Bán tranh gây quỹ chống dịch

GD&TĐ - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cùng một số nghệ sĩ tổ chức cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật gây quỹ mua giường hồi sức, máy thở và xe lăn cho bệnh viện dã chiến.

Tác phẩm “Thị nữ” của Phan Cẩm Thượng tham gia trong phiên đấu giá thiện nguyện.
Tác phẩm “Thị nữ” của Phan Cẩm Thượng tham gia trong phiên đấu giá thiện nguyện.

Sự kiện đấu giá khoảng 90 bức tranh của 80 họa sĩ và nhà sưu tập trên khắp cả nước gửi tặng, để gây quỹ mua trang thiết bị y tế tặng bệnh viện dã chiến. Trải qua các phiên đấu giá nghệ thuật, số tiền thu về sẽ được các nghệ sĩ mua trang thiết bị góp sức vào cuộc chiến chống Covid-19.

“Xin tranh” cho bệnh viện dã chiến

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho biết, ý tưởng đấu giá tranh để mua giường và trang thiết bị tặng bệnh viện dã chiến xuất phát từ mong mỏi góp sức cùng người dân TPHCM trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Ông Lý Đợi cũng nói rằng, có người anh làm bác sĩ tại bệnh viện dã chiến số 5 (Thuận Kiều Plaza, Quận 5 - TPHCM) tâm sự, do thiếu hơn 20 giường hồi sức, khiến cho việc chữa trị Covid-19 thêm khó khăn.

Ông Lý Đợi đi dò hỏi thì biết mỗi chiếc giường có giá chừng 21 - 22 triệu đồng. Và thế là ý tưởng “xin tranh” được hình thành. Ông viết trên trang cá nhân: “Trong mấy việc giống như thế này, hơn 10 năm qua các họa sĩ và nhà sưu tập cứ thấy mặt tôi là biết rằng sẽ bị xin tranh.

Xin hoài, quá ái ngại. Nay tình thế cấp bách, ai cũng khó khăn, nên không dám nhắn tin xin riêng, mà lần đầu tiên xin công khai trên Facebook cá nhân. Anh chị, bạn hữu nào có sẵn lòng thì nhắn tin”.

Đến ngày 20/8, ban tổ chức đã nhận về hơn 100 tác phẩm, chọn lọc lại thì được khoảng trên 90 bức. Thời gian đấu giá phiên đầu tiên diễn ra ngày 20/8 với 24/24 tác phẩm hội họa và gốm được bán. Phiên đấu giá thứ hai diễn ra ngày 21/8 với 23/27 bức tranh được bán thành công. Phiên thứ ba diễn ra ngày 22/8 với 28/31 bức tranh được trả giá. Tổng ba phiên thu về hơn 1 tỷ đồng.

Kết thúc 3 phiên đấu giá, nhà nghiên cứu Lý Đợi chia sẻ: “Mọi dự định về 20 giường hồi sức, 2 máy thở và 10 xe lăn đã gửi đến bệnh viện dã chiến số 5. Số tiền còn lại, chúng tôi dự kiến mua thêm 1 - 2 máy thở nữa, nếu đủ. Và dự ra một ít cho công tác hậu cần như làm khung tranh, cước vận chuyển, đền bù mất mát, thiệt hại tranh”.

Được biết, trong khoảng 90 bức tranh của hơn 80 họa sĩ và nhà sưu tập gửi tặng, nhiều người đã hào phóng tặng luôn khung, mica và cước phí bưu điện. Nếu dịch ổn định, ban tổ chức dự kiến sẽ có chừng 2 tháng để hoàn tất khâu hậu cần.

Bởi vậy, ông Lý Đợi nói rằng nếu tranh chưa đến tay người mua thì thỉnh thoảng, xin quý sưu tập hãy nhắn tin nhắc nhở. Sau khi hoàn tất, số tiền ít ỏi còn dư, ban tổ chức sẽ tặng cho một học sinh nghèo hiếu học, con một gia đình từng bị Covid-19.

