Giáo phái cực đoan trở thành mafia toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Được thành lập tại quốc gia châu Phi Nigeria, giáo phái Rìu Đen nổi tiếng với nghi thức kết nạp thành viên bạo lực và gây ra nhiều tội ác man rợ.

Rìu Đen là một tổ chức tội phạm hoạt động thông qua lừa đảo trên Internet, buôn lậu ma túy.
Rìu Đen là một tổ chức tội phạm hoạt động thông qua lừa đảo trên Internet, buôn lậu ma túy.

Những năm qua, giáo phái không chỉ nhúng tay vào giới chính trị, mà còn mở rộng hoạt động tội phạm ra toàn cầu.

Bí mật bị phanh phui

Tại Nigeria, Rìu Đen được coi là một giáo phái vì họ thực hành những nghi lễ bí mật và chiêu mộ những thành viên cực kỳ trung thành. Họ cũng khét tiếng là những người bạo lực cực đoan. Kẻ thù của Rìu Đen thường gắn liền với hình ảnh bị tra tấn, xẻo thịt, vứt xác bên lề đường và đăng tải tràn lan trên mạng xã hội Nigeria.

Trong những khoảnh khắc ngồi một mình, TS John Stone thường hồi tưởng. Không phải về máu hay âm thanh tiếng súng từng ám ảnh ông, mà là những lời van xin tha mạng. “Rất đau đớn”, ông Stone rùng mình chia sẻ: “Gia đình của những người đã chết sẽ nguyền rủa bạn. Và bạn sẽ mang theo lời nguyền rủa đó đi hết cuộc đời”.

TS John Stone giảng dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Benin, nằm ở miền Nam Nigeria. Trong suốt hàng thập kỷ trước đó, ông là thành viên cấp cao của Rìu Đen (Black Axe), một băng đảng mafia Nigeria từng gây ra nhiều tội ác như buôn người, lừa đảo qua Internet và giết người.

TS Stone thừa nhận ông từng hành động tàn bạo khi còn là thành viên của Rìu Đen. Ở thành phố Benin, ông nổi danh là một “đồ tể”. Những năm tháng này đã để lại một vết sẹo tâm lý đối với Stone.

Hiện tại, ông rất hối hận về quá khứ của mình và thường xuyên lên tiếng chỉ trích băng đảng mà mình từng phục vụ. Stone là một trong hàng chục cựu thành viên Rìu Đen đã quyết định phá vỡ lời thề giữ bí mật và tiết lộ tội ác của băng đảng ra quốc tế thông qua BBC.

Trong 2 năm, BBC tại châu Phi đã điều tra về Rìu Đen và xây dựng một mạng lưới nguồn tin chuyên cung cấp những bí mật về băng đảng này. Từ đó, BBC đã thu thập hàng nghìn tài liệu bí mật từ liên lạc riêng của Rìu Đen.

Các bằng chứng cho thấy trong thập kỷ qua, Rìu Đen đã trở thành một trong những nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm và hoạt động sâu rộng nhất thế giới. Những chân rết của chúng đã tiếp cận châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Sở dĩ BBC mở cuộc điều tra về băng đảng này do một phóng viên BBC đã nhận được lời đe dọa từ Rìu Đen khi tìm hiểu về hoạt động buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp tại Nigeria. Truyền thông quốc tế muốn xác định mạng lưới tội phạm này quyền lực đến mức nào và ai đứng đằng sau nó.

Mở đầu cuộc điều tra là thông tin từ một người đàn ông giấu tên, sử dụng mật danh là Uche Tobias. Người này tiết lộ đã hack hàng chục nghìn tài liệu bí mật của Rìu Đen, trong đó gồm thông tin liên lạc của các thành viên; thư từ trao đổi về âm mưu giết người và buôn lậu ma túy; mạng lưới lừa đảo qua Internet; kế hoạch mở rộng “giáo phái” ra toàn cầu.

Vì những thông tin này, Tobias đã nhận được thư đe dọa qua Internet từ Rìu Đen với nội dung: “Chúng tao sẽ săn lùng mày, đâm thủng sọ mày và liếm máu mày”.

TS John Stone từng là cựu thành viên Rìu Đen.

TS John Stone từng là cựu thành viên Rìu Đen.

Lễ kết nạp tàn bạo

Dành nhiều tháng phân tích tài liệu của Tobias, BBC phát hiện ra nhiều cá nhân có tên trong danh sách và sự kiện được đề cập là có thật. Tuy nhiên, người thường sẽ rất khó phát hiện bởi Rìu Đen sử dụng các diễn đàn bí mật có mật khẩu để trao đổi thông tin.

Nhóm duy trì hoạt động chủ yếu thông qua việc lừa đảo qua Internet. Trong tài liệu của Tobias, BBC đã thu thập được nhiều biên lai, thông tin chuyển khoản ngân hàng của nạn nhân trong hàng nghìn phi vụ lừa đảo xuyên biên giới mà Rìu Đen đứng sau. Hình thức lừa đảo vô cùng đa dạng như lừa tình, lừa quyền thừa kế, bất động sản hay giả danh doanh nghiệp.

Vì mạng lưới lừa đảo của Rìu Đen rất rộng lớn và chặt chẽ, một phi vụ thậm chí có hàng chục người tham gia nên các nạn nhân không mảy may nghi ngờ. Nhiều người bị lừa mất hàng triệu USD. Những khoản tiền này là nguồn kinh phí để băng đảng duy trì hoạt động và lấn sân sang buôn lậu vũ khí, ma túy.

Hầu hết thành viên Rìu Đen là nam giới, độ tuổi từ 16 đến 23 và đang đi học. Để gia nhập Rìu Đen, tân binh phải làm lễ kết nạp thành viên, được mô tả là rất tàn bạo.

Tân binh sẽ được dẫn đến một khu vực vắng vẻ, nơi các thành viên đang chờ sẵn. Người này sẽ lột trần đồ, nằm úp mặt xuống vũng bùn để các thành viên dùng roi quất liên tiếp lên người.

Cơn đau khiến các tân binh như chết đi sống lại nhưng sau đó, họ phải thực hiện một loạt nghi lễ khác như chui qua háng các thành viên, cắt máu ăn thề... Hoàn thành các nghi lễ mà vẫn còn đủ sức trụ vững, hắn ta sẽ trở thành một “Người rìu”.

Nhiều người trẻ tham gia Rìu Đen vì bị ép buộc nhưng sau nghi lễ kết nạp thành viên, họ như được “truyền cảm hứng” và cảm thấy gắn kết hơn với giáo phái. Do đó, họ nguyện trung thành và làm mọi điều được giao.

Bên cạnh đó là yếu tố kinh tế. Các thành viên kiếm được nhiều tiền hơn khi tham gia vào mạng lưới tội phạm của Rìu Đen. Họ cũng được bảo vệ bởi “danh tiếng” của Rìu Đen khiến các đảng phái đối thủ khác không dám tấn công.

Uche Tobias bị Rìu Đen truy lùng vì hack tài liệu mật của băng đảng.
Uche Tobias bị Rìu Đen truy lùng vì hack tài liệu mật của băng đảng.

Nhập nhằng giữa hai tổ chức

Ít ai biết rằng, mạng lưới lừa đảo đa quốc gia này lại có trụ sở tại Nigeria và khởi nguồn từ một nhóm sinh viên theo Phong trào Ủng hộ Người da màu châu Phi (NBM).

Phong trào này được thành lập tại Đại học Benin từ những năm 1970 với biểu tượng là một chiếc rìu đen đang chặt đứt xiềng xích. Hình ảnh trên mang ý nghĩa vùng lên chống lại áp bức đối với người da màu.

Đến nay, NBM vẫn tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa một doanh nghiệp được đăng ký hợp pháp. Với hơn 3 triệu thành viên trên thế giới, NBM thường tổ chức các hoạt động ủng hộ, quyên góp cho trẻ mồ côi, trường học ở các khu vực khó khăn, nông thôn, miền núi...

NBM khẳng định, Rìu Đen là một nhóm bất hảo đã ly khai và không liên quan gì đến phong trào. Họ cũng phản đối các hành vi tội phạm mà nhóm này gây ra. Nếu NBM phát hiện thành viên của họ đứng trong hàng ngũ của Rìu Đen, người này sẽ bị khai trừ ngay lập tức.

Còn theo thông tin từ nhiều thành viên giáo phái, Rìu Đen được thành lập vào những năm 1980 tại thành phố Benin, bang Edo nên hầu hết thành viên đều xuất thân từ khu vực này.

Ngoài ra, theo khảo sát của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, 70% người Nigeria di cư ra nước ngoài đến từ bang Edo. Đây cũng là điều kiện cho phép giáo phái bành trướng hoạt động.

Tuy nhiên, đến nay, mối liên hệ giữa Rìu Đen và NBM vẫn còn bỏ ngỏ. Năm 2018, khi điều tra về Rìu Đen, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, NBM là “tổ chức tội phạm và là một phần của Rìu Đen”. Chính phủ Canada cũng coi NBM và Rìu Đen là một.

Những tài liệu mà BBC có được cũng chỉ ra mối liên hệ giữa NBM và Rìu Đen. Cụ thể, một số thông tin từ email của ông Augustus Bemigho-Eyeoyibo, Chủ tịch NBM giai đoạn 2012 - 2016 cho thấy người này đã tham gia vào một vụ lừa đảo trên mạng quy mô lớn. Vụ lừa nhắm vào công dân Anh và Mỹ với tổng số tiền lên tới 3,3 triệu USD.

Ông Bemigho đã gửi các tin nhắn lừa đảo được soạn mẫu cho khoảng 50 “cộng tác viên” và yêu cầu họ gửi cho các nạn nhân trên khắp thế giới để “kiếm hàng triệu USD”. Ông gọi họ là “Người rìu” còn họ coi ông là “người anh cả của Rìu Đen”.

TS Stone cũng khẳng định, NBM và Rìu Đen là một bởi khi là cựu thành viên Rìu Đen, ông đồng thời giữ chức Chủ tịch chi nhánh NBM tại Benin. Theo ông, đó chỉ là một hình thức để che đậy những hoạt động bất hợp pháp, giống như đồng xu có hai mặt.

Do đó, không phải tất cả thành viên Rìu Đen đều sống bằng nghề lừa đảo và đâm thuê chém mướn. Nhiều người tham gia giáo phái vì muốn kết bạn và mở rộng mối quan hệ để tăng cơ hội việc làm lẫn kinh doanh. Không ít thành viên nhóm là người trong quân đội, học giả, thậm chí là linh mục, mục sư.

Cựu Chủ tịch Rìu Đen, Augustus Bemigho-Eyeoyibo, được cho là tham gia vào phi vụ lừa đảo công dân Vương quốc Anh và Mỹ.

Cựu Chủ tịch Rìu Đen, Augustus Bemigho-Eyeoyibo, được cho là tham gia vào phi vụ lừa đảo công dân Vương quốc Anh và Mỹ.

Nỗ lực đẩy lùi cái xấu

Dù sao, khi phủ nhận quan hệ với Rìu Đen, NBM cũng thành công xây dựng hình ảnh một thương hiệu uy tín, an toàn và chính trực tại nhiều quốc gia. Họ cũng xây dựng mối quan hệ với nhiều người nổi tiếng, chính trị gia tại Nigeria và nước ngoài để mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Ông Stone cho biết: “Nhiều thành viên NBM tham gia vào Hạ viện Nigeria và các cơ quan hành pháp. Rìu Đen là vậy. Đó là những gì NBM hướng tới, thâm nhập vào bất kỳ vị trí nào mà con người có thể làm được”.

Nhà hoạt động Curtis Ogbedor cho rằng, các chính trị gia triển vọng tại Nigeria đã thuê thành viên Rìu Đen đe dọa các đối thủ, “bảo vệ” thùng phiếu và ép buộc cử tri bỏ phiếu cho họ. Nếu thành công nhậm chức, các chính trị gia này sẽ thưởng cho Rìu Đen nhiều vị trí trong nội các Nigeria.

Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên đều tin tưởng Rìu Đen một cách mù quáng. Nhận ra giáo phái này đang trở nên quá nguy hiểm, nhiều người đã quyết định rút lui bất chấp đe dọa.

Một cựu thành viên Rìu Đen giấu tên chia sẻ: “Lý do nhiều người trong chúng tôi tham gia NBM là để chung sức trong cuộc chiến chống áp bức. Nhưng giờ đây, chúng tôi trở thành một tổ chức tội phạm có ‘vết nhơ’ ở khắp mọi nơi”.

Người khác van xin: “Tôi không trở thành Người rìu để lấy mạng người khác mà để kết nối tình bằng hữu. Làm ơn hãy dừng những vụ giết người lại”.

Còn các nhà lãnh đạo NBM cam kết tổ chức này sẽ luôn trung thành với các nguyên tắc khi thành lập và thúc đẩy hòa bình. Chủ tịch hiện tại của NBM, Olorogun Ese Kakor nói với BBC rằng ông được bầu để truy quét tận gốc những “tội phạm xâm nhập” bởi những người này đang gây tổn hại rất lớn cho tổ chức.

Trong nỗ lực thúc đẩy sự thay đổi, TS Stone đã thành lập “Liên minh Cầu vồng”, nhóm vận động bao gồm những cựu thành viên Rìu Đen, công dân và học giả có ảnh hưởng tại Nigeria. Các thành viên nhóm đã và đang cố gắng giảm xung đột băng đảng và chèo lái Rìu Đen tới một tương lai hòa bình hơn.

“Liên minh Cầu vồng muốn đóng góp cho xã hội bằng nỗ lực giảm thiểu tội phạm, giảm tỷ lệ tử vong ở thanh niên và giảm tỷ lệ góa phụ, trẻ mồ côi”, ông Stone chia sẻ.

Nỗ lực hiện tại của Stone là một công việc nguy hiểm và bản thân ông có thể bị “Người rìu” tìm đến một ngày nào đó. Dù vậy, ông vẫn sẵn sàng đối mặt với một thanh kiếm trong xe và một khẩu súng tại nhà. “Để bảo vệ bản thân và an toàn của chính mình. Nếu họ tìm đến tôi, tôi cũng có thể tìm đến họ”, ông Stone cho hay.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