Băng nhóm tội phạm thâu tóm 'mảnh đất lửa' Naples

GD&TĐ - Naples từng là vùng đất nông nghiệp màu mỡ ở Tây Nam Italy nhưng giờ đây, khu vực này thành điểm nóng xử lý rác thải và chất độc hại bất hợp pháp.

Rác thải tràn ngập tại Naples, Italy.
Rác thải tràn ngập tại Naples, Italy.

Nơi đây được coi là “mỏ vàng” đối với các băng nhóm tội phạm môi trường.

Xử lý rác thải bất hợp pháp

Naples, nằm ở Campania, vùng Tây Nam Italy là thành phố lớn thứ ba tại nước này với dân số khoảng 6 triệu người. Từ những năm 1980 đến nay, Naples và khu vực Campania lân cận đã phải hứng chịu các vụ đốt, đổ và chôn rác cùng hóa chất độc hại trái phép.

Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng khiến không ít người, bao gồm cả trẻ em, ở Naples chết vì ung thư hoặc gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến hít phải khói thải độc hại. Chưa kể, điều này còn ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực trong khu vực.

Nhóm đứng đằng sau các vụ xử lý chất thải trái phép tại Naples là Camorrra, một băng đảng tội phạm có tổ chức khét tiếng tại Italy. Bên cạnh các nhóm tội phạm nguy hiểm khác của Italy như Calabrian ‘Ndrangheta, Pugliese Sacra Corona Unita và Mafia Sicilia, Camorra thâu tóm nhiều hoạt động buôn bán bất hợp pháp cũng như việc kinh doanh trong và ngoài nước. Camorra đã hoạt động ở hơn 10 quốc gia và vốn đầu tư rải khắp châu Âu, chủ yếu ở Tây Âu, Mỹ và Canada.

Băng đảng Camorra được hình thành từ thế kỷ XVI do những kẻ cầm đầu người Tây Ban Nha tới Italy nhập cư xây dựng. Tổ chức này cũng là một trong những băng đảng mafia lâu đời nhất ở Italy và cũng khó bị tiêu diệt nhất.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Camorra và các băng đảng khác chính là hệ thống phân cấp theo chiều ngang. Nếu một ông trùm cấp cao bị bắt, băng Camorra vẫn hoạt động bình thường. Tổ chức này chia làm hai nhánh nhỏ, một nhóm ở thành thị và một nhóm ở vùng ven.

Hoạt động phổ biến của băng đảng này là buôn bán đồ nhập lậu như băng đĩa DVD, hàng hóa và thuốc lá, đặc biệt là hàng giả hàng nhái gắn mác “Made in China”. Camorra được cho là kiếm 70 tỷ USD mỗi năm từ việc buôn bán ma túy, thuốc lá lậu, DVD và tham gia vào lĩnh vực xây dựng.

Vào những năm 1980, do hậu quả của trận động đất ở Naples ngày 23/11/1980, Camorra đã chuyển sang vận chuyển rác thải, chủ yếu là đổ các loại rác và vật liệu độc hại trực tiếp xuống các mỏ đá và nhiều khu vực khác. Điều này giúp băng đảng đa dạng hóa nguồn thu, không bị phụ thuộc vào nguồn thu chính là ma túy, cũng là một hình thức bất hợp pháp.

Năm 1992, một cựu trùm băng đảng Camorra đã tự tin khẳng định: “Tôi không còn buôn bán ma túy. Bây giờ tôi đang điều hành một doanh nghiệp khác đem lại nhiều tiền bạc và ít rủi ro hơn. Đó là rác. Đối với chúng tôi, rác là vàng”.

Ước tính, chỉ riêng trong năm 2013, việc xử lý rác và chất thải độc hại bất hợp pháp đã mang lại 16,3 tỷ euro (khoảng 20 tỷ USD) cho các băng đảng tội phạm có tổ chức trên khắp Italy, bao gồm Camorra.

Làm giàu từ rác

Thành công của hoạt động vận chuyển rác thải được cho là nhờ vào nguồn cung khách hàng ổn định sẵn sàng đồng hành cùng Camorra. Thậm chí trong nhiều trường hợp, Camorra không phải chủ động tìm kiếm đối tác hay công ty lớn để sử dụng dịch vụ của họ.

Vì bỏ qua các quy định về môi trường, thuế và các phương pháp xử lý rác thải hợp pháp có thể rất tốn kém với chất thải độc hại, các công ty do Camorra điều hành có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng với mức giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Thậm chí, băng đảng còn làm hạ giá các công ty thu gom chất thải hợp pháp.

Đơn cử, hồi năm 2016, chi phí trung bình để xử lý các vật liệu nguy hiểm theo đúng quy trình ở Italy dao động từ 21 đến 62 cent/kg nhưng thông qua các công ty con của Camorra, chi phí này giảm còn 9 đến 10 cent/kg, tiết kiệm đáng kể cho các công ty.

Không chỉ hạ giá thị trường, các nhóm mafia như Camorra còn phân bổ địa bàn hoạt động, quấy nhiễu hoặc tống tiền các đối thủ kinh doanh khác, khiến các khách hàng trong khu vực không còn lựa chọn nào khác ngoài họ.

Ngoài ra, họ cũng thông đồng với cảnh sát, doanh nhân và chính trị gia để ép buộc đóng cửa các lò đốt, khiến lượng rác thải phải vận chuyển tăng lên. Bằng những cách này, Camorra có thể kiểm soát toàn bộ việc xử lý rác thải tại khu vực này.

Hồi năm 2008, Chính phủ Italy đã phải huy động quân đội để dọn dẹp những đống rác thải chất chồng ở thành phố Naples. Người dân địa phương đã chỉ trích chính quyền vì không mạnh tay ngăn chặn Camorra mà để băng đảng này kiểm soát việc thu gom rác thải trong hơn một thập kỷ.

Câu hỏi đặt ra tại sao các băng đảng tội phạm lại nhắm vào rác. Theo tờ Slate, các tổ chức tội phạm kiếm được nhiều tiền từ việc buôn bán ma túy, buôn người và kinh doanh hàng giả nhưng rác thải là một lĩnh vực thú vị.

Đây là ngành dễ thâm nhập, kiểm soát, kinh doanh hợp pháp và các hợp đồng mang lại lợi nhuận lớn. Do đó, các băng đảng cũng tăng cường tạo thế độc quyền về thu gom rác thải.

So với việc điều hành một sòng bạc hay một đường dây buôn bán ma túy, kinh doanh rác thải dễ dàng hơn nhiều. Công việc cần làm là vận chuyển rác từ điểm A đến điểm B mà chỉ cần một chiếc xe tải, một vài người khỏe mạnh và nhu cầu xử lý rác thải thì ở đâu cũng cần.

Quy trình hoạt động thông thường là một băng nhóm trong thành phố sẽ ngăn chặn các bên cạnh tranh đẩy giá thấp xuống. Họ ấn định giá và phân bổ địa bàn hoạt động theo cách mà khách hàng không thể chọn lựa ai khác để thu gom rác cho họ.

Như trong trường hợp của Camorra, nhóm mafia lớn và lâu đời này đã kiểm soát ngành thu gom rác ở Naples hàng chục năm bằng cách phá hoại, trấn áp và tống tiền các đối thủ. Trong khi đó, các công ty con của Camorra thì làm ăn tắc trách, chôn trái phép hoặc đốt chất độc hại như hóa chất, kim loại nặng và nhiên liệu.

Đe dọa tính mạng người dân

Vì lẽ đó, Naples và Campania được đặt biệt danh là “mảnh đất lửa”, “đất độc” hay “tam giác tử thần”. Theo báo cáo hồi năm 2014 của Hiệp hội Bảo vệ môi trường Italy, khoảng 11,6 triệu tấn chất thải được chôn trái phép trong khu vực kể từ những năm 1990.

Là một trong những vùng đông dân nhất nhưng Campania cũng là một trong những vùng nghèo nhất của Italy. GDP của khu vực này năm 2016 là 18.600 euro, tương đương 66% mức trung bình của Italy. Chính phủ Italy đã phát hiện hơn 5.000 bãi rác tập trung trong cùng một khu vực có 55 cộng đồng sinh sống ở Campania.

Chôn và đốt rác đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng cho người dân trong khu vực. Bắt đầu từ năm 2000, các bác sĩ ở thị trấn Maddaloni, cách Naples khoảng 25 km, đã ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc ung thư hiếm gặp tăng lên nhanh chóng như ung thư xương, bệnh bạch cầu, ung thư vú... Tuổi thọ của bệnh nhân cũng giảm đáng kể so với trước đó.

Thị trấn Acerra, nằm giữa Naples và Maddaloni, đã ghi nhận sự bùng phát của bệnh ung thư. Nhiều người nông dân nơi đây cũng có nồng độ dioxin tăng cao trong máu, đây là chất gây ung thư ở người. Kể từ đó, tỷ lệ người dân mắc ung thư tại Acerra đã tăng 30% trong khi tại các thị trấn nhỏ khác, tỷ lệ này lên tới 47%. Acerra và các thị trấn lân cận Naples như Nola, Marigliano được gọi là “tam giác tử thần”.

Xử lý rác thải là ngành công nghiệp thu lợi nhuận cao tại Italy.

Xử lý rác thải là ngành công nghiệp thu lợi nhuận cao tại Italy.

Mạnh tay “dập lửa”

Không chỉ sức khỏe của người dân mà nền kinh tế trong khu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào năm 2014, Bộ Nông nghiệp Italy đã cấm bán mozzarella, loại phô mai làm từ sữa trâu và là mặt hàng xuất khẩu chính của vùng, sau khi phát hiện trong sữa trâu có chứa nồng độ dioxin lớn. Rượu vang và dầu olive cũng chịu chung số phận khi bị liệt vào danh mục cấm xuất khẩu trong năm 2014 vì lo ngại nhiễm các hóa chất độc hại.

Lệnh cấm này thậm chí còn giúp Camorra hưởng lợi hơn nữa. Khi các sản phẩm tại Campanian bị cấm bán, Camorra đã chuyển chúng cho thị trường chợ đen. Theo các cuộc điều tra liên bang ở Lazio và Milan, các sản phẩm ô nhiễm được trộn lẫn với hàng hóa an toàn và đem bán rộng rãi.

Những con buôn thường rất thèm muốn các sản phẩm này do họ có thể mua với giá trẻ, bán với giá cao hơn, thậm chí là làm giả bao bì để che giấu xuất xứ từ Campania.

Ngoài ra khi sản phẩm bị cấm, nông sản không còn là nguồn thu nhập chính của nông dân địa phương, họ bắt đầu bán hoặc cho các công ty thuê đất để xử lý rác thải bất hợp pháp.

Chính phủ Italy từng sử dụng nhiều cách để giải quyết cơn lũng đoạn tại Campania. Năm 1994, chính quyền Campania bắt đầu phát động chiến dịch giành lấy việc vận chuyển rác thải khỏi sự kiểm soát của Camorra.

Chính quyền đã bổ nhiệm ủy viên đặc biệt chuyên giám sát các vấn đề xử lý rác thải trong khu vực nhưng người này quan tâm đến các vấn đề rác thải đô thị nhiều hơn là việc xử lý rác thải bất hợp pháp. Điều đó càng tạo cơ hội để Camorra phá giá việc xử lý rác thải bất hợp pháp.

Tại Naples, người dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình lớn về vấn đề khủng hoảng rác thải và chỉ trích chính phủ chậm giải quyết tình hình ở Campania. Đến năm 2014, Italy mới tuyên bố khu vực Campania là thảm họa môi trường.

Cùng năm, Thượng viện Italy thông qua Nghị định lập pháp số 136 vào năm 2014 về “Các biện pháp khẩn cấp để giải quyết các tình huống khẩn cấp về môi trường và công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các lĩnh vực liên quan”. Luật mới quy định việc đốt rác thải bất hợp pháp là phạm tội và củng cố các luật hiện hành được ban hành để chống lại ảnh hưởng lan rộng của Camorra trong khu vực.

Các thành viên Camorra đối mặt với án tù dài hạn, và bị truy lùng gắt gao. Hồi tháng 3/2019, Macro Di Lauro, con trai của cựu trùm Camorra, Paolo Di Lauro, đã bị bắt sau 14 năm chạy trốn.

Đến nay, nỗ lực của chính phủ đã phần nào ngăn chặn được sự lộng hành của băng Camorra cùng nhiều tội phạm mafia môi trường khác. Trong giai đoạn 2015 - 2016, tỷ lệ tội phạm mafia môi trường giảm 7%.

Dù vậy, “mảnh đất lửa” Naples vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt, các băng đảng mafia, nhất là Camorra, vẫn hoạt động tích cực tại đây còn số phận người dân địa phương luôn bị đe dọa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Kết quả XSMB thứ 6 hàng tuần