Bàn về giáo dục hòa nhập trong dự thảo Luật Giáo dục

GD&TĐ - Cho rằng các vấn đề liên quan tới giáo dục hòa nhập (GDHN) chưa được thể hiện rõ trong Luật Giáo dục, TS Nguyễn Thị Kim Hoa – Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đề xuất nghiên cứu lồng ghép các vấn đề liên quan tới GDHN vào các quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách về độ tuổi nhập học

TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, chính sách về độ tuổi nhập học là một vấn đề lớn, không chỉ thuần túy thuộc lĩnh vực vực giáo dục mà liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác như y tế (sinh lý); tâm lý… Thực tiễn cũng cho thấy, việc chăm sóc, bảo vệ, quản lý đối tượng là trẻ em phải thông qua nhiều quy định pháp lý khác nhau, cần sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, tổ chức có liên quan.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và các đối tượng đặc thù khi tham gia giáo dục phổ thông, theo TS Nguyễn Thị Kim Hoa, ngay trong Luật Giáo dục, Quốc hội nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể nội dung chính sách (đặc thù) về độ tuổi nhập học đối với những đối tượng tại quy định Khoản 2 Điều 26 Luật Giáo dục hiện hành. Từ đó, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát cần thiết và đưa ra mức tuổi nhập học phù hợp (theo hướng mở rộng so với hiện nay).

Ngoài ra, cũng liên quan tới vấn đề độ tuổi, TS Nguyễn Thị Kim Hoa kiến nghị Quốc hội xem xét chính sách ưu tiên về độ tuổi đối với các đối tượng đặc thù tham gia giáo dục mầm non (trong đó có trẻ em khuyết tật) tại Điều 25. Quy định này nhằm bảo đảm sự tương thích với các chính sách về tuổi trong giáo dục phổ thông, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có nhu cầu theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Ảnh minh hoạ/ Internet
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Xác nhận đã tham gia chương trình tiểu học, THPT

TS Nguyễn Thị Kim Hoa nhấn mạnh: Giáo dục là một quyền cơ bản của con người và là điều kiện tiên quyết để thực hiện các quyền khác của con người. Điều 13 - Phổ cập giáo dục trong Luật Giáo dục nêu rõ: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước. Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

"Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã đưa Trung tâm học tập giáo dục hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân. Tôi rất hoan nghênh điều này". - TS Nguyễn Thị Kim Hoa

Do điều kiện đặc biệt về sức khỏe, khiếm khuyết về thể chất và tinh thần mà một số học sinh mặc dù tham gia học hết chương trình tiểu học, THCS, THPT nhưng có khả năng không đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, cụ thể: Đánh giá định kì về học tập cuối năm học của từng môn học và hoạt động giáo dục: không hoàn thành; đánh giá định kì về từng năng lực và phẩm chất cuối năm học: không đạt; bài kiểm tra định kì cuối năm học của các môn học đạt từ điểm 5 trở xuống.

Để tạo điều kiện cho các em tiếp tục học hòa nhập cần được xác nhận đã tham dự chương trình, TS Nguyễn Thị Kim Hoa đề xuất quy định trong Luật việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp bằng tốt nghiệp, THCS, THPT (Điều 31). Cụ thể: Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt học hết chương trình tiểu học; THCS hoặc THPT nhưng không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ một hay nhiều môn học và hoạt động giáo dục (dù bản thân đã nỗ lực và nhận sự hỗ trợ tích cực) thì được hiệu trưởng xác nhận trong học bạ đã tham dự chương trình môn học đó hay cấp học đó (Khoản 4).

Tạo cơ sở pháp lý phát triển chương trình, học liệu cho người khuyết tật

Xuất phát từ sự đa dạng về tật, người khuyết tật gặp rất nhiều trở ngại khi tiếp xúc với học liệu tại các cơ sở giáo dục. Trên tinh thần Khoản 3 Điều 27 Luật Người khuyết tật 2010, để đảm bảo quyền lợi trong lĩnh vực giáo dục cho người khuyết tật, họ cần được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập riêng biệt trong trường hợp cần thiết. Cụ thể người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia tại các trường hoà nhập, bán hoà nhập hay chuyên biệt. Người khuyết tật trí tuệ cần được cung cấp thêm các tài liệu bổ trợ dạy kỹ năng sống và đồ dùng dạy học trực quan...

Từ điều này, TS Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, đây là vấn đề quan trọng cần được nhấn mạnh trong Luật Giáo dục (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng tổ chức nghiên cứu, phát triển chương trình, học liệu phù hợp dành cho người khuyết tật. Việc này giúp xóa bỏ những rào cản trong quá trình học tập của người khuyết tật, đảm bảo sự tham gia giáo dục một cách trọn vẹn và bình đẳng, phù hợp với Luật Người khuyết tật và CRPD.

Cụ thể, TS Nguyễn Thị Kim Hoa đề nghị bổ sung Khoản 4 Điều 29 dự thảo Luật Giáo dục theo hướng: “Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa cho phù hợp với nhu cầu đặc biệt của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; chủ trì ban hành quy chuẩn quốc gia đối với sách giáo khoa chữ nổi Braille và sách ngôn ngữ ký hiệu thuộc các cấp sở giáo dục phổ thông, hệ thống danh mục học liệu dành cho trẻ khuyết tật…”.

Nội dung “Chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt”, có thể diễn đạt rõ hơn: “Triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chung phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi”. Bổ sung: Có một số SGK cho mỗi môn học/một số dân tộc ít người; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho nhà giáo

Khẳng định GDHN là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật đồng thời đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDHN phải có kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết trong quá trình giảng dạy, giao tiếp với người học là người khuyết tật. Vì vậy, TS Nguyễn Thị Kim Hoa đề nghị bổ sung vào mục 3, Chương IV nội dung “Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ về GDHN cho nhà giáo trong các cơ sở GDHN theo quy định của Luật Người khuyết tật”.

Bên cạnh đó, Luật cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết chính sách này. Cũng lưu ý định nghĩa GDHN đã được nêu trong Luật Người khuyết tật, vì vậy để tránh trùng chéo về khái niệm giữa hai Luật thì về kỹ thuật soạn thảo chỉ cần áp dụng phương pháp dẫn chiếu (Khoản 4, Điều 2 của Luật Người khuyết tật định nghĩa: GDHN là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.