Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, quản lý đến từ các trường ĐH trên cả nước. 33 bài tham luận đã được các nhà khoa học, quản lý trình bày tại hội thảo.
Hội thảo đã tập trung vào các vấn đề mang tính cốt lõi trong đổi mới, thực tiễn cần phải thay đổi trong việc dạy và học ngành Giáo dục chính trị và giáo dục công dân để tìm ra các giải pháp thay đổi, tháo gỡ cho phù hợp.
Trong đó, việc đánh giá và góp ý về chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị và Giáo dục công dân tại các trường ĐH - CĐ hiện nay được nhiều đại biểu thẳng thắn phân tích.
Tại Hội thảo, các tham luận đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị và Giáo dục công dân, như: Phân tích về nhiệm vụ cấp bách trong đổi mới chương trình đào tạo ngành Giáo dục chính trị và Giáo dục công dân theo yêu cầu xã hội; đề xuất cần xác định rõ mục tiêu giáo dục về con người trong việc đổi mới chương trình Giáo dục chính trị và Giáo dục công dân cho học sinh; các giải pháp và kiến nghị về việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy giáo dục công dân thời kỳ đổi mới...
Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Đình Lục (Trường ĐH Sài Gòn) - cho rằng: Giáo dục lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển về nhận thức, nhân cách của sinh viên. Tuy nhiên, việc giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên ĐH - CĐ nước ta trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Vì vậy, đổi mới giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các trường ĐH - CĐ ở nước ta thực sự là một việc có tính cấp thời nếu chúng ta mong muốn có được một đội ngũ sinh viên chuẩn trong lý tưởng, tác phong, đạo đức và lối sống ở tương lai.