Họa sĩ Bình Nhi – con dâu cố họa sĩ Quốc Thái tặng 9 bức tranh cho phiên đấu giá.

Họa sĩ Bình Nhi – con dâu cố họa sĩ Quốc Thái tặng 9 bức tranh cho phiên đấu giá.

Nghệ thuật thương nhau

“Chúng tôi nghĩ rằng, không phải cho nhiều tranh thì đặc biệt hơn cho ít tranh, vì đây là chuyện tự nguyện, ít hoặc nhiều gì cũng là tấm lòng đẹp. Hơn 90 bức tranh của hơn 80 họa sĩ và nhà sưu tập vừa gửi tặng đều là những tấm lòng đẹp. Chúng tôi xin tri ân và biết ơn các nghệ sĩ”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi

Dù là “xin tranh”, nhưng giới sưu tập và công chúng khá bất ngờ bởi những tác phẩm đấu giá có sự “góp mặt” của nhiều họa sĩ nổi tiếng, như: Lưu Công Nhân, Lê Triều Điển, Phạm An Hải, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Quốc Thái, Thành Chương, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Phan Cẩm Thượng…

Theo đó, sau ba phiên đấu giá này, ban tổ chức sẽ có một phiên đặc biệt để tri ân gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943 - 2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi. Hơn 10 năm qua, thông qua những phiên bán tranh thiện nguyện, gia đình này đã tặng rất nhiều tác phẩm.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay, sau 2 phiên đấu giá cùng chủ đề, cứ tưởng là “nhiệt” sẽ giảm, không ngờ mọi người vẫn rất thương nhau, nên phiên đấu thứ 3 đã có 28/31 tranh được bán.

Ông Lý Đợi cũng cho biết, nhiều người nói “cho tranh thiện nguyện thôi mà, có gì đâu mà đặc biệt”. Tuy nhiên, tại 3 phiên đấu giá mua giường hồi sức, gia đình họa sĩ Quốc Thái tặng 9 bức, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí tặng 5 bức.

“Điều đặc biệt ở nghệ thuật thiện nguyện là góp tranh và bán tranh. Các nghệ sĩ khá vô tư và bao dung, thường để ban tổ chức tùy ý xử lý, nhiều khi bán với giá thấp đến xót xa”, ông Lý Đợi chia sẻ.

Ban tổ chức “xin tranh” bán đấu giá góp tiền mua giường cho bệnh viện dã chiến cũng nói rằng, sở dĩ phải tách riêng phiên đấu giá của gia đình cố họa sĩ Nguyễn Quốc Thái, vì để những người thường đi xin tranh thiện nguyện có dịp cảm ơn và tri ân - như là một đại diện cho tất cả họa sĩ, nhà sưu tập đã có tấm lòng đóng góp vô tư, đẹp đẽ.

Đến chiều tối ngày 23/8, phiên đấu giá tranh của gia đình cố họa sĩ Nguyễn Quốc Thái kết thúc sớm hơn dự kiến, và đem lại kết quả bất ngờ khi 12/12 tác phẩm đã có người mua ngay.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Ông tốt nghiệp Khoa Hội họa - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1982. Ông sáng tác với đủ các chất liệu như chì than, bột màu, màu nước, tranh lụa, sơn dầu.

Các sáng tác của ông không giới hạn đề tài, chiến tranh - hòa bình, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật… dù đơn sắc hay đa sắc cũng đều thể hiện rõ nét tâm hồn nghệ sĩ với niềm trắc ẩn khi đứng trước hiện thực đời sống.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Thái có con trai và con dâu nối nghiệp, là họa sĩ Quốc Thắng và họa sĩ Bình Nhi. Điều từng khiến ông hạnh phúc chính là các con đã nuôi giữ ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật. Họ là những người nghệ sĩ đang âm thầm trên con đường sáng tạo, ghi lại và lưu giữ những vẻ đẹp cuộc sống, và hơn thế nữa họ biết san sẻ với xã hội, dùng nghệ thuật để yêu thương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.