếp vô địch Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).
Thành công này tạo tiếng vang, khiến Record một lần nữa lại phải hướng sự chú ý đến quốc gia châu Á này và dành những lời tán thưởng cho sự phát triển bóng đá ở nơi đây.
Đội tuyển Việt Nam từng lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á với sự dẫn dắt của ông Henrique Calisto, một HLV người Bồ Đào Nha. Và giờ đây, họ đang có những mục tiêu lớn hơn, với hi vọng có thể góp mặt tại một kỳ World Cup".
Cây bút của Record.pt cũng không quên nhắc đến dấu ấn của đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua dưới tài điều binh khiển tướng của HLV Park Hang Seo:
"HLV Park Hang Seo đã mang đến những kết quả tốt khi dẫn dắt ĐTQG và U23 Việt Nam, khiến người hâm mộ cảm thấy rất hài lòng.
Mục tiêu giành vé tham dự một kỳ World Cup ngày càng gần hơn. Và vừa rồi, các chiến binh áo đỏ đã lọt tới vòng loại cuối World Cup 2022. Đó thực sự là một chiến tích lịch sử. Bởi thế, cũng không có gì bất ngờ khi Việt Nam được đánh giá là đội bóng xuất sắc nhất Đông Nam Á thời điểm hiện tại.
World Cup là giấc mơ và bóng đá Việt Nam đang chiến đấu cho mục tiêu đó, dù cho vẫn còn nhiều thử thách. Người Việt có một câu tục ngữ rằng "cái khó ló cái khôn", như để miêu tả nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, với ý chí vươn lên và không từ bỏ đã được duy trì trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử".
Cây viết của tờ Record.pt cho rằng bóng đá Việt Nam đã phát triển mạnh trong thời gian vừa qua : "Mọi thứ đã thay đổi nhiều khi một CLB của Việt Nam (HAGL) kết hợp với Arsenal để xây dựng học viện bóng đá. Những học viện kiểu như vậy sau đó dần xuất hiện nhiều hơn, tạo ra sự cạnh tranh để cùng nhau phát triển. Ngày nay, Việt Nam là một cường quốc về bóng đá trẻ, với nhiều thành tích tốt ở cấp độ U19, U23.
Cho đến trước năm 2008, đội tuyển Việt Nam còn chưa từng vô địch Đông Nam Á. Lúc ấy thì ai dám nói đến việc dự World Cup. Còn bây giờ, HLV Park Hang Seo đang có trong tay nguồn lực tốt và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, để đến được với World Cup còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa".
"Một trận đấu ở cấp độ U19 thôi cũng có thể có từ 15 nghìn đến 30 nghìn khán giả tới cổ vũ. Điều đó thật sự ấn tượng. Giấc mơ World Cup đang được nói đến nhiều ở nơi đây và giải đấu năm 2026 được người hâm mộ đặt kỳ vọng rất lớn, khi mà số đội tham dự sẽ tăng từ 32 lên 48.
Dù vậy, bóng đá Việt Nam vẫn cần tập trung nhiều hơn vào việc chuyên nghiệp hóa các giải đấu và CLB. Các nhà quản lý cũng phải chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất để tạo điều kiện cho việc đào tạo trẻ. Quá trình này đang được thực hiện và sẽ rất đáng để kỳ vọng", tờ báo Bồ Đào Nha nhận định.
Về cơ hội của đội tuyển Việt Nam tại World Cup 2026, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chia sẻ trên trang SGGP: “Quyết định nâng số lượng lên 48 đội kể từ kỳ World Cup 2026 đã được thông qua tại Đại hội FIFA lần thứ 69, diễn ra ở Pháp hồi tháng 6/2019. Điều này sẽ giúp cho các đội tuyển ở châu Á và các châu lục khác thêm cơ hội được góp mặt ở đấu trường lớn, đồng thời khiến vòng loại các khu vực trở nên hấp dẫn hơn.
Tất nhiên, các quốc gia trong khu vực cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức cạnh tranh. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì tốt và ổn định được thành tích trước đây, đồng thời phát triển đồng bộ cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống thi đấu trong nước, cho bóng đá trẻ…
Từ đó, phấn đấu để các đội tuyển trẻ từ lứa U16 cho đến U23 liên tục góp mặt ở vòng chung kết châu Á, tạo nên chuyển biến về chất và đỉnh cao nhất là hình thành đội tuyển quốc gia thật sự mạnh. Bên cạnh đó, cần thực hiện mục tiêu đưa bóng đá Việt Nam lọt vào Top 10 châu Á từ nay đến năm 2030.
Chỉ khi thực hiện được mục tiêu này thì chúng ta mới có hy vọng chuyển tiềm năng thành khả năng cạnh tranh suất tham dự World Cup vào năm 2030”.
Ông Lê Hoài Anh nói thêm: “VFF đã tính toán kỹ lưỡng, trong đó có giải pháp về xây dựng lực lượng bằng việc đầu tư cho các đội tuyển từ U19 đến U23, hay giải pháp về kế hoạch tập trung, tập huấn cho đội tuyển thông qua việc tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, Saudi Arabia…
Bên cạnh đó là giải pháp về tổ chức, sắp xếp lịch thi đấu các giải chuyên nghiệp phù hợp với chương trình hoạt động của đội tuyển, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho đội tuyển thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng điểm theo từng giai đoạn".